Hơn 1/3 thế kỷ công tác trong ngành giáo dục, gắn bó ở 3 ngôi trường THPT với nhiều vai trò khác nhau từ giáo viên, cán bộ Đoàn đến cán bộ quản lý – dù ở vai trò nào thầy Nguyễn Văn Thành (Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman, Q.1) cũng đều miệt mài góp từng viên gạch nhỏ, đặt nền móng cho công tác GD-ĐT ở mỗi ngôi trường.
Thầy Nguyễn Văn Thành nhận món quà (bánh kem) chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 từ các em học sinh trong trường
Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, ở mỗi ngôi trường đi qua, thầy Thành đều ghi dấu ấn trong lòng học sinh, giáo viên và phụ huynh. Với những đóng góp không mệt mỏi cho ngành giáo dục, mới đây thầy Thành là một trong số ít cán bộ quản lý giáo dục được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 23 năm 2020.
Dùng tình yêu thương cảm hóa học sinh
Điều thầy Thành ghi dấu ấn đậm nhất trong lòng học sinh, giáo viên và phụ huynh trong suốt 35 năm gắn bó với nghề là nghệ thuật cảm hóa học sinh từ môn học cho đến nề nếp, kỷ luật, nhất là với học sinh cá biệt. Ngôi trường nào thầy đặt chân đến, nề nếp ở đó cũng từng bước được ổn định. “Nơi tôi gắn bó lâu nhất là Trường THPT Trưng Vương (Q.1) – 22 năm, sau 6 năm công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức). Tôi trải qua rất nhiều vai trò từ giáo viên bộ môn vật lý, Trợ lý thanh niên, Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng phụ trách phong trào kỷ luật, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, đến Phó Hiệu trưởng phụ trách chung, Bí thư Chi bộ. Ngày tôi mới về, Trường THPT Trưng Vương vẫn chưa phải là một ngôi trường có bề dày về thành tích và phong trào học tập. Sẵn chuyên môn học hỏi được từ 6 năm công tác tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo, tôi quyết tâm cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên đưa chuyên môn của trường đi lên”, thầy Thành nhớ lại.
Với quyết tâm đó, từ những năm 1990, thầy Thành đã bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp dạy học tích cực để thu hút học sinh đến với môn học, yêu môn học một cách tự nguyện, không nhồi nhét kiến thức. Những tiết dạy học môn vật lý thầy Thành đứng lớp không còn đơn thuần học về vận tốc, ánh sáng, chuyển động… mà trở thành giờ học đầy niềm vui, mỗi tiết học là một câu chuyện kể. “Ngoài đổi mới phương pháp giảng dạy, bản thân tôi cũng phải thay đổi từ tác phong đi đứng, ăn nói khi tiếp xúc với học sinh để các em cảm thấy phục. Chỉ khi phục các em mới theo mình. Nhất là muốn học sinh nghe mình, thương mình thì trước hết mình phải thực sự thương học sinh”, thầy Thành chia sẻ.
Tình yêu thương cũng chính là nghệ thuật được thầy Thành dùng để cảm hóa học sinh cá biệt. Với phương châm “lạt mềm buộc chặt”, dù ở vai trò giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm, đối với học sinh cá biệt, thầy đều không la mắng mà ngược lại, luôn hướng tới đề cao trách nhiệm của học sinh với tập thể, tạo điều kiện để các em được thể hiện sự “cá biệt” đó đóng góp cho lớp như giao làm cán bộ lớp, nhờ quản lớp, hỗ trợ giáo viên xây dựng lớp… “Tôi thường gọi riêng những học sinh được coi là cá biệt ra nói chuyện, nhẹ nhàng tìm hiểu hoàn cảnh của các em. Học sinh cá biệt thường là những em có hoàn cảnh khó khăn, các em dùng sự “cá biệt” để thể hiện và khẳng định mình, để được quan tâm và yêu thương hơn. Vì vậy, một mặt động viên các em, mặt khác tôi tìm mọi cách để hỗ trợ các em như xin nhà trường miễn giảm học phí, xin giáo viên bộ môn bồi dưỡng thêm cho các em, bản thân cũng kèm các em học tập, thậm chí nhiều lúc bỏ tiền túi để đóng học phí cho các em…”, thầy Thành kể.
