Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học trò trường làng tập lập trình

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Huỳnh Diệu Sanh, giáo viên dạy môn toán – tin Trường THCS Nguyễn Trãi, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), luôn trăn trở việc học sinh trường làng vốn thiệt thòi hơn học sinh phố thị, bởi không được trang bị kỹ năng, kích thích sự sáng tạo nên có phần thụ động.

Học trò trường làng tập lập trình
Thầy Sanh hướng dẫn học sinh lắp ráp các mạch điện tử – Ảnh: T.TRANG

Từ suy nghĩ này, thầy Sanh quyết phải làm mọi cách để học sinh của mình không thua thiệt.

Từ không hề biết gì về mạch, cảm biến, lập trình, bây giờ mỗi khi đến tiết học của thầy Sanh, tụi em đều háo hức vì mỗi ngày đều có cái mới lạ trong đó"

Học sinh Nguyễn Trần Châu Hải Phụng 
(lớp 8T Trường THCS Nguyễn Trãi)

Dụ học sinh bằng… thiết bị thông minh

Thầy Sanh nói: “Môn học toán – tin vốn dĩ rất khô khan, học sinh ở đây chỉ học qua loa cho đủ điểm. Các em hoàn toàn không ý thức được nếu đam mê theo đuổi môn này thì rất có ích trong công việc và cuộc sống sau này”.

Vốn ham thích chế tạo từ nhỏ, thầy Sanh nghĩ nếu chỉ học lý thuyết toán – tin cứng nhắc thì các em cũng khó “nuốt”, nên thầy bắt tay làm các thiết bị gia đình thông minh, vừa thỏa đam mê của mình, vừa minh họa cũng như kích thích học sinh đam mê lập trình.

Học sinh cấp II còn nhỏ tuổi, lại ở vùng quê chân lấm tay bùn, nên đã mắt tròn mắt dẹt khi thấy thầy mang lên lớp bữa thì cái quạt điều khiển bằng điện thoại di động, bữa thì mô hình xe điều khiển từ xa, hay các thiết bị thường được sử dụng trong nhà có thể tự tắt/mở theo ý người sử dụng.

“Phần lớn các em đều nghĩ phải cao siêu lắm mới làm được như vậy. Tôi giải thích cho học sinh hiểu, chỉ cần nắm vững phần lập trình trong môn tin học và vận dụng một chút môn vật lý là có thể làm được. Vậy mà các em thích, năng động hẳn lên” – thầy Sanh vui vẻ kể.

Thầy Sanh nói thêm mỗi mô hình như vậy không mất quá nhiều thời gian để chế tạo. Do chỉ cần hướng cho các em có tư duy sáng tạo, đam mê hơn trong môn học toán – tin nên chỉ cần làm mô hình là đủ.

“Vui nhất là mấy học trò nhỏ về nhà tự mày mò bắt chước mình để làm rồi mang vào khoe thầy. Tuy còn ngây ngô lắm, nhưng các em đã biết học hỏi, sáng tạo, có tiền đề tốt trong những năm học kế tiếp” – thầy Sanh kể.

Cứ thế, mỗi năm thầy Sanh đều sáng tạo ra nhiều mô hình khác nhau để thu hút học sinh hơn. Hiện thầy Sanh đang ấp ủ nhiều mô hình như xe điều khiển bằng bluetooth, flycam điều khiển từ xa quan sát mọi ngóc ngách ở trường học, robot giữ nhà…

Học trò thông minh ngoài tưởng tượng!

Theo thầy Sanh, hiện nay nhiều sinh hoạt đời thường đều được kết nối mạng Internet, đồ vật xung quanh cũng có thể trở nên thông minh do được gắn kèm máy tính, vì vậy phải nhanh chóng cập nhật điều này cho các em học sinh của mình.

“Tuy nhiên, cho các em biết thông tin thì không hay bằng để các em đam mê, tự xắn tay vào thực hành, sáng tạo sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đôi lúc các em nghĩ và làm rất thông minh, ngoài sức tưởng tượng của mình” – thầy Sanh nói.

Từ tháng 6 đến nay, thầy Sanh và hai nhóm học sinh vẫn đang cần mẫn sáng tạo thiết bị điều khiển từ xa, tự động vận hành bằng ứng dụng mạch Arduino để tham gia cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” (hiện tại mạch Arduino chỉ áp dụng trong các trường THPT, các trường huyện, xã thì càng không được áp dụng, thực hành loại mạch này – PV).

Thầy Sanh nói một mình thầy cũng có thể dự thi, nhưng thầy mong muốn có sự tham gia của học sinh để tạo cho các em tư duy sáng tạo, thông qua các tình huống thực tế. Đồng thời, rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, dám làm, chịu sai và chịu sửa.

“Ban đầu tôi chỉ hướng dẫn các em làm nhiệm vụ lắp ráp, lập trình, sau đó nhóm sẽ tự quyết định xem cá nhân ai làm gì tốt nhất rồi phân công hợp lý. Giờ thì hai nhóm đã bắt đầu hoàn thiện gần 80% mô hình Ngôi nhà với các thiết bị thông minh và Xe vận chuyển hàng điều khiển không dây từ xa” – thầy Sanh nói.

Em Nguyễn Trần Châu Hải Phụng, học sinh lớp 8T, cũng là thí sinh nữ duy nhất tham gia cuộc thi, cho biết khi em xin thầy Sanh cho tham gia nhóm, các bạn nam cũng hơi ngại ngần, nhưng giờ thì ai cũng hòa đồng, mỗi người một việc.

“Từ không hề biết gì về mạch, cảm biến, lập trình, bây giờ mỗi khi đến tiết học của thầy Sanh tụi em đều háo hức, vì mỗi ngày đều có cái mới lạ trong đó” – Phụng chia sẻ.

Phụng nói thêm: “Khi bắt tay vào làm, em mới hình dung được hết các bài đã được học. Rất gần gũi và thiết thực, lại vận dụng sáng tạo được nhiều thứ trong đời sống”.

Thầy Nguyễn Văn Hóa, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hậu Giang), cho biết thầy Sanh về dạy ở trường hơn sáu năm nay, chưa năm nào thầy bỏ qua các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên nhi đồng hay các kỳ thi tin học trẻ.

“Lúc đầu, khi thầy Sanh chọn học sinh dự thi, các em còn thiếu tự tin lắm. Nhưng thầy Sanh liên tục rèn luyện, cổ vũ để các em an tâm đi thi. Chỉ định thi chủ yếu cho có phong trào, nhưng năm nào các em cũng đều ẵm giải” – thầy Hóa kể.

 

THÙY TRANG/TTO

 

Bình luận (0)