Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nguy hại khi mua giáo án trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Khi mua giáo án trên mạng, giáo viên không bỏ ra lượng thời gian cần thiết để thấu hiểu văn bản, đánh mất đi sự sáng tạo, phản biện, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Soạn giáo án, đặc biệt soạn giáo án ngữ văn lớp 10 của chương trình giáo dục mới, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022-2023 là một trong những nỗi lo lắng, nhọc nhằn của nhiều giáo viên, nhất là giáo viên trẻ mới ra trường.

Soạn giáo án chiếm rất nhiều thời gian, công sức của giáo viên. Mọi việc cần thiết của đời thường như vui chơi, giải trí, tiệc tùng, nghỉ ngơi, thể thao, mua sắm… đều bị ngưng trệ, gác lại khi soạn giáo án.

Nguy hại khi mua giáo án trên mạng - ảnh 1

Trên mạng hiện nay mua bán đầy đủ các loại giáo án cho giáo viên dạy chương trình mới. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Vất vả khi soạn giáo án chương trình mới

Năm nay, khi soạn giáo án theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nhiều văn bản ở cả 3 bộ sách giáo khoa ngữ văn 10 (Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức) hoàn toàn mới so với chương trình ngữ văn lớp 10 cũ. Chỉ có khoảng 6 tác phẩm trùng lặp với chương trình cũ nên giáo viên mất rất nhiều thời gian tìm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc hiểu đúng và đánh giá đúng văn bản.

Chưa kể, khi nộp giáo án tự soạn cho cấp trên kiểm tra thì giáo viên lại bị nhắc nhở, bị trừ điểm thi đua vì đủ thứ lỗi do chưa đủ các bước theo quy định của giáo án mới, thiếu yêu cầu giáo dục phẩm chất, năng lực cho học sinh, nội dung sơ sài…

Ngoài ra, chương trình ngữ văn lớp 10 mới có những đòi hỏi mới yêu cầu cao phần phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh thay vì truyền thụ kiến thức.

Không thấu hiểu văn bản, đánh mất đi sự sáng tạo, phản biện

Do đó, để không mất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, biên soạn, để tránh các rắc rối, phiền toái, một số giáo viên đã hướng đến việc mua giáo án trên mạng. Có cầu thì tất có cung. Trên mạng đã có rất nhiều người bán giáo án với giá từ vài trăm đến trên 1 triệu đồng.

Nguy hại khi mua giáo án trên mạng - ảnh 2

Mua giáo án trên mạng thì mất nhiều hơn được. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Lợi ích thấy rõ trước mắt là giáo án có thể sẽ được cấp trên nhận xét tốt, đầy đủ các bước, kiến thức rõ, có cập nhật kiến thức mới, hình thức, trình bày sạch đẹp, theo đúng khuôn mẫu…

Tuy nhiên mua giáo án trên mạng thì mất nhiều lắm. Giáo viên không bỏ ra lượng thời gian cần thiết để thấu hiểu văn bản, đánh mất đi sự sáng tạo, phản biện. Thầy cô không cố gắng tạo cho mình phẩm chất kiên trì biên soạn, năng lực đọc hiểu, đánh giá văn bản thì làm sao có đủ khả năng bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học sinh. Kiến thức không phải của mình nên khi lên lớp, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi truyền dạy kiến thức hoặc bối rối trước các câu hỏi của học sinh, thậm chí có các sai sót nghiêm trọng về mặt kiến thức. Kiến thức không do mình soạn nên khi có sự phản biện của đồng nghiệp, có sự tranh luận xung quanh một vấn đề thì giáo viên không có đủ lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người nghe, người phản biện.

Các giáo viên mua giáo án trên mạng mà thiếu sự chuẩn bị cần thiết trước khi lên lớp thường dùng các hình thức sau đây khi lên lớp: Thứ nhất, dạy lướt qua các bài khó rồi chống chế là “để dành thời gian cho những bài sẽ kiểm tra, thi”. Thứ hai là lấy giáo án đã mua để đọc cho học sinh chép và xem các giáo án đó là chân lý duy nhất đúng (!).Thứ ba, cho học sinh thường xuyên thuyết trình thay cho việc giảng dạy của mình rồi khi có mâu thuẫn giữa các học sinh trong tranh luận thì giáo viên làm lơ (hoặc giải đáp qua loa) cho qua chuyện vì chính thầy cô ấy cũng không tự tin, không biết nội dung nào là đúng, là chân lý, là tiếp cận với chân lý.

Từ thực trạng kể trên, mong rằng giáo viên cần toàn tâm toàn ý đầu tư cho chuyên môn, cần xem giáo án như vũ khí trước khi ra trận, phải thực sự có trách nhiệm trước những con mắt hồn nhiên, tin tưởng của học sinh.

Theo Nguyễn Tấn Thư/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)