Năm 2012, khi về đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường THPT Tenlơman (Q.1), việc đầu tiên thầy Thành làm là nắm thông tin, danh sách học sinh cá biệt trong trường và mời các em lên phòng Hiệu trưởng để “uống nước, ăn bánh, nói chuyện”. “Cũng vẫn là tâm tình, tôi để các em bày tỏ, kể lại những câu chuyện của mình và… nhờ các em hỗ trợ nhà trường trong công tác nề nếp, kỷ luật. Các em khi đó rất bất ngờ vì thầy Hiệu trưởng không những không la rầy mà còn giao trọng trách lớn cho mình. Cứ như thế, kết hợp với biện pháp mạnh, theo thời gian, những học sinh một thời cá biệt đã thay đổi suy nghĩ, cùng với lớp, với trường xây dựng nề nếp”, thầy Thành cho biết.
Xây dựng môi trường học đường giàu tính nhân văn
Với quan điểm giáo dục học sinh không chỉ kiến thức mà còn là đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ở vai trò là “cánh chim đầu đàn” tại Trường THPT Tenlơman, thầy Thành đã hướng tới xây dựng môi trường học đường giàu tính nhân văn. Trong kế hoạch giáo dục của trường được thiết kế đa dạng, tăng cường các chuyên đề giáo dục đạo đức thông qua hoạt động dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thầy cũng đã xây dựng thành công phong trào “Dùng giáo dục truyền thống và thiện nguyện để thay đổi nhận thức của học sinh trong vấn đề đạo đức”, đưa phong trào trở thành một hoạt động truyền thống của trường trong suốt nhiều năm nay, được phụ huynh và học sinh nhiệt tình ủng hộ, nề nếp kỷ luật của trường cũng đi vào khuôn khổ. “Việc giúp học sinh hiểu rõ về nguồn gốc lịch sử dân tộc sẽ là chất xúc tác để hun đúc trong các em niềm tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến, nuôi dưỡng trong các em những ước mơ hoài bão đẹp, từ đó xây dựng ý thức học tập. Trong khi đó, việc tổ chức hoạt động thiện nguyện lại tạo điều kiện để học sinh được đi đến các mái ấm, nhà mở hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, dạy các em sống biết chia sẻ, biết trân trọng hơn cuộc sống. Với ý nghĩa như thế, có nhiều lớp cuối năm thay vì tổ chức liên hoan thì phụ huynh và học sinh dành số tiền đó đi thăm nhà mở, mái ấm, chăm lo Tết cho trẻ em nghèo”, thầy Thành chia sẻ.
Thành tố của một môi trường giáo dục nhân văn không thể thiếu đến đời sống của trường học. Với suy nghĩ đó, thầy Thành đã từng bước xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất của trường, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên giảng dạy. Từ trang bị hệ thống âm thanh chọn tần số của phòng học được thiết kế riêng cho trường, huy động mọi nguồn lực để xã hội hóa cải tạo sân, làm sân khấu, mái che, đến trang bị máy lạnh, máy chiếu cho toàn bộ các lớp học. Song song đó, công tác chuyên môn cũng được đẩy mạnh, tạo điều kiện để giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. “Trước năm 2012, Trường THPT Tenlơman không bồi dưỡng học sinh giỏi vì cho rằng năng lực học sinh của trường yếu, không bồi dưỡng được. Từ khi tôi về trường, nhận thấy giáo viên rất có năng lực và học sinh cũng không phải là dở, chỉ cần có môi trường để thể hiện nên tôi đã mạnh dạn xây dựng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Lứa đầu tiên đó có 1 học sinh giỏi cấp TP, từ đó tạo động lực để thầy cô tự tin hơn, kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi từ đó cũng được cải thiện nhanh theo từng năm. Năm học 2019-2020, trường có tới 13 học sinh giỏi cấp TP, trong đó có 1 giải nhất môn vật lý”, thầy Thành cho hay.
Bằng việc tạo môi trường tốt nhất để giáo viên đứng lớp, kết quả chất lượng giáo dục của Trường THPT Tenlơman đã từng ngày được khẳng định. Bốn năm nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%, tỷ lệ đậu ĐH, CĐ năm sau cao hơn năm trước. “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất đó là đã tạo ra được môi trường giáo dục thân thiện, nhân văn để học sinh được học tập, vui chơi, có được sự tin yêu của phụ huynh. Ở đó, học sinh mạnh dạn bày tỏ chia sẻ lòng mình với các thầy cô và cả thầy Hiệu trưởng; ở đó các thầy cô sẵn sàng nán lại trường xuyên trưa để bồi dưỡng kiến thức cho học sinh mà không tính toán”, thầy Thành xúc động nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)