Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Cò” viên chức giáo dục lộng hành: Nâng giá khi hàng trăm giáo viên mất việc

Tạp Chí Giáo Dục

Không chạy, giỏi đến mấy cũng trượt. Nếu chạy thì dốt mấy cũng đỗ. Năm ngoái anh giúp một con bé tên Th., dốt lắm. Nhưng anh vẫn lo cho nó đỗ.

Trước khi nhận hồ sơ của các giáo viên (GV) muốn chạy công chức, "cò" Ánh cảnh cáo: "Các cô phải xác định, mọi năm đề dễ bao nhiêu, thì năm nay khó bấy nhiêu. Huyện Sóc Sơn vừa cắt hợp đồng của gần 200 GV ngoài biên chế nên đang bị "soi" dữ lắm.

Những cô giáo ấy làm đơn kiện tận thành phố, kêu rằng họ đã mất nhiều tiền xin việc mà giờ lại bị đuổi. Thêm cả chuyện kỳ thi viên chức năm ngoái ở huyện này cũng ẩm ĩ, những đứa thi cùng tố nhau là không làm được bài vẫn đỗ… càng khó thì giá càng cao, giá cao gấp đôi năm ngoái nhé, khoảng 180 triệu đến 200 triệu".

Ước mơ phải mua bằng tiền

Khi những GV mầm non vừa bị đuổi việc ở H.Sóc Sơn loay hoay tìm việc làm thì có người tìm cách liên hệ với họ, mời mọc chung chi “mua” một suất vào biên chế.

Nhiều GV kiên quyết không tiếp tay cho tiêu cực. Có cô giáo đã khóc khi nói với chúng tôi về ước mơ được làm việc trong một môi trường đúng là giáo dục chứ không sặc mùi tiền.

Hầu hết các cô đều cho biết: “Cái giá để có được một chỗ đứng chân tạm thời trong ngành giáo dục ở huyện này là khoảng 50-60 triệu. Dạy được vài năm, muốn ở lâu hơn trong ngành, lại phải thi vào biên chế, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng. Mỗi suất biên chế lại phải thông qua "cò", tiếp tục chi từ 150 đến 250 triệu, nếu không chi thì làm bài giỏi đến mấy vẫn có thể trượt”.

Những điều tưởng như đơn giản nhất, bình thường nhất là được sống sao cho tử tế trong ngành giáo dục, nay đã trở thành một việc vô cùng khó. Ước muốn được làm cô giáo, được cống hiến cho sự nghiệp trồng người lại phải mua bằng tiền. Những đồng tiền bạc bẽo cứ bào mòn dần ước mơ của những người muốn tận lực với nghề…

Cuối tháng 8/2015, cô Nguyễn Thị L., GV Trường mầm non Bắc Sơn, H.Sóc Sơn kết nối chúng tôi với “cò” Ánh để nộp hồ sơ và trao đổi giá tiền. Theo lời cô L. thì: “Anh Ánh là cán bộ, có quan hệ rất “khủng”, GV đã qua tay anh ta là vào biên chế hết. Anh Ánh đã nhận tiền là đỗ, chưa phải trả lại trường hợp nào”.

Chúng tôi một mực đòi cho gặp Ánh mới thực hiện giao dịch. Cô L. bảo, phải chờ để cô hỏi xem Ánh có đồng ý gặp không. “Thông thường người ta không gặp trực tiếp người cần chạy, phải qua nhiều cầu để xóa dấu vết. Tin thì chạy, không tin thì thôi, mình cần họ chứ họ không cần mình” – L. nói.

"Cò" Ánh

Trong khi chờ, L. hỏi tên người cần chạy. Phóng viên bịa đại ra một cái tên. Không lâu sau, L. gọi lại, bực dọc nói: “Làm gì có cái tên như thế trong ngành giáo dục H.Sóc Sơn? Định đùa à?”.

Chúng tôi buộc phải nói đó là tên ở nhà, rồi cung cấp một cái tên có thật. Sau khi kiểm tra bằng cách nào đó, thấy khớp, L. bèn “lệnh” cho tôi gặp “cò” Ánh vào ngày 30/8/2015, tại nhà riêng ở xóm Cộc, thôn Trung Kiên, xã Trung Dã, H.Sóc Sơn.

Đến xóm Cộc, hỏi nhà “cò” Ánh thì ai cũng biết chúng tôi đi xin việc. Người đàn ông bán hàng ở giữa xóm vừa chỉ đường, vừa nói với chúng tôi: “Lại đến xin việc hay chạy công chức? Cứ thấy nhà nào to nhất, đẹp nhất, mới nhất, rộng nhất xóm Cộc thì đấy là nhà ông Ánh”.

Bắt đầu cuộc nói chuyện, “cò” Ánh dặn dò mấy nguyên tắc: “Thứ nhất, đây là sự nghiệp của anh và nhiều người khác, các em không nên tò mò hỏi anh chạy qua ai. Anh chạy qua ai thì chạy, miễn được việc cho các em là xong.

Thứ hai, sau khi anh nhận tiền có nghĩa là trên kia họ đã ok, cứ yên tâm là đỗ. Trong trường hợp trên kia không nhận có nghĩa là bị đầy rồi, muốn làm được phải chồng cao hơn người khác, nhưng anh không muốn làm vậy, mang tiếng lắm.

Qua cửa anh, đòi hỏi phải chuẩn, không thiếu tiền, không kiện cáo, không đỗ thì chỉ hai ngày là hoàn lại toàn bộ tiền, không thiếu một xu. Mà anh không viết giấy biên nhận tiền hay giấy vay nợ, chấp nhận thì làm, không chấp nhận thì về.

