Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Lắng nghe” đi vào đề thi Ngữ Văn tuyển sinh 10

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ Văn năm nay khá đổi mới, đặc biệt là về cấu trúc đề. Kiến thức trong đề thi khá quen thuộc nhưng không dập khuôn, cách ra đề có sự mở hơn, đổi mới hơn, thí sinh không thể học tủ, học lệch mà đòi hỏi thí sinh ngoài kiến thức về tác phẩm văn học, kiến thức xã hội phải biết tư duy, tổng hợp, kết hợp với lý luận văn học, đặc biệt là biết vận dụng những trải nghiệm trong cuộc sống một cách linh hoạt vào trong bài làm.


Học sinh có kỹ năng phân tích, sáng tạo, sự trải nghiệm thì sẽ đạt được điểm cao môn Ngữ Văn

Gần gũi với học sinh

“Cách ra đề năm nay khá mới mẻ khi ngay từ đầu đã đưa ra hẳn chủ đề cho thí sinh. Chủ đề Lắng nghe cũng được nhắc đến xuyên suốt nội dung trong đề. Học sinh cần phải bám vào chủ đề đó để khai triển bài làm. Chủ đề Lắng nghe là vấn đề đang rất cần quan tâm bởi con người hiện nay thường thích nói nhiều hơn là lắng nghe, vừa gần gũi, vừa thời sự, vừa mang tính trải nghiệm sâu sắc. Nhờ có chủ đề, toàn bộ bài làm của học sinh nếu biết cách khai triển sẽ tạo ra tính xuyên suốt, mang tính liên kết mạch lạc từ Câu 1 đến Câu 3, tạo ra tính nhất quán và logic trong hệ thống câu hỏi cũng như bài làm của thí sinh”, cô Trần Thị Quỳnh Anh (Giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Trưng Vương) nhận định.

Ở câu Đọc hiểu, theo cô Quỳnh Anh, kiến thức đọc hiểu cũng khá mới, mức độ kiến thức theo hướng tăng dần từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, giúp phân hóa được trình độ thí sinh. Vấn đề về dịch bệnh Covid-19 được đề cập đến trong phần đọc hiểu cũng không quá xa lạ với học sinh.

Ở câu nghị luận xã hội, cô Quỳnh Anh cho rằng, cách ra đề rất hay, mở, tạo ra nhiều hướng để học sinh khai thác. Cho phép học sinh đưa ra những tải nghiệm thực tế của bản thân. Mệnh lệnh của đề “Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương” nhưng cũng chính là bài học cho mỗi học sinh rút ra.

Đối với câu nghị luận văn học, cô Quỳnh Anh nhận định, cách ra đề ở phần này mới hoàn toàn, giúp học sinh thoát ra ngoài những khuôn mẫu. Tuy nhiên, dù mới trong cách đặt vấn đề, cách hỏi, song nội dung vẫn xoay quanh các kiến thức mà học sinh đã được học, được ôn. Với những học sinh học tủ, học lệch, học theo hướng học vẹt, học thuộc thì có thể thấy bỡ ngỡ với cách ra đề này. Vì vậy, đề sẽ không đánh giá cao thí sinh học tủ, học vẹt mà đi sâu vào những hiểu biết, trải nghiệm và vận dụng của mỗi học sinh.

“Có 3 chủ đề được đưa ra trong câu nghị luận văn học: cá nhân; con người; xã hội. Học sinh có thể lựa chọn quan điểm của mình, 3 đề là 3 thông điệp riêng. Sẽ không có đúng sai mà phụ thuộc vào góc nhìn của học sinh, giúp các em thoát ra khỏi phạm vi của một bài thi mà thể hiện quan điểm, cảm xúc của mình”, cô Quỳnh Anh phân tích.

Cũng trong câu nghị luân văn học, theo cô Quỳnh Anh, đề đã chỉ ra rất rõ ràng “cảm nhận về một trong ba”, qua đây lại đánh giá được khả năng đọc hiểu của học sinh. Bởi nếu học sinh không đọc kỹ đề thì có khả năng sẽ khai triển cả 3 thông điệp được đưa ra trong bài. Bên cạnh đó, khi đã chọn được 1 thông điệp, học sinh phải biết liên kết với một tác phẩm. Như vậy, để làm được, các em phải hiểu đề, lượng kiến thức đủ rộng. “Phần kiến thức nâng cao chính là qua quá trình học sinh thể hiện. Học sinh nào đọc nhiều, có khả năng tư duy, tổng hợp, có kiến thức về lý luận văn học, trải nghiệm trong tác phẩm văn học thì sẽ đạt được điểm cao. Tuy nhiên, đề này, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, có sự quan sát về kiến thức xã hội là cũng có thể đạt điểm trên trung bình”.

