Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giáo viên và phụ huynh đều đã quen với việc không chấm điểm học sinh tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau một năm học thực hiện, Thông tư 22 (thay thế Thông tư 30 về bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học) đã nhận được phản hồi tích cực từ đội ngũ nhà giáo cũng như các bậc phụ huynh.

Trao đổi thường xuyên hơn

Phản hồi từ các trường tiểu học, Thông tư 22 đã làm thay đổi tích cực cách đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh, khắc phục những gánh nặng sổ sách cho giáo viên…  

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách, Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD- ĐT cho biết: “Qua chỉ đạo, tập huấn, hỗ trợ các địa phương và báo cáo của các sở GD- ĐT, nhất là những ý kiến từ giáo viên, cán bộ quản lý các trường tiểu học đều thể hiện sự đồng thuận và đánh giá Thông tư 22 có nhiều ưu điểm, đã khắc phục được những bất cập trong Thông tư 30. Việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đã dần đi vào ổn định, tạo thuận lợi cho giáo viên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học”.

Thông tư 22 đã giảm bớt gánh nặng cho giáo viên. Ảnh: TTXVN

Về đánh giá được tổ chức định kỳ, tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kỳ. Căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên, giáo viên tổng hợp đánh giá thường xuyên (lượng hóa) thành các mức: "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành", "Chưa hoàn thành" đối với từng môn học và hoạt động giáo dục và "Tốt", "Đạt", "Cần cố gắng" đối với từng năng lực, phẩm chất. Qua đó, đã giúp cho bản thân giáo viên cũng như phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của học sinh đang ở mức nào, từ đó có biện pháp giúp đỡ phù hợp với từng đối tượng học sinh. 

Bên cạnh đó, đề bài kiểm tra định kỳ gồm các câu hỏi, bài tập được điều chỉnh, thiết kế theo 4 mức thay vì 3 mức như trước đây đã góp phần đánh giá mức độ nhận thức của học sinh được chính xác và tường minh hơn.

Bộ GD – ĐT nhận định, bước đầu cha mẹ học sinh đã thể hiện nhiều hơn sự quan tâm và tham gia nhận xét về quá trình học tập và rèn luyện của con em mình qua việc xuất hiện nhiều hơn số lần trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của các em ở trường và ở nhà. 

Về hồ sơ đánh giá, Thông tư 22 quy định hồ sơ đánh giá học sinh chỉ còn 2 loại: Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp và Học bạ, thay vì có 5 loại như Thông tư 30 đã giúp cho giáo viên có nhiều thời gian quan tâm, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện. 

Về khen thưởng học sinh vào cuối năm học, việc quy định rõ các tiêu chí khen thưởng học sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, nhà trường trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Hữu cho biết: “Ban đầu có thể một số giáo viên có tâm lý ngại đổi mới nên bước đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn và trong quá trình thực hiện nhận được sự hỗ trợ, tương tác, trao đổi của đồng nghiệp nên đến nay, việc đánh giá học sinh đã dần ổn định và đi vào nền nếp. Để nâng cao năng lực cho giáo viên trong việc đánh giá học sinh tiểu học, trong thời gian tới, Bộ GD- ĐT chủ trương sẽ tiếp tục tập huấn cho giáo viên về kĩ thuật đánh giá theo các chuyên đề”.

Không còn tình trạng mỗi nơi khen một kiểu

Bộ GD – ĐT đánh giá, việc khen thưởng được quy định cụ thể trong Thông tư 22. Theo đó, vào cuối năm học học sinh có thể được hiệu trưởng khen là hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện nếu đáp ứng được những tiêu chí rõ ràng. Thông tư 22 tiếp tục phát huy tính nhân văn trong Thông tư 30 về việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học thông qua quy định việc khen thưởng một số em học sinh trong lớp có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc ở ít nhất một môn học hoặc một năng lực, phẩm chất để động viên, khích lệ những em này.

Việc ghi vào giấy khen cho học sinh đã được quy định rõ ràng trong Thông tư 22 như “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện” hay “Học sinh có thành tích vượt trội (hoặc có tiến bộ vượt bậc) trong học tập môn… hay rèn luyện năng lực:.., phẩm chất:..” 

Ông Nguyễn Đức Hữu cho biết: “Nhờ những quy định cụ thể này mà hiện nay tình trạng mỗi trường có cách ghi giấy khen và thực hiện khen thưởng một kiểu như hiện trạng nêu trên hầu như không còn nữa. Tuy nhiên cá biệt một vài nơi chưa thống nhất cách ghi là do nhà trường chưa hiểu và chưa thực hiện đúng theo quy định cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Giải thích về tính công bằng trong khen thưởng, ông Nguyễn Đức Hữu cho biết: Mục đích của việc khen thưởng học sinh ở cấp tiểu học là để động viên, khích lệ sự tiến bộ của học sinh, để các em tự tin, hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện, không phải nhằm so sánh, xếp hạng giữa các học sinh. Mỗi học sinh có các năng lực, sở trường khác nhau, do vậy việc khen thưởng, khích lệ ở một hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục hoặc năng lực, phẩm chất sẽ giúp học sinh phát huy hơn nữa khả năng của mình. 

Do đó, ở cuối năm học, việc khen thưởng học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc ở một hoặc một số môn học, hoạt động giáo dục hay năng lực, phẩm chất so với giai đoạn trước của chính học sinh đó cũng sẽ được khen thưởng nhưng phải đảm bảo thực chất và các em ấy thật sự xứng đáng.

Trong thời gian tới, Bộ GD- ĐT sẽ tổ chức sơ kết sau 1 năm học thực hiện Thông tư 22 để lắng nghe ý kiến từ địa phương. Tất cả các ý kiến thu được sẽ được nghiên cứu, xem xét để từ đó trong trường hợp cần thiết Bộ GD-ĐT sẽ có những chỉ đạo cụ thể nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục bất cập (nếu có), để việc đánh giá học sinh tiểu học đi vào nền nếp và ổn định.

Theo Lê Vân/ Báo Tin Tức 

 

Bình luận (0)