Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

An toàn trường học: Tăng cường vai trò, trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên viên y tế trường học, đối với các sân chơi ngoài trời cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ 

Học sinh (HS) đông, trường nhỏ, xuống cấp, thiếu sân chơi, trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục đôi khi chưa phù hợp… là những lý do khiến HS dễ gặp tai nạn, đặc biệt là đối tượng mầm non, tiểu học.
1.001 nỗi lo
Theo quy định của ngành, sĩ số mỗi lớp chỉ ở mức trên dưới 35 HS, diện tích trường rộng tối thiểu từ 4.000-5.000m2 để đảm bảo phòng học, phòng chức năng lẫn sân chơi. Tuy nhiên, nhiều trường trên các địa bàn đất chật, người đông hiện nay như quận 5, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp… thì hầu hết các trường phải gánh trung bình 45 HS/lớp, diện tích trường có nơi dưới 1.000m2, 1 trường có đến vài điểm trường. Rồi thì trường xuống cấp, không có sân trường, không có chỗ để xe giáo viên (GV), phòng học cũng bé tẹo… Vấn đề này chẳng phải là mới.
Cô Phạm Thị Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT Tân Bình tâm sự: “Những hạn chế trên chính là những nỗi lo đến công tác an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường của những người làm trong ngành như chúng tôi. Một ngôi trường chật hẹp, thiếu sân chơi, HS hiếu động, chạy nhảy, nô đùa… thì rất khó tránh va chạm, té ngã. Đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, việc ý thức về mức độ an toàn còn kém, khả năng phản xạ yếu, không xử lý được các tình huống xảy ra. Nhiều phụ huynh cứ hỏi, cô ơi bao giờ trường được xây mới? Thú thực chứ  chúng tôi vừa làm trong ngành, rồi làm vai trò phụ huynh, ai mà chẳng muốn con em mình được học trong điều kiện tốt, an toàn. Nào ai muốn con em mình gặp những điều không hay”.
Theo cô Phước, nguyên nhân tồn đọng hạn chế trên do quỹ đất hẹp, kinh phí sửa chữa, xây trường rất lớn, đầu vào HS mỗi năm đều tăng. Mặc dù quận Tân Bình được sự quan tâm rất lớn của UBND quận, UBND thành phố bằng việc sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng nhiều trường trong mỗi năm. Kinh phí tính ra chiếm đến hơn 40% ngân sách của quận/năm. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn chưa thể tháo gỡ hết trong ngày một ngày hai để đáp ứng yêu cầu dạy – học. Hiện tại, quận vẫn còn ngôi trường đã xuống cấp, trường có diện tích 500m2, 800m2…
Ngoài lý do trên, những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ còn phải kể đến rất nhiều như: Trang thiết bị phục vụ dạy học và sinh hoạt của HS, sân chơi ngoài trời, bếp núc, ăn uống, giao thông trước cổng trường, thể thao…
Ông Nguyễn Hữu Nghị, Chuyên viên y tế trường học quận Tân Bình chia sẻ, không thể không lo ngại các tai nạn đến từ điện, cháy nổ, hóa chất từ phòng thí nghiệm, hồ bơi, thể thao, giao thông; từ bếp ăn bán trú do yếu tố về nhiệt, gas, ngộ độc thực phẩm… Ông Nghị ví dụ: “Những bếp ăn bán trú thực hiện nấu tại chỗ thì nhà trường có thể kiểm tra được nguồn thực phẩm trước khi đưa vào chế biến để đảm bảo an toàn. Nhưng những suất ăn sẵn thì chỉ có cơ quan y tế mới có thể kiểm tra. Tuy nhiên ở một lúc nào đó, việc kiểm tra không kỹ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Hầu hết các tai nạn xảy ra ở môi trường tập thể hết sức nghiêm trọng, mức độ lây lan lớn, dư luận xã hội cao…”. Ông Nghị nói thêm, trang thiết bị phục vụ dạy học không phù hợp với trường học, đối tượng HS cũng là nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Theo thống kê của quận Tân Bình, trong năm vừa qua, toàn quận có 356 ca bị tai nạn, vướng thương tích. Trong đó có 101 ca trong trường học do HS chạy nhảy va vào nhau, té ngã, hoạt động thể thao…
Tăng cường vai trò trách nhiệm hơn nữa
Năm 2007, Bộ GD-ĐT ra quy định số 4458 về việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Theo đó hàng năm các trường luôn triển khai, thực hiện công tác an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường như kiểm tra định kỳ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy – học, sinh hoạt trong nhà trường; xây dựng phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và phương án xử lý tai nạn, thương tích khi có sự cố xảy ra; báo cáo xin chủ trương, ý kiến của Ban lãnh đạo phòng trước khi tiến hành công việc… Tuy nhiên, trước những khó khăn, những mối nguy cơ tiềm ẩn trên thì đòi hỏi lãnh đạo các trường, GV cần có sự giám sát chặt chẽ, tăng cường vai trò trách nhiệm hơn nữa.
Ông Nghị cho rằng, các tai nạn luôn đến bất ngờ, ngoài ý muốn, là yếu tố may rủi, chẳng ai muốn cả. Tai nạn đến, chúng ta không nên đổ hết trách nhiệm cho GV, lãnh đạo trường. Tuy nhiên chẳng may tai nạn xảy ra thì cũng không thể loại trừ trách nhiệm của GV, lãnh đạo trường. Ngoại trừ những khó khăn về trường lớp, cơ sở vật chất thì có những vấn đề GV, lãnh đạo trường cũng cần phải lưu ý. Đơn cử, khi tiếp nhận các trang thiết bị vào nhà trường, nhà trường phải kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, an toàn cũng như giá thành hợp lý. Xem trang thiết bị có phù hợp với môi trường giáo dục, đối tượng HS không… Nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận nếu cảm thấy không phù hợp để loại trừ các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Nhắc đến vai trò trách nhiệm, cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 5 cũng góp ý: “Bên cạnh công tác chuyên môn, người lớn cần đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý, giám sát cơ sở vật chất, đặc biệt là các em HS. GV là người gắn bó trực tiếp với HS trên lớp thì GV phải là người cuối cùng ra khỏi lớp để kiểm tra tắt điện, quạt, đảm bảo tài sản, an toàn; kiểm tra không cho HS ở lại lớp một mình, từ lớp này sang lớp kia. Trong các giờ ăn, ngủ nghỉ, vui chơi, nhà trường phải có sự phân bổ hợp lý người giám sát, quản lý”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Bình luận (0)