Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng (CSTD) đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ; nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo bền vững, nhiều học sinh – sinh viên (HSSV) nghèo đã không phải bỏ học giữa chừng; các khu dân cư từ thành thị về nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược cũng vì vậy đã “thay da đổi thịt” – khang trang hơn, sạch đẹp hơn, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân tốt hơn…
Nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng đối với người nghèo
Người nghèo thoát cảnh vay “nóng”
Thực tế từ các tỉnh, thành cho thấy, CSTD là chương trình có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao. Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Ông Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tải nguồn vốn 13.740 tỷ đồng của 16 chương trình tín dụng chính sách cho trên 745 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Chính sách đã đáp ứng khá toàn diện các nhu cầu của hộ nghèo, các đối tượng chính sách và yếu thế trên địa bàn tỉnh; đóng góp quan trọng vào việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, chương trình tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Tại TP.HCM, bà Lê Thị Thu Sương – Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH quận Tân Bình – cũng cho biết, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã đến với tất cả các khu phố, tổ dân phố trên toàn quận. Đời sống các hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Toàn quận đã có 13.907 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 946,237 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 660,409 tỷ đồng. Qua đó góp phần giúp 240 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm, duy trì việc làm cho hơn 13.592 lao động; giúp cho 3.669 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa và mua mới 16 căn nhà ở xã hội; hỗ trợ 31 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 9.802 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ 11 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Nhìn chung vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực đô thị, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Vốn tín dụng chính sách đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn quận”, bà Sương đánh giá.
Gia đình ông Lê Tuấn Anh (ngụ ấp Liên Đức, xã Bà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thuộc hộ nghèo. Sau khi được vay vốn tín dụng, gia đình đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, 3 người con của ông đều học đại học. Ông Tuấn Anh cho biết: “Năm 2014, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, gia đình tôi mua 2 con bò, mỗi con sau 9-11 tháng bán được 12-15 triệu đồng. Các năm sau gia đình tiếp tục được vay vốn hỗ trợ 3 con vào đại học, vay mở rộng phát triển kinh tế. Đến năm 2020, gia đình tôi đã thoát nghèo và hoàn vốn đầy đủ, đúng hạn cho ngân hàng. Càng hạnh phúc hơn khi các con tôi được học hành đến nơi đến chốn”.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Thống kê từ NHCSXH, tính đến cuối tháng 11-2022, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng gần 291 nghìn tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,4%. 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu HSSV được vay vốn đi học; giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho HSSV; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội… Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2001-2005, số hộ nghèo giảm từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đạt được qua 20 năm triển khai CSTD đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng, hoạt động tín dụng CSXH vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Quy mô nguồn vốn còn hạn chế, cơ cấu nguồn vốn chưa hợp lý, nguồn vốn còn phụ thuộc vào nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ và số dư tiền gửi 2% của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Bên cạnh đó, mức cho vay của NHCSXH còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, học tập của người dân. Thời hạn vay vốn chưa phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất kinh doanh của người vay vốn. Một số nhóm đối tượng có mức sống trung bình chưa được thụ hưởng CSTD ưu đãi của Nhà nước; công tác điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn ở một số địa phương chưa được quan tâm rà soát và bổ sung kịp thời. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều giữa các địa phương;…
Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)