Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Y tế học đường: Khó từ con người đến cơ sở vật chất

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Phùng Văn Sang, Hiệu trưởng Trường TH Tịnh Thiện thẳng thắn chỉ vào phòng YTHĐ với ngổn ngang bàn ghế, chật chội, được ngăn tạm thời từ phòng học để đủ điều kiện đạt trường chuẩn quốc gia
Y tế học đường (YTHĐ) là bộ phận không thể thiếu tại các trường học. Điều này đã nêu rõ tại chỉ thị số 23 ngày 12-7-2006 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, cho đến nay, sau hơn 8 năm, công tác YTHĐ tại Quảng Ngãi hầu như vẫn giậm chân tại chỗ. Khó khăn từ con người đến cơ sở vật chất.
Thiếu biên chế trầm trọng
Trường TH Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi) có 25 cán bộ giáo viên và hơn 400 HS, nhưng nhà trường không có người chuyên trách mảng YTHĐ. Người kiêm nhiệm công việc này là chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một kế toán của trường. Không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế, nên việc chăm sóc, sơ cấp cứu ban đầu cho các em HS đối với chị Thủy là một khó khăn. “Mình không có kiến thức cũng như chuyên môn về y tế nên không biết được. Các em sốt thì cho uống thuốc hạ sốt như con mình ở nhà. Sốt nặng thì không dám cho uống thuốc, thấy sợ. Các em bị ngã trầy xước thì lấy thuốc xoa qua loa, nếu như gãy tay, gãy chân thì chịu. Làm kiêm nhiệm YTHĐ thấy khó khăn cho bản thân quá”, chị Thủy lo lắng. Biết là khó, nhưng chị Thủy cũng phải làm vì nhà trường không lấy đâu ra người để làm việc này. Theo quy định thì TP.Quảng Ngãi cần phải có 77 nhân viên YTHĐ, thế nhưng bao năm qua, “đấu tranh” mãi nên đến thời điểm này cũng chỉ được… 18 biên chế!
Công việc kiêm nhiệm như chị Thủy của Trường TH Tịnh Thiện toàn tỉnh có đến 173 người. Sự kiêm nhiệm này chỉ là lấp chỗ trống, và giải quyết tạm thời nhu cầu chăm sóc cho HS. Trên thực tế, họ không thể đảm bảo được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giải quyết những tình huống nguy hiểm đến tính mạng HS. Không có trường học nào ở Quảng Ngãi có nhân viên y tế là bác sĩ, chỉ có y sĩ, số còn lại là y tá, dược tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh… Nhiều trường phải bố trí cán bộ công tác tại lĩnh vực kế toán, văn thư, thủ quỹ… kiêm nhiệm thêm công tác YTHĐ. Trong khi đó, quy định là  nhân viên làm công tác y tế trường học phải có trình độ từ trung cấp y trở lên thuộc biên chế chính thức của nhà trường.
Theo Sở GD-ĐT, Quảng Ngãi có 14 huyện, thành phố nhưng có đến 6 huyện đồng bằng và miền núi không có được một biên chế chính thức để chuyên trách mảng YTHĐ trong trường học. Đó là các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tây Trà, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng. Nếu  trường nào có, đó chỉ là kiêm nhiệm, thiếu kiến thức chuyên môn về y tế, không đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em HS. Theo thống kê, năm học 2014-2015, tổng cộng 14 phòng giáo dục cùng với các trường THPT và các TTGDTX, THCS nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 96 biên chế phụ trách mảng YTHĐ. Trong khi đó nhu cầu thực tế toàn tỉnh phải cần 649 biên chế. Như vậy, về con người Quảng Ngãi đang thiếu 553 biên chế YTHĐ, trong đó bậc TH thiếu nhiều nhất, 218 biên chế, chiếm 92%.
Cơ sở vật chất tạm bợ và thiếu thốn
Thầy Phùng Văn Sang, Hiệu trưởng Trường TH Tịnh Thiện không giấu giếm: Việc gắn biển YTHĐ chỉ là cách đối phó để lên trường đạt chuẩn quốc gia. Thực chất bên trong cánh cửa là một phòng nhỏ ngăn ra từ phòng học của HS, được chất đầy bàn ghế HS, không có giường nằm, không có bàn, không có tủ thuốc. Đúng hơn, đây chỉ là một phòng kho chứa bàn ghế hư hỏng. “Cái phòng YTHĐ này không đúng với chức năng YTHĐ. Mình ngăn đôi phòng học để làm 2 phòng, một bên để thiết bị học tập, một bên làm YTHĐ. Làm như vậy để trường đủ điều kiện đạt trường chuẩn quốc gia”, ông Sang thẳng thắn. 
Theo số liệu điều tra mới nhất của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, trong 700 cơ sở giáo dục từ mầm non đến ĐH, CĐ, dạy nghề cả hệ công lập và dân lập trong toàn tỉnh thì có đến 2/3 trường học không có phòng y tế. Trong số 248 trường học có phòng y tế thì cũng không được đảm bảo sử dụng đúng chức năng. Hình ảnh phòng y tế nằm khiêm tốn dưới chân cầu thang hay ở chung với phòng thiết bị, thư viện, tận dụng nhà kho, phòng học xuống cấp rất dễ nhận thấy. Nhiều trường treo bảng phòng y tế rất to nhưng bên trong dùng để chứa thiết bị, hoàn toàn không có thiết bị nào phục vụ chăm sóc sức khỏe HS và giáo viên. Ông Trần Minh Điệp – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng – tiết lộ: “Hầu hết là chưa có gì, nếu trường thuận lợi thì có một phòng riêng như các trường ở vùng thấp như Trà Xuân, Trà Phú, Trà Bình còn các trường vùng cao hầu như chưa có điều kiện cơ sở vật chất nào cả, rất mong Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cũng như nhân viên y tế để hoạt động trong các đơn vị trường học”.
Để giải quyết bài toán về YTHĐ hiện nay, chỉ riêng ngành giáo dục Quảng Ngãi thì không bao giờ giải quyết được. Đó là sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan. Nhưng có một nghịch lý, nếu như một trường nào đó để xảy ra vấn đề về sức khỏe cho HS, trước tiên ngành giáo dục phải đứng ra chịu trách nhiệm. Ông Trần Hữu Tháp – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho rằng: “Vấn đề này, chỉ riêng ngành giáo dục không thể giải quyết được, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành các địa phương. Về mặt con người cần có Sở Nội vụ, chuyên môn thì Sở Y tế, kinh phí thì Bảo hiểm Xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, nếu không có biên chế thì phải nghiên cứu hợp đồng. Về nghiệp vụ, phải phối hợp với y tế để tập huấn cho cán bộ làm công tác y tế trường học, tập huấn về chuyên môn. Về cơ sở vật chất, các điều kiện liên quan khác thì phải huy động nguồn từ các địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng với ngành giáo dục để hoàn thiện”.
Chưa thể biết đến bao giờ, vấn đề nan giải YTHĐ của ngành giáo dục Quảng Ngãi được giải quyết. Càng chậm trễ thì càng không thể nói đến việc chăm lo toàn diện cho HS được.
Bài, ảnh: Phước Trung
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị số 23 về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học. Đến nay, đã gần 8 năm trôi qua, việc đảm bảo sức khỏe cho các em HS trong trường học vẫn chưa thể hoàn thiện. Quảng Ngãi lại phải đối mặt với tình trạng 3 không “không có nhân lực, không có cơ sở vật chất và không đủ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên cho công tác YTHĐ. Khó khăn vẫn đang ở phía trước. 
 

Bình luận (0)