 

Chỗ anh làm việc uy tín xưa nay, không ai thắc mắc điều gì. Thuận mua vừa bán”. L. bồi thêm: “Anh Ánh đã giúp em làm nhiều trường hợp thành công rồi, không ai phải lăn tăn nửa lời đâu”.

Thông đồng

Tại nhà “cò” Ánh, chúng tôi được xem danh sách đóng dấu đỏ của UBND H.Sóc Sơn, về kết quả thi tuyển viên chức, GV mầm non năm 2014. Văn bản có tên cô giáo X (tên đã được thay đổi – PV).

 
L., người kết nối với "cò" Ánh

Tên cô giáo X bị "cò" Ánh gạch chân bằng bút dạ màu vàng để đánh dấu. Tôi hỏi Ánh: “Sao anh có tài liệu này?”. Anh ta đáp: “Anh có tất cả. Phải có kênh của anh cung cấp tất cả những thông tin cần thiết, chi tiết, cập nhật của mọi kỳ thi chứ”.

“Giả sử nộp hồ sơ rồi cứ tay bo mà thi, không chạy chọt gì thì có đỗ được không anh?”. “Cò” Ánh cười khẩy: “Nếu thế, chắc chắn là chẳng đến lượt các em đâu. Không chạy, giỏi đến mấy cũng trượt. Nếu chạy thì dốt mấy cũng đỗ. Năm ngoái ở trường Tân Hưng, anh giúp một con bé tên Th., dốt lắm. Trong cái đám thi cùng ấy nó dốt nhất, bài làm kém nhất, nhưng anh vẫn lo cho nó đỗ được.

Thi xong nó gọi cho anh bảo: “Cháu không làm được bài đâu chú ơi!”. Anh nói: “Không làm được cũng ở yên đấy, không phải lo, rồi đâu khắc vào đó hết”. Nó đỗ rồi anh mới trêu nó, hỏi: “Thế cháu có biết soạn giáo án không?”. Nó hồn nhiên bảo: “Không. Cháu đã soạn giáo án bao giờ đâu mà biết”.

Ánh kể thêm: “Có cô giáo T. ở trường Tân Minh, năm ngoái chạy chịu không đủ tiền trả còn nợ, năm nay mới trả hết. Mấy năm nay các GV mới ra trường chạy từ khâu mua bằng nhiều lắm. Tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi hơn 90%. Chúng nó mua bằng giỏi chỉ năm triệu đồng vì bằng giỏi được cộng điểm cao… Nhưng anh khẳng định luôn là bọn này không chạy cũng trượt chổng vó hết”.

Theo điều tra của chúng tôi, “cò” Ánh hiện làm việc tại Ban quản lý chợ Nỷ, trực thuộc UBND H.Sóc Sơn. Ngoài công việc này, Ánh tự giới thiệu mình có tham gia môi giới việc làm, nhận chạy việc, chạy biên chế vào khu công nghiệp, sân bay và các cơ quan đóng trên địa bàn H.Sóc Sơn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu khẩn trương điều tra

Trước thông tin tình trạng “cò” viên chức giáo dục, sáng ngày 9/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã triệu tập cuộc họp khẩn. “Đây là sự việc đang được dư luận rất quan tâm. Các ngành phải vào cuộc ngay, mức độ như thế nào, việc có đến đâu, xử lý đến đấy. Các ngành cần triển khai một cách nghiêm túc, rõ ràng, khẩn trương để trả lời người dân”- ông Phạm Quang Nghị yêu cầu.

Cùng ngày, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có ý kiến chỉ đạo xử lý thông tin “Cò viên chức giáo dục lộng hành” đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM.

Tiếp nhận thông tin “chạy” viên chức mầm non do báo Phụ Nữ phản ánh, ông Hồ Việt Hùng – Trưởng phòng Nội vụ H.Sóc Sơn khẳng định: “Đấy không phải là “cò” mà là đối tượng lừa đảo. Không có đường dây chạy viên chức trên địa bàn H.Sóc Sơn”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, lãnh đạo huyện đang tập trung làm rõ những vấn đề báo Phụ Nữ nêu để xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm.

Bà Đỗ Thu Nga – Chánh văn phòng UBND H.Sóc Sơn cũng cho biết: “Chúng tôi đã nắm thông tin và cũng muốn làm rõ vấn đề. UBND huyện cũng đang xem xét để chủ động báo cáo thành phố, báo cáo Ban Tuyên giáo Thành ủy”.

Theo thông tin từ Thượng tá Lê Ngọc Ly – Trưởng Công an H.Sóc Sơn, sau phản ánh trên báo Phụ Nữ, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra. Ông Ly xác nhận, trên địa bàn H.Sóc Sơn đang nổi lên tin đồn chạy viên chức vào ngành giáo dục của huyện với giá từ 150 – 250 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ phối hợp với công an và các đơn vị khác làm công tác tuyên truyền cho người dân được hiểu rõ” – Thượng tá Lê Ngọc Ly nhấn mạnh.

Trước đó, chiều 8/9, tiến sĩ Trần Đình Triển – Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân – Đoàn Luật sư Hà Nội, đã gửi bản kiến nghị về việc xem xét quyền lợi của 185 giáo viên bị cắt hợp đồng lao động giữa chừng tại H.Sóc Sơn. Trước đó, ông Triển đã nhận được đơn kêu cứu của 185 giáo viên này, đề nghị ông lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.


Theo Nhóm PV Văn phòng Hà Nội (Nguồn PNO)

 

 

Bình luận (0)