Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Còn nhiều lối đi, ngoài ĐH…

Tạp Chí Giáo Dục

Học cao cũng có thể thất nghiệp nếu ngừng nỗ lực, học thấp cũng thành công khi cố gắng hết mình. Điều quan trọng, nếu không khởi đầu bằng con đường ĐH, đời vẫn còn nhiều lối đi…

Trong hai ngày 10 và 11-10, chương trình tư vấn hướng nghiệp 2015 “ĐH không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và được truyền hình trực tiếp bởi Đài Phát thanh – Truyền hình hai tỉnh trên.

Tránh xem học nghề là “trạm dừng tạm”

Nếu không vào được ngành nghề yêu thích ở ĐH, hãy mạnh dạn chọn bậc thấp hơn để tiếp tục theo đuổi đam mê. Đây là điều được Ban tư vấn chương trình nhấn mạnh trước rất nhiều băn khoăn lựa chọn hướng đi của học sinh. Theo ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM – thì thực tế, đã có nhiều tỷ phú bước ra từ trường nghề. Và cũng có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công từ khởi điểm không phải ĐH. Tuy việc học ĐH là cần thiết nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lối khác có thể dẫn người học vào đời. Vì lẽ đó, các năm nay, Báo Giáo dục TP.HCM kiên trì tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp “ĐH không phải con đường duy nhất”, cung cấp thông tin để phụ huynh, học sinh chọn được ngành nghề đúng sở trường, phù hợp điều kiện, lĩnh vực mong muốn.

Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT – khẳng định thêm, hiện việc xét tuyển ĐH-CĐ chính quy gần như đã hoàn tất. Nhiều tân sinh viên đã nhập học. Những em không may mắn vào được ĐH cần nhanh chóng tìm cho mình “cánh cửa” phù hợp khác. Điều quan trọng hãy chọn ngành các em thực sự yêu thích, có thể bắt đầu bằng bậc TC, học nghề… Bởi chỉ có ngành nghề yêu thích mới tạo cho các em động lực học tập, gắn bó, theo đuổi. Thực tế thời gian qua, nhiều sinh viên vì thực hiện giấc mơ ĐH đã học ngành thiếu đam mê nên không đủ hứng thú theo đuổi, bỏ ngang giữa chừng. Chưa kể, nhiều em gắng gượng để ra trường nhưng lại… thất nghiệp hoặc làm không đúng chuyên ngành dẫn đến năng suất thấp. “Do đó việc lựa chọn nghề phù hợp hết sức quan trọng. Nếu tất cả mọi người bằng mọi giá tốt nghiệp ĐH thì vấn đề tìm việc sau này rất khó khăn. Nhất là tình trạng tốt nghiệp ĐH lại đi học nghề vốn đã tồn tại sẽ tái diễn” – ông Cường cảnh báo.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM (ngồi giữa) – chia sẻ với thí sinh, phụ huynh việc học ĐH là cần thiết nhưng không phải con đường duy nhất để vào đời

Ông Nguyễn Hoàng Chương – Giám đốc đào tạo Trường CĐ Nghề Hoa Sen – cũng nhìn nhận, tuy đầu vào bằng xét tuyển, nhưng để đáp ứng được chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra, người học phải hết sức nỗ lực và có thái độ học tập nghiêm túc. Không chỉ nỗ lực vì bản thân, người học còn cần phải xác định nghề nghiệp đang theo đuổi sẽ nuôi sống mình, tránh cho rằng đây là “trạm dừng tạm” để mai mốt có cơ hội thi ĐH lại, sẽ khó học tập chuyên tâm.

Dõi sát tình hình người học

Đối tượng học nghề hoặc TCCN có cả học sinh tốt nghiệp THCS. Các em với độ tuổi quá nhỏ, sống tự lập học tập xa nhà luôn là mối lo lắng của nhiều phụ huynh. Chính vì điều này, đại diện các trường cho biết, sẽ tăng cường kết nối với gia đình để theo sát tình hình học tập của các em. Ông Châu Văn Dưỡng – Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – đánh giá, lứa tuổi THCS vào học TC còn bồng bột, chưa quen tự lập, phụ huynh lo lắng cũng là điều dễ thấy. Để xóa tan lo lắng này, nhà trường thường xuyên kết nối với gia đình để cập nhật hoạt động học tập của các em thông qua internet, điện thoại…

ThS. Phan Viết Thế – Giám đốc đào tạo Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech – cho biết thêm, hoạt động của học viên được nhà trường nắm bắt chặt chẽ. Các em đi học trễ 15 phút, đại diện trường sẽ gọi điện hỏi thăm lý do. Nếu vắng 2 buổi liên tiếp trường sẽ liên hệ gia đình tìm hiểu tình hình, hỗ trợ khắc phục. Được biết, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech đào tạo các khóa dài hạn (4 học kỳ) và ngắn hạn (1-3 tháng). Tất cả chương trình đào tạo được chuyển giao từ Ấn Độ.

Liên quan đến câu hỏi của học sinh về ngành nghề đào tạo theo cấp độ quốc tế, ThS. Trần Kim Tuyền – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM – giải đáp, các ngành nghề truyền thống được đào tạo tại trường gồm: Ô tô, công nghệ thông tin, nhóm kinh tế, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, năm nay trường được cho phép thí điểm đào tạo cấp độ quốc tế ở 3 nghề, dự kiến tháng 12 tới khai giảng. Với chương trình được chuyển giao toàn bộ từ chương trình của Úc, người học xong có 2 bằng, một do trường cấp và một do Úc cấp (nếu đạt các tiêu chuẩn đối tác quy định).

Bài, ảnh: Mê Tâm

Bình luận (0)