Học sinh học thêm tại một cơ sở ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: H.Tr |
Năm 2014 kết thúc với nhiều dấu ấn của ngành giáo dục. Nhìn lại một năm đã qua, giáo dục Việt Nam đã có những cái làm được và chưa làm được. Giáo dục TP.HCM lược trích một số sự kiện giáo dục nổi bật nhất trong năm của ngành.
Một kỳ thi quốc gia
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định thi tuyển sinh ĐH, CĐ giữ ổn định đến năm 2016. Thế nhưng, ngay sau đó, vào ngày 9-9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố năm 2015 chỉ còn một kỳ thi quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ. Với một kỳ thi, các thí sinh sẽ thi tại cụm địa phương hoặc cụm do các trường ĐH chủ trì. Hiện Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo quy chế thi trước khi ban hành chính thức trong thời gian tới.
Việt Nam thắng lớn tại đấu trường trí tuệ quốc tế
Năm 2014 tiếp tục là một năm thắng lớn của Việt Nam tại đấu trường trí tuệ quốc tế. Kết quả tham dự Olympic khu vực và quốc tế năm 2014 của Việt Nam không những kế thừa được tỷ lệ 100% thí sinh đoạt giải của hai năm gần đây mà còn có sự tiến bộ vượt bậc về số lượng và chất lượng huy chương, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Tính chung các đoàn, năm 2014 đã có 12 huy chương vàng; 21 huy chương bạc. Mới đây nhất, trong cuộc thi Khoa học trẻ quốc tế IJSO, đoàn học sinh của Việt Nam cũng giành 5 huy chương với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Bỏ chấm điểm tiểu học
Thông tư 30 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2014 về cách đánh giá học sinh. Thay vì cho điểm thường xuyên, nhà trường sẽ cho vào các đợt cuối mỗi kỳ học; các giáo viên tăng cường đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng nhận xét. Để hỗ trợ cho giải pháp này, có nhiều giải pháp đi kèm như cấm lập đội tuyển học sinh giỏi tiểu học, không thi tuyển sinh vào lớp 6…
Thông qua Đề án đổi mới CT-SGK
Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIII vừa qua đánh dấu một bước tiến mới của ngành giáo dục khi Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) chính thức được Quốc hội thông qua. Trước đó, tại kỳ họp thứ VII, đề án đã phải lùi lại do liên quan đến nhiều vấn đề chưa hoàn thiện. So với đề án cũ thì dự toán mức kinh phí đã giảm xuống rất nhiều, từ trên 34.000 tỷ xuống còn gần 800 tỷ đồng. Cũng theo đề án này thì bắt đầu từ năm học 2018-2019, CT-SGK mới chính thức được đưa vào giảng dạy tại các trường của Việt Nam.
Bài toán tự chủ và học phí ĐH
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành điều lệ các trường ĐH, qua đó mở rộng tự chủ của các trường về vấn đề tuyển sinh, tài chính nhân sự… Chính phủ cũng thông qua đề án tự chủ tài chính của 4 trường ĐH là ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Hà Nội. Do đó, mức học phí dự kiến của các trường này cao nhất lên tới 15 triệu đồng/năm và có sự phân hóa giữa các ngành. Cũng liên quan đến học phí ĐH, mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ trình Chính phủ điều chỉnh NĐ 49, qua đó, mức học phí đến năm 2018 có thể lên tới 12 triệu đồng/năm đối với các trường ĐH.
Tấn công dạy thêm, học thêm
Tháng 11-2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng học thêm, dạy thêm đối với giáo dục tiểu học. Theo đó, bộ nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày; không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6.
Hơn 600 học sinh Hà Tĩnh bỏ học
Gần hết học kỳ I của năm học 2014-2015, hàng trăm học sinh của xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn chưa đến lớp. Nguyên nhân của vụ việc là do Bộ GD-ĐT chưa có quy định bắt buộc khi giải thể, chia, tách sáp nhập trường phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Trước sự việc này, từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định, dù làm việc gì cũng phải đặt lợi ích con trẻ lên hàng đầu. Tới tới thời điểm cuối năm, sau nhiều tháng vận động, giải thích, tuyên truyền, hiện gần như 100% học sinh đã được đi học trở lại.
Thiên Lam
Bình luận (0)