Vào vai phóng viên, tuyên truyền viên, nhà quản lý môi trường… là cách mà học sinh lớp 5/2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Q.7, TP.HCM) trải nghiệm trong bộ môn tiếng Anh gắn với chủ đề bảo vệ môi trường thông qua dự án “Say no to plastic” (Nói không với rác thải nhựa).
Học sinh trong trường ký tên lên poster kêu gọi mọi người “nói không với rác thải nhựa”
Cô Thi Thị Cấp Tâm (giáo viên môn tiếng Anh) cho biết ý tưởng của hoạt động này xuất phát từ câu trả lời của một học sinh trước câu hỏi: “Trái đất sẽ như thế nào trong 100 năm nữa?” trong một bài học tiếng Anh. Các em hình dung ra rất nhiều ý tưởng về trái đất, nào là bị đóng băng, được thay thế bởi robot hay ngập trong rác thải nhựa. “Dự án ra đời như một cách để học sinh hành động, thể hiện trách nhiệm của bản thân vì chính tương lai của trái đất, bằng những việc làm cụ thể”, cô Tâm nói. 49 học sinh trong lớp được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm sắm vai trải nghiệm những nghề nghiệp khác nhau liên quan đến môi trường: Tuyên truyền viên, nhà quản lý môi trường, tái chế viên và phóng viên. “Sau khi chọn vai, mỗi nhóm tự trả lời câu hỏi: Ở vai trò đó sẽ có những hướng xử lý, can thiệp như thế nào để giải quyết bài toán giảm thiểu rác thải nhựa? Từ những ý tưởng của học sinh, giáo viên định hướng và mở rộng thêm cho các em”, cô Tâm chia sẻ. Với cách triển khai này, sản phẩm của mỗi nhóm thực hiện rất phong phú, thể hiện các vai trò khác nhau trong mỗi ngành nghề. Cụ thể, tuyên truyền viên thiết kế poster, áp phích, lập trang web tiếng Anh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; nhà quản lý môi trường hướng dẫn học sinh phân loại rác tại thùng vào giờ ra chơi, thu gom rác tái chế, thiết kế poster lớn kêu gọi mọi người cùng ký tên để nói không với rác thải nhựa; tái chế viên thì thể hiện tài năng sáng tạo rác thải nhựa ra những sản phẩm độc đáo; phóng viên thiết kế bài báo, tin tức về vấn đề rác thải nhựa dựa trên những ý kiến phỏng vấn từ học sinh, giáo viên… Điều đặc biệt là các sản phẩm của dự án (trừ những sản phẩm tái chế) đều được học sinh trình bày bằng tiếng Anh.
Trong vai trò nhà quản lý môi trường, Bùi Hoàng Khanh cho biết với mong muốn hoạt động tuyên truyền phân loại rác đạt hiệu quả cao, nhóm đã thiết kế những tấm áp phích tuyên truyền thật ấn tượng từ các app trên mạng, chèn thêm nhiều hình ảnh sinh động trên web. “Phương pháp học này rất thú vị. Ngoài việc học tiếng Anh, làm việc nhóm, đoàn kết với bạn bè, em còn hiểu thêm kiến thức về phân loại rác, góp phần làm đẹp hơn trái đất này”, Hoàng Khanh chia sẻ. “Những sản phẩm tái chế của dự án như bình hoa, chuông gió, bảng từ vựng, bảng số, bản đồ Việt Nam… sẽ được sử dụng làm quà tặng trong phong trào “đổi rác lấy quà”, qua đó khuyến khích học sinh thu gom rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”, cô Tâm cho biết.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)