Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ban hành Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023. Trong nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ có nêu yêu cầu ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới.
Chỉ thị nêu 12 nhiệm vụ và giải pháp mà người đứng đầu ngành GD-ĐT yêu cầu toàn ngành tập trung thực hiện trong năm học tới.
Bộ GD-ĐT yêu cầu phải bố trí đủ giáo viên dạy môn học mới. ĐẬU TIẾN ĐẠT
12 nhiệm vụ gồm: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD-ĐT; chủ động phòng, chống và ứng phó với hậu quả của thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục;
Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và GDTX; xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông về giáo dục.
Phải bố trí đủ giáo viên tiếng Anh, tin học
Trong nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ, chỉ thị yêu cầu: xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.
Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 – 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định. Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30.6.2020 của Chính phủ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học.
Dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và môn tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.
Trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Chú trọng thanh tra chọn sách giáo khoa, dạy thêm học thêm
Chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra công tác triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục.
Chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra: trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành; công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, điều kiện bảo đảm chất lượng; tổ chức hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài;
Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, cơ sở giáo dục; kiểm tra công tác quản lý chất lượng, quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Trước đó, như Thanh Niên đã có loạt bài phản ánh về tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn học mới. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 3 năm học 2022 – 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên, việc thiếu cục bộ xảy ra ở nhiều tỉnh (Yên Bái hiện thiếu 148 giáo viên, Tây Ninh thiếu 105, Lai Châu thiếu 164, Bình Phước thiếu 204, Hà Giang thiếu gần 300…). Với môn tin học, theo Bộ GD-ĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung 3.684 giáo viên. |
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)