Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người dân vẫn vô tư mua bán, giết mổ gia cầm sống

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 (cúm A/H5N6) có nguy cơ bùng phát ở một số địa phương trên cả nước. Nguy hiểm là vậy nhưng người dân vẫn vô tư mua bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Điểm bán gia cầm trên đường Lê Văn Lương (ấp 5, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè)

Theo Cục Thú y, cúm A/H5N6 là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus H5N6 gây ra, tốc độ lây lan nhanh. Không chỉ có gà, vịt nuôi đàn mà chim cảnh, gia cầm hoang dã cũng có thể mắc bệnh. Cúm A/H5N6 lây sang người thông qua trực tiếp hoặc gián tiếp. Gia cầm đã giết mổ, nếu mắc bệnh thì virus có thể sống trong môi trường tủ lạnh hàng tháng.

Tại TP.HCM, nhiều chợ gia cầm di động vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí giết mổ ngoài đường, trong khu dân cư khiến người dân không khỏi lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh từ gia cầm không rõ nguồn gốc.

Dọc theo đường Lê Văn Lương, đoạn từ phường Tân Hưng (Q.7) đến ấp 3 xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) hiện có hàng chục điểm bán gia cầm sống và được xem là địa chỉ cung cấp gia cầm số lượng lớn mỗi ngày. Không chỉ bán, tại đây còn giết mổ theo yêu cầu của người mua.

Ông Lê Văn Cư (ấp 3, xã Phước Kiển) nói: “So với gần tháng trước, cảnh mua bán gia cầm không còn nhộn nhịp. Trước đây mỗi điểm bày ra đường ba, bốn giỏ, mỗi giỏ hơn chục con. Nay mỗi điểm chỉ bày một giỏ, hễ có lực lượng kiểm tra thì kéo chạy cho… dễ nhưng khi khách có nhu cầu mua số lượng lớn bao nhiêu cũng đáp ứng được”.

Bà Lê Thị Hai, người bán và giết mổ gia cầm tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho biết mỗi ngày bán ra không dưới 100 con gà, vịt, trong đó chủ yếu giao cho các quán cơm, quán nhậu địa bàn lân cận. “Gia cầm này đã qua kiểm dịch hay chưa?” – chúng tôi hỏi. Bà Hai tỉnh rụi: “Bệnh dịch ở đâu chứ ở đây có đâu mà kiểm?”.

Trong khi đó, một trong những chợ gia cầm nổi tiếng ở ấp 3, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (địa bàn giáp ranh huyện Nhà Bè), tình trạng mua bán vẫn nhộn nhịp như không có chuyện gì xảy ra. Ghé vào một điểm dưới chân cầu Rạch Dơi, người bán vô tư chào mời. Khi được hỏi về nguồn gốc gia cầm, người phụ nữ quần ống thấp ống cao, mặt che kín khẩu trang liên miệng: “Hàng chuyển từ Mộc Hóa, Tân Thạnh (Long An) lên. Gà thả vườn, vịt chạy đồng bao dịch bệnh. Mỗi ngày tui bán hàng trăm con, là đầu mối bỏ hàng cho các chợ ở Q.4, Q.7, Q.8…”. 

Ở chợ gia cầm di động trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn hướng về Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) thì người bán có vẻ dè dặt hơn. Một ký gà đã giết mổ giá bao nhiêu? Người bán ra bộ cảnh giác rồi chỉ tay về phía đường đất vào khu dân cư: Ở đó có giết mổ luôn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi người bán chỉ là điểm giết mổ tự phát mọc lên mới hơn tháng nay, sau khi có lực lượng đi kiểm tra thường xuyên.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Phong (Cục Thú y) cho biết, cúm A/H5N6 xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, dù đã được kiểm soát tốt bằng vắc-xin nhưng hàng năm vẫn xảy ra ở một số đàn nhỏ lẻ thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Bác sĩ Phong cảnh báo, ổ dịch gia cầm A/H5N6 xuất hiện hầu hết ở các đàn nhỏ lẻ do người nuôi không có kinh nghiệm nhận biết bệnh, nguy hiểm hơn là giấu dịch.

“Bên cạnh các biện pháp ngăn chặn từ đầu như tiêm vắc-xin, kiểm tra, khoanh vùng, dập dịch, tiêu hủy… thì trách nhiệm của mỗi người dân là cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế dịch lây lan sang người. Người dân cần thay đổi thói quen mua gia cầm giết mổ ở bên ngoài mà nên mua gia cầm giết mổ sẵn ở cửa hàng, siêu thị đã qua kiểm dịch để phòng ngừa dịch lây lan trong cộng đồng”, bác sĩ Phong khuyên.

Bài, ảnh: T.Anh

 

Bình luận (0)