Nhiều người dùng thường lầm tưởng rằng iPhone có thể hoạt động lâu dài trong các môi trường nước khác nhau, thậm chí là cả ở bể bơi và ngoài biển do một số quảng cáo mập mờ thời gian gần đây.
“Rõ ràng iPhone chống nước, nhưng tại sao tôi chụp ảnh dưới bể bơi thì điện thoại lại bị hỏng do nước vào”. Những người dùng giận dữ ở New York, Mỹ đã khởi kiện Apple vì lý do khuếch đại khả năng chống nước của iPhone. Điều này khiến người dùng lầm tưởng rằng iPhone có thể hoạt động lâu dài trong các môi trường nước khác nhau, thậm chí là cả ở bể bơi và ngoài biển.
Một nguyên đơn tên Antoinette Smith cho biết, sau khi xem đoạn quảng cáo trên TV về tính năng chống nước của iPhone, cô đã chụp vài tấm hình dưới nước bằng điện thoại khi đi du lịch. Kết quả là chiếc iPhone của Antoinette Smith đã biến thành một cục gạch, trong khi Apple từ chối thay thế hoặc bảo hành miễn phí.
Không chỉ Apple, nhiều nhà sản xuất smartphone hàng đầu khác cũng gặp phải những vụ việc tương tự do các quảng cáo về hiệu suất chống nước bị phóng đại trong thời gian gần đây. Vậy tại sao vẫn có sự cố xảy ra khi tiếp xúc với nước trong khi các nhà sản xuất đều khẳng định điện thoại không thấm nước?
Sở hữu “chức năng chống thấm nước” không có nghĩa là người dùng có thể mang smartphone đi bơi hay đi lặn, hoặc để điện thoại khô tự nhiên sau khi dính nước. Chức năng này chỉ có thể đảm bảo nước sẽ không xâm nhập vào một số vị trí, thành phần quan trọng và gây hư hỏng trong một số điều kiện “tiếp xúc ngắn hạn với nước”.
Trên thực tế, một khi nước thông thường xâm nhập vào bên trong điện thoại, có thể khiến hơi nước ngưng tụ tại camera khiến ảnh chụp bị mờ, chất lượng âm thanh suy giảm, ăn mòn bo mạch làm cho điện thoại không thể sạc, không thể khởi động được. Chính vì vậy, để đảm bảo điện thoại có thể hoạt động ổn định, người dùng cũng cần phải có kiến thức về một số chức năng cụ thể.
Khả năng chống nước của điện thoại di động
Các smartphone hiện nay thường sử dụng 2 phương pháp để đạt được hiệu suất về khả năng chống thấm nước. Trong đó, phương pháp đầu tiên là chống thấm từ kết cấu, bằng cách giảm áp lên các khe hở ở thân máy, sau đó thêm các dải cao su và vòng đệm để tăng khả năng chống thấm.
Phương pháp thứ 2 là áp dụng công nghệ chống thấm nano, tức là phủ lên toàn bộ bề mặt sản phẩm một lớp polymer có độ dày tính bằng nonomet, lớp màng này có thể được dính vào bề mặt sản phẩm ở dạng phân tử. Khi chất lỏng tiếp xúc với lớp phủ, sẽ bị ngưng tụ thành những giọt nước và bề ngoài của vật liệu vẫn không thay đổi, giúp chống thấm nước hay mồ hôi.
Sở dĩ các smartphone như Apple và Samsung Galaxy có thể sử dụng trong môi trường nước (chẳng hạn như chụp ảnh dưới nước) với thời gian ngắn, trong khi giắc cắm tai nghe, cổng sạc vẫn để hở là do công nghệ chống thấm nước nano.
Vì vậy, khả năng chống thấm nước cho smartphone sẽ dựa trên hiệu suất IP, là tiêu chuẩn được đưa ra bởi IEC. IP ở đây là chữ viết tắt của Ingress Protection, có nghĩa là mức độ bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các vật thể lạ bên ngoài điện thoại. Hệ thống phân loại IP được biểu thị bằng IPXX (0~6 và 0~8), chữ X đầu tiên đại diện cho mức chống bụi và chữ X thứ hai đại diện cho mức chống thấm nước.
Nói một cách đơn giản như các thợ sửa điện thoại và dân buôn máy cũ đã qua sử dụng tại Việt Nam, “còn áp” hoặc “mất áp” là để dành cho các smartphone còn hay đã mất khả năng chống nước. Đây là điều cần lưu ý nếu người dùng có nhu cầu mua những chiếc điện thoại cũ.
Kể từ khi iPhone 12, Samsung Galaxy 21 và một số mẫu điện thoại khác ra đời với khả năng chống nước đạt IP68. Một số người dùng bị ảnh hưởng bởi các dòng quảng cáo và tin rằng khả năng chống nước đã trở thành tuyệt đối, chính vì vậy họ có thói quen bỏ qua loạt hạn chế do nhà sản xuất quy định, dẫn tới điện thoại có thể bị hỏng sau khi ngâm dưới nước một thời gian dài.
Phương án giải cứu điện thoại bị ngập nước
Trong trường hợp chiếc “dế yêu” không may bị tiếp xúc với nước, một số mẫu iPhone và Samsung sẽ hiển thị màu đỏ ở nhãn chống thấm trên bo mạch chủ và khe cắm sim. Ngoài ra, một số mẫu smartphone khác sẽ trực tiếp bật cửa sổ cảnh báo khi chất lỏng xâm nhập vào cổng sạc để nhắc nhở người dùng, cảnh báo này sẽ biến mất khi chất lỏng đã được làm khô.
Một số người có thói quen nhét điện thoại vào gạo sau khi bị dính nước. Nhưng đây là cách làm không hiệu quả, thậm chí còn gây hư hại bởi các hạt gạo và bụi có thể xâm nhập vào điện thoại qua cổng sạc, loa hay nơi cắm tai nghe. Cách tốt nhất là nên tắt ngay điện thoại khi bị nước bắt vào hoặc sau khi tiếp xúc với chất lỏng, tiếp đó hãy lau khô bằng khăn sạch hoặc khăn giấy.
Nếu có chất lỏng còn sót lại trong khe cắm sạc, hãy lắc nhẹ điện thoại để chất lỏng ra ngoài. Tiếp tục sấy khô khe cắm thẻ sim bằng chế độ sấy lạnh của máy sấy, nếu sử dụng chế độ sấy nóng có thể làm hỏng băng chống thấm và màn hình LCD. Đặt điện thoại trong túi kín có chứa gói hút ẩm cũng là một cách hiệu quả để loại bỏ dần hơi nước còn sót lại.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng với một số mẫu điện thoại như iPhone, chỉ nên sạc sau 5 giờ kể từ khi đạt đến trạng thái khô hoàn toàn. Nếu điện thoại di động vẫn không hoạt động bình thường sau khi hoàn thành các bước trên, vui lòng đến điểm sửa chữa chuyên nghiệp và không cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách tự tháo rời điện thoại di động.
Phong Vũ (theo vietnamnet)
Bình luận (0)