Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Xét tuyển ngành công nghệ bằng môn… giáo dục công dân!

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2019, nhiều trường ĐH xét tuyển thêm tổ hợp mới theo hướng sát với môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt, tăng thêm nhiều tổ hợp có môn ngoại ngữ, giáo dục công dân.
Học sinh H.Cần Giờ tham dự chương trình Tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua  /// Ảnh: Khả Hòa
Học sinh H.Cần Giờ tham dự chương trình Tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua. Ảnh Khả Hòa
Theo thông tin dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các môn thi bắt buộc để xét công nhận tốt nghiệp vẫn gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm lý – hóa – sinh hoặc khoa học xã hội (KHXH) gồm sử – địa – giáo dục công dân. Nhìn vào phương án tuyển sinh dự kiến các trường ĐH, có thể nhận ra các tổ hợp xét tuyển mới được bổ sung gắn liền với các môn/bài thi bắt buộc.
Môn giáo dục công dân “lên ngôi”
Chẳng hạn, ĐH Huế dự kiến sử dụng tổ hợp môn mới cho 115 ngành trong hệ thống các đơn vị thành viên trong năm tới. Trong đó, hầu hết là thêm vào các tổ hợp có chứa môn ngoại ngữ hoặc bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH. Nhiều ngành thuộc lĩnh vực kinh tế xét tuyển bằng tổ hợp có chứa bài thi KHXH (bên cạnh môn toán, văn).
Đáng lưu ý là việc sử dụng giáo dục công dân (GDCD) – một môn được xếp trong tổ hợp KHXH thường được sử dụng để xét tuyển các ngành khối xã hội, trong việc tuyển thí sinh vào các ngành công nghệ. Ví dụ, Trường ĐH Nông Lâm Huế sử dụng tổ hợp toán – sinh – GDCD để xét tuyển nhiều ngành thuộc nhóm trồng trọt, nông nghiệp công nghệ cao như: khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, nông học, công nghệ rau hoa quả và cảnh quan.
Cũng tại ĐH Huế, Trường ĐH Sư phạm có nhiều ngành thêm tổ hợp mới có chứa môn GDCD như: sư phạm lịch sử, sư phạm ngữ văn, giáo dục chính trị. Một số ngành của Trường ĐH Khoa học cũng thêm tổ hợp có chứa môn này như: Hán – Nôm, triết học, lịch sử, văn học, ngôn ngữ học, Đông phương học…
Trường ĐH Quy Nhơn cũng sử dụng tổ hợp C19 (văn – sử – GDCD) để xét tuyển cho một số ngành: Việt Nam học, văn học, Đông phương học… Trước đó năm 2018, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM còn sử dụng tổ hợp C14 (văn – toán – GDCD) để xét tuyển các ngành công nghệ thông tin, kế toán.
Môn văn xét tuyển ngành công nghệ, kỹ thuật
Ngoài ra, các trường còn bổ sung môn văn trong tổ hợp xét tuyển nhiều ngành tự nhiên và kỹ thuật. Chẳng hạn, Khoa Quốc tế của ĐH Huế dự kiến tuyển thêm tổ hợp toán – lý – ngữ văn cho ngành kỹ thuật xây dựng.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM) cũng bổ sung tổ hợp toán – văn – tiếng Anh cho ngành toán học. Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông trường này, cho biết việc bổ sung thêm tổ hợp này cho ngành toán vì từ năm tới ngành này sẽ đào tạo theo hướng toán sư phạm, toán tài chính định lượng. Trong đó, môn toán cho biết khả năng tư duy logic, cũng là môn nền tảng cho ngành học này. Môn tiếng Anh giúp tăng khả năng ngoại ngữ của người học và môn văn rất cần để giúp sinh viên thành những người đọc, viết có văn hóa hơn.
Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm tới cũng sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới gồm: quản lý đất đai và bảo hộ lao động. Trong đó, riêng ngành quản lý đất đai có sử dụng tổ hợp toán – tiếng Anh – khoa học xã hội. Bên cạnh đó, trường này cũng sử dụng tổ hợp toán – văn – hóa cho nhóm ngành môi trường và sử dụng tổ hợp toán – văn – lý cho tất cả các ngành kỹ thuật của trường.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo trường này, lý giải tất cả các ngành kỹ thuật đều có môn toán là môn nền tảng. “Tuy nhiên, quá trình đào tạo thực tiễn chúng tôi nhận thấy, cách hành văn của các sinh viên kỹ thuật đôi khi chưa tốt, điều này thể hiện trong các báo cáo chuyên đề, luận văn tốt nghiệp. Cụ thể, hành văn chưa được trôi chảy trong diễn đạt các vấn đề kỹ thuật. Vì vậy, nên đưa môn văn vào tổ hợp xét tuyển các ngành kỹ thuật là hợp lý tuy nhiên chỉ là môn bổ trợ”, ông Nhân phân tích.
Còn với việc tuyển tổ hợp có chứa bài thi KHXH cho ngành quản lý đất đai, ông Nhân cho rằng đây là một ngành thuộc nhóm quản lý nên cần kiến thức tổng quan, trong đó có kiến thức về xã hội, địa lý…
Một thay đổi quan trọng trong phương án tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là bỏ tổ hợp A00 (toán – lý – hóa) và thay bằng tổ hợp C00 (văn – sử – địa) cho ngành đô thị học. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, sự điều chỉnh này theo yêu cầu của hội đồng khoa vì thống kê các năm trước, số lượng thí sinh xét tuyển bằng khối A00 vào ngành này rất ít trong khi chương trình học không nặng kiến thức về tự nhiên.
Giúp tăng điểm chuẩn đầu vào ?
Một số trường đào tạo về khoa học xã hội không sử dụng bài thi tổ hợp, đặc biệt là môn GDCD trong tuyển sinh. Nói về việc này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng môn GDCD phù hợp với một số ngành đào tạo nhất định, ví dụ đào tạo luật sư cần có thái độ công dân tốt. Còn các ngành khoa học xã hội và nhân văn do trường đào tạo cần kiến thức ở từng lĩnh vực sử, địa nhiều hơn.
Đại diện một trường ĐH khác thì nhìn nhận, việc bổ sung tổ hợp có chứa môn GDCD khi xét tuyển những ngành không có nhiều liên quan là có mục tiêu khác. Nhìn vào phổ điểm môn thi này trong 2 năm gần đây có thể thấy, đây là môn thi được nhận định đề dễ hơn, phổ điểm cao hơn 2 môn còn lại trong tổ hợp KHXH và các môn khác. Do vậy, sử dụng môn này trong tổ hợp xét tuyển sẽ giúp điểm chuẩn đầu vào tăng lên, thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp này cũng có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Giám đốc tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng việc sử dụng những tổ hợp xét tuyển “lạ” hoặc ngược so với các tổ hợp truyền thống là rất đáng lo. Vì nếu các trường thu hút thí sinh bằng mọi cách thì khi trúng tuyển vào, liệu với vốn kiến thức trái ngành như vậy các em có đủ năng lực để học đến cùng và đảm bảo được các yêu cầu khắt khe theo chuẩn đầu ra hay không.

Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)