Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chất lượng nguồn nhân lực: Chờ đợi từ đổi mới giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) trong giờ học thực hành. Ảnh: D.Bình
Sáng 26-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ GD-ĐT, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tổ chức Hội thảo khoa học đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các trường đã tới dự và chia sẻ những băn khoăn và lo lắng của mình về nguồn nhân lực của Việt Nam trong thời gian tới.
Kỹ sư làm công nhân
Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD-ĐT và ông Trần Đình Châu, Văn phòng Hội đồng Quốc gia giáo dục, so với các nước khác trong khu vực, tỷ lệ người lao động Việt Nam có học vấn trình độ ĐH trở lên còn thấp. Chất lượng các sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có kiến thức chuyên môn không thua kém lắm một số nước trong khu vực nhưng lại thua về kỹ năng nghề nghiệp nên nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Sơn, Phó bí thư Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết từ nay đến 2020, VNPT sẽ giảm khoảng 10.000 lao động, tuy nhiên hàng năm vẫn tuyển thêm nhưng chỉ khoảng 0,5% trên tổng số lao động. Ông Sơn cho biết VNPT hiện không hấp dẫn hơn Viettel hay các tập đoàn kinh tế khác của Việt Nam. Đặc biệt, đối với lực lượng lao động, khi yêu cầu làm công việc mới như hàn cáp quang, cài đặt mạng mới bắt đầu bộc lộ những điểm yếu.
Trong khi đó, đại diện đến từ Tập đoàn Than và Khoáng sản cho biết tập đoàn hiện đang thiếu nhân lực trình độ cử nhân trở lên ở những mảng mới như kinh doanh điện. Nhưng ngược lại thừa nhiều nhân lực kỹ sư. Tập đoàn có khoảng 8% nhân lực (tương đương 10.000 người) có trình độ kỹ sư nhưng làm công nhân. Công nhân kỹ thuật đông nhưng phân bố không đồng đều. Một số lĩnh vực rất thiếu ví dụ như thợ lò. Tập đoàn thường xuyên phải bổ sung nhân lực cho lĩnh vực này. Đại diện tập đoàn cũng khẳng định tập đoàn thừa nhân lực cao nhưng ngại nhất là kỹ sư học tại chức.
Nhiều hy vọng sau đổi mới giáo dục

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM) trong giờ học thực hành với phương tiện máy móc hiện đại. Ảnh: D.Bình
Để nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chính sách cũng như các trường ĐH, CĐ phải có sự thay đổi đồng bộ. Theo ông Phạm Văn Sơn ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có. Cần nhanh chóng nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của lao động Việt Nam. Đồng thời, ban hành chế độ chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề; coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với phát triển xã hội học tập. Bên cạnh đó, thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế – xã hội trong nước và trên thế giới cần cải thiện, tăng cường… Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đề nghị cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong phân luồng đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề; xem xét cân nhắc mở rộng các trường ĐH và cố gắng hoạch định các mảng đào tạo ĐH hàn lâm và ứng dụng; có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó, mong muốn có những khóa học đào tạo nghề chuyên sâu. Với những kỹ năng nghề đơn giản, không cần đòi hỏi cao, đề nghị có khung đào tạo phù hợp, tránh có những môn học “thừa”. Ví dụ, đào tạo công nhân trình độ thấp lại bắt học ngoại ngữ, tin học là không cần thiết, lãng phí thời gian, tiền của. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các luồng đào tạo nghề; quản lý chặt chẽ công tác tuyển sinh, đặc biệt là chất lượng đầu vào.
PGS.TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, giáo dục Việt Nam phải tái cơ cấu đầu tư công trong giáo dục ĐH. Đầu tư hiện nay rất lãng phí và kém hiệu quả. Suốt 8 năm không có một định hướng phát triển ĐH mà chỉ phát triển các trường ĐH một cách vô hạn. Mở một loạt các trường ĐH để đáp ứng nhu cầu đại chúng hóa. Trong khi một cái bánh ngân sách chỉ có hạn. “Tái cơ cấu đầu tư công để tránh lãng phí. Đó là phải xác định các ưu tiên để Nhà nước đầu tư. Phân cấp kinh phí cho các trường ĐH chuyển từ cấp đầu vào sang hỗ trợ kết quả đầu ra. Đồng thời phải tạo ra môi trường thông tin minh bạch. Tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình. Về phân cấp Nhà nước, chuyển từ đào tạo theo cung sang theo cầu”, ông Tiến kiến nghị. Còn đại diện VNPT, ông Hoàng Đức Sơn thì hy vọng chờ đợi được hưởng lợi từ kết quả của cuộc đổi mới giáo dục mà ngành giáo dục đang tiến hành. Trong thời gian tới VNPT sẽ tuyển thêm 5.000 kỹ sư CNTT lập trình phần mềm. VNPT đã từng đi đầu trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, nhưng sau đó đã tụt hậu so với FPT và Viettel. Thời gian tới VNPT muốn lấy lại vị thế của mình.
Nghiêm Huê

Bình luận (0)