Mới nhưng không xa lạ

Theo thầy Đỗ Đức Anh (Giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân), đề năm nay khá thú vị, hay, ngay từ ban đầu khi đọc đề sẽ tạo cho học sinh hứng thú làm bài. “Điểm mới nhất trong đề thi năm nay đó là xoay quanh một chủ đề, tập trung vào một chủ đề mà từ trước đến giờ chưa bao giờ có cách ra đề như thế. Chủ đề lắng nghe không xa lạ với thí sinh. Cạnh đó, cách ra đề thi năm nay cũng gửi gắm nhiều bài học giáo dục”.

Theo thầy Đức Anh, trong nỗ lực đổi mới của đề thi nhưng vẫn đảm bảo cấu trúc, trong bản thân mỗi câu hỏi đều có sự thay đổi, không một màu, dập khuôn. Sự sáng tạo trong đề thi đôi khi là sự mạo hiểu nhưng đặt trong đề thi nay, sự mạo hiểm này lại mang theo nhiều yếu tố tích cực. “Đề không quá sức, rất vừa sức với học sinh trong cách đặt vấn đề, vừa vặn trong các vấn đề, học sinh không phải gồng mình lên để viết những vấn đề đao to búa lớn”.

Đọc hiểu chọn một vấn rất quen thuộc dịch bệnh Covid-19. Do đó, học sinh dễ tiếp cận. Đề năm nay chỉ có 1 ngữ liệu đọc hiểu duy nhất. 4 câu hỏi đặt ra trong phần đọc hiểu không mang tính chất đánh đố học sinh. Câu nghị luận xã hội, nếu các năm trước là lựa chọn giải đoán ý nghĩa hình ảnh, thì năm nay câu hỏi rất mở. Dễ không dễ, khó không khó. Hình thức đơn giản hơn nhưng độ sâu sắc thì không kém, học sinh tự do thể hiện quan điểm.

Sự đổi mới rõ rệt nhất nằm ở nghị luận văn học. Năm nay trong đề 1 lại có những 3 sự lựa chọn, đặt ra lựa chọn trong lựa chọn, rộng đường để học sinh làm, không mang tính gò bó, áp đặt. Ban đầu có thể hơi hoang mang khi đề khác một chút so với đề học kỳ, đề các năm trước nhưng yêu cầu thì như năm trước. Mỗi đoạn thơ trong văn bản đều gửi gắm những giá trị sống, thông điệp phù họp, vừa đủ thời gian cho học sinh làm bài. “Học sinh năm nay sẽ làm được bài. Nhưng các bài làm được điểm cao phải có chiều sâu, nêu bật được những giá trị, thông điệp, ngoài kiến thức phải có sự trải nghiệm, lắng nghe, kỹ năng làm bài”.

Tương tự, cô Trần Thị Ngọc Minh (Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) cũng cho rằng, đề khá vừa sức với học sinh, mang tính thời sự, gần gũi. Đề thi ra theo đúng chuẩn kiến thức trong chương trình, không đề cập kiến thức giảm tải, trọng tâm đều được thầy cô ôn. Đọc hiểu học sinh chỉ cần đọc kỹ văn bản là đạt được điểm tối đa. Nghị luận xã hội tương đối dễ, chỉ cần học sinh có sự trải nghiệm cuộc sống. Nghị luận văn học rất hay, theo hướng mới, học sinh đươc tự do lựa chọn những thông điệp khác nhau, mỗi thông điệp lại phù hợp để học sinh thể hiện tư diu sáng tạo của minh. Cả 3 thống điệp đều mang ý nghĩa giáo dục từ giá trị sống, tình cảm gia đình, cống hiến.

“Đề thi tạo tâm trạng thoải mái cho học sinh. Đề dễ nhưng đòi hỏi tính sâu. Câu nghị luận xã hội nếu học sinh không khéo sẽ mất điểm. Tổng thể đề, đòi hỏi khả năng đọc đề, kỹ năng phân tích đề, kỹ năng sáng tạo, tưu duy của học sinh, nếu máy móc thì sẽ mất điểm. Với đề này, học sinh đạt điểm 7 là nhiều”, cô Minh cho hay.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)