Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bạn có dám ước mơ?

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là chủ đề dự án dạy học nhằm mục đích tìm lại ước mơ cho một bộ phận học sinh vì cuộc sống, học tập căng thẳng hoặc do nhiều yếu tố khác đã từ bỏ mơ ước…

Thầy Âu Thái Ngọc và học sinh thực hiện dự án

Dự án phát triển thông qua hệ thống truyền thông và internet với những bài văn phát biểu cảm nghĩ, thuyết phục, kết hợp các môn tiếng Anh, tin học, mỹ thuật và CNTT.

Thực hiện dự án

Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện chủ đề theo sơ đồ trên giấy hoặc bảng điện tử, sổ ghi chép… để các em khởi động, hình thành ý tưởng mới. Học sinh nêu ra càng nhiều ý tưởng càng tốt về chủ đề và khuyến khích những ý tưởng mở rộng, những kỹ thuật mới trong thảo luận trên lớp, sau đó viết ra những gì các em muốn biết, cuối cùng là nhận ra và ghi lại những gì đã học và chưa học. Bên cạnh đó, học sinh tạo các liên hệ bản thân trước khi tìm hiểu sâu về nội dung để giáo viên hiểu và đánh giá được tường tận nền tảng kiến thức cũng như hiểu biết của mình, từ đó hiến kế dự án hợp lý. Giáo viên khuyến khích học sinh tự định hướng, phương pháp phản hồi qua bạn học và tự đánh giá bản thân, công cụ bảng biểu sự đánh giá hợp tác, phiếu tự đánh giá bạn học. Song song đó, giáo viên theo dõi thái độ làm việc của nhóm và cá nhân thông qua phiếu đánh giá của học sinh và điều chỉnh kịp thời.

Khi hoàn tất dự án, sử dụng phương pháp “các sản phẩm” để đánh giá vì phương pháp này gần gũi với cách đánh giá truyền thống trong dạy học tại Việt Nam nên có nhiều thuận lợi hơn. Sử dụng công cụ “thang rubrics” để đánh giá vì công cụ này không chỉ để đánh giá một cách tổng thể một sản phẩm cụ thể mà còn mô tả chi tiết các mức độ thực hiện cho từng công đoạn của nhiệm vụ. Qua đó, giáo viên có thể đánh giá hoạt động của học sinh trên từng tiêu chí đã đặt ra. Mục đích của phương pháp này nhằm giúp học sinh thấy sản phẩm học tập của các em được đánh giá như thế nào và phải đạt những yêu cầu gì? Như thế mới có thể giúp các em giữ đúng hướng đi tới mục tiêu cần đạt. Từ đó, đánh giá được khách quan và phù hợp hơn, đo lường được sự tiến bộ và khả năng phát huy điểm mạnh cũng như tự cải thiện của học sinh, để nâng cao hiệu quả dạy học…

Các bước tiến hành dự án

Bước 1: Chuẩn bị  ý tưởng cho dự án (1 ngày).

Bước 2: Chuẩn bị kế hoạch, tìm kiếm nhóm và phân chia nhóm, sự đồng thuận từ phụ huynh và nhà trường, dự trù các tình huống khác (1 tuần).

Bước 3: Lập bảng chi tiết công việc nhóm cụ thể, các nhóm sẽ làm trong vòng 5 tuần còn lại.

Điều chỉnh phù hợp với đối tượng

Dự án “Bạn có dám ước mơ” do thầy Âu Thái Ngọc và học sinh Trường THCS Sương Nguyệt Anh (Q.8, TP.HCM) thực hiện đạt giải Học sinh thuyết trình ấn tượng nhất tại cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2017, hạng mục dự án do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức. Theo thầy Ngọc, khó khăn gặp phải khi thực hiện dự án là học sinh tiếp thu công nghệ khá chậm, phải sử dụng máy của trường và tiệm internet nên việc trao đổi không thuận lợi. Hơn nữa, một bộ phận phụ huynh không muốn con tham gia dự án và dự án còn quá mới, các tiết học hầu hết là vào giờ nghỉ nên không đảm bảo sức khỏe học sinh.

Thứ nhất, với học sinh tiếp thu chậm, giáo viên chia nhóm đồng đều về học lực (mỗi nhóm đều có học sinh giỏi và yếu). Giáo viên góp ý với cả nhóm hoặc nhóm trưởng chia những phần việc vừa sức cho những học sinh tiếp thu chậm tùy theo khả năng của em đó. Thứ hai, với học sinh không biết tiếng Anh, giáo viên giới thiệu một số trang web tiếng Việt, tiếng Anh, từ điển chuyên ngành để học sinh tham khảo và tìm kiếm tài liệu… Thứ ba, với học sinh năng khiếu, giáo viên đặt ra một số câu hỏi mở cho học sinh năng khiếu kích thích lòng say mê học hỏi, bổ trợ kiến thức, khuyến khích tìm hiểu bằng cách cho điểm cộng vào điểm đánh giá cá nhân. Giáo viên cung cấp tài liệu chuyên sâu để học sinh có thể khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ.

Bài, ảnh: T.Anh

 

 

Bình luận (0)