LTS: Từ số báo này, Giáo dục TP.HCM mở chuyên mục “Mỗi tuần một vấn đề về giáo dục” ra ngày thứ hai hằng tuần, đăng tải ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục bàn về vấn đề đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Qua đó góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 của Hội nghị Ban Chấp hành TW Đảng lần thứ 8 khóa 11 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
TS. Huỳnh Công Minh |
Với chủ trương mở cửa hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, hiện nay hệ thống giáo dục quốc dân đã du nhập nhiều loại hình trường quốc tế và xây dựng những mô hình nhà trường hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng, phục vụ con em nhân dân, đào tạo những người công dân toàn cầu.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chuẩn trường quốc tế, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Huỳnh Công Minh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) về vấn đề này.
– TS. Huỳnh Công Minh cho biết: Nếu hiểu chuẩn trường quốc tế là những tiêu chí của một nhà trường được quy định thống nhất mà mọi quốc gia trên thế giới công nhận thì hiện nay chưa có. Về học thuật, trên thế giới thì có những văn bằng, chứng chỉ của những tổ chức có uy tín và thẩm quyền cấp, được nhiều nước công nhận về chất lượng thực tế, người ta gọi đó là chứng chỉ văn bằng có tính quốc tế như Cambridge, TOEFL… Bên cạnh đó, có một số trường tổ chức dạy chương trình nước ngoài, được nước ngoài thẩm định thường xuyên và cấp bằng, số trường này được gọi là trường quốc tế. Đặc biệt có những trường là thành viên của Hiệp hội các trường quốc tế uy tín có tính quốc tế cao, được nhiều nước trên thế giới công nhận.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc thực hiện chương trình giáo dục quốc tế?
“Sự mở cửa tương tác là vô cùng quan trọng trong giáo dục, nó sẽ khác hoàn toàn với sự khép kín, an phận hay thỏa mãn trong điều kiện tốt hơn hẳn mọi người hiện nay”, TS. Huỳnh Công Minh nói. |
– Chúng ta thường nói ngắn gọn với nhau rằng nếu trường nào dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài là trường quốc tế. Nhưng quan trọng hơn là việc tổ chức thực hiện chương trình ấy theo quy chuẩn mà các trường phát triển trên thế giới áp dụng như sĩ số trong lớp ít, trang thiết bị đầy đủ, đa dạng, giúp cho từng học sinh có điều kiện thực hành trải nghiệm ngay trong quá trình học tập và đặc biệt nhất là phương pháp dạy học, đánh giá học sinh của giáo viên với tổ chức quản lý hiện đại của nhà trường. Chương trình quốc tế, văn bằng quốc tế là đặc trưng của trường quốc tế nhưng quan trọng hơn cả là trình độ và phương pháp dạy học của thầy cô giáo. Vì trong thực tế, các trường ở nước ngoài họ chú trọng rất nhiều vào năng lực thực chất của học sinh, nhất là ngoại ngữ để tiếp nhận, chương trình học trước đó chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Như vậy, nhà trường Việt Nam có hội nhập được với các trường quốc tế không, thưa ông?
– Rất được! Đây là một định hướng quan trọng của nhà trường Việt Nam thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế để phát triển của Đảng và Nhà nước. Chúng ta có thể chọn một số trường tiên phong, giảm sĩ số trong lớp, tăng cường trang thiết bị và thực hiện phương pháp dạy học hiện đại mà các trường quốc tế tiên tiến đang áp dụng. Tăng cường dạy ngoại ngữ, dùng ngoại ngữ để dạy và học các môn học khác trong nhà trường, mở rộng cửa trường giao lưu với các trường quốc tế, liên kết đào tạo với các trường quốc tế, học sinh chúng ta sẽ nhanh chóng chủ động, tự tin trở thành những nhân tố tích cực công dân toàn cầu trên nền tảng, văn hóa vững chắc của dân tộc.
Theo chúng tôi biết, đây là ý tưởng tâm huyết của ông đối với ngành giáo dục TP.HCM. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
– Trường THPT Lê Quý Đôn là một ví dụ, một mô hình tiên phong phải vượt qua bao khó khăn để hình thành, tồn tại và phát triển. Lộ trình đổi mới của trường bắt đầu từ một đề án được Sở GD-ĐT và nhà trường trình UBND TP trước khi trình Bộ GD-ĐT và thông qua hội nghị chuyên đề của Hội đồng Nhân dân TP.
Thầy Lữ Thế Đăng (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) sử dụng máy tính bảng trong tiết dạy vật lý. Ảnh: N.Quang |
Trong ba năm đầu, sự gian khổ của đội ngũ sư phạm ở đây rất nặng nề, phải vừa học vừa làm, tất cả các bài dạy đều chuyển qua điện tử, sử dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn, tổ chức học sinh học tập như các trường quốc tế trong điều kiện chương trình và phương thức thi cử đánh giá của Bộ GD-ĐT chưa thay đổi, chế độ chính sách giáo viên vẫn chưa được cải thiện. Ban lãnh đạo nhà trường bấy giờ luôn nhìn ra thế giới, tìm cách tổ chức cho giáo viên giao lưu, tham quan học tập ở nước ngoài và tổ chức cho học sinh giao lưu với các trường quốc tế để tương tác, mở rộng tầm nhìn, rèn luyện phong cách khoa học, hiện đại thay thế cho lớp học từ chương khoa bảng vốn có, dù phải nỗ lực rất nhiều cho học sinh của mình luyện thi đảm bảo qua các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và vào ĐH.
Sau 5 năm tổng kết mô hình, nhà trường đã tiếp đón trên 30 đơn vị giáo dục của các tỉnh/thành đến tham quan học tập, mô hình Trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM là đề tài Hội thảo khoa học “Xây dựng nhà trường tiên tiến hội nhập quốc tế” tại Hội trường Thống Nhất với trên 500 nhà khoa học tâm lý và giáo dục cả nước về tham dự do Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam phối hợp với UBND TP tổ chức.
Nếu hỏi tôi ý kiến thế nào, tôi trả lời là rất muốn các trường được chọn hãy làm như Trường THPT Lê Quý Đôn lúc bấy giờ. Và Trường THPT Lê Quý Đôn chỉ xem những thành quả tuyệt vời nói trên chỉ là bước đầu cho một sự phát triển. Sự mở cửa tương tác là vô cùng quan trọng trong giáo dục, nó sẽ khác hoàn toàn với sự khép kín, an phận hay thỏa mãn trong điều kiện tốt hơn hẳn mọi người hiện nay.
Một số giáo viên được lãnh đạo nhà trường cử đi tham quan học tập và giao lưu với các nước đã nhận xét: giáo viên của mình không thua gì giáo viên của bạn. Các anh chị ấy đã rất tự tin, nhưng nay hầu hết đã nghỉ hưu, lực lượng kế thừa cần phải tiếp tục, làm cho chất quốc tế phát triển ngay trong lực lượng của mình.
Với đà phát triển như bước đầu vốn có, lẽ ra lúc này chúng ta đã có đầy đủ những điều kiện cơ bản như trình độ giáo viên, phong cách làm việc hiện đại và cung cách quản lý khoa học để xin cơ chế liên kết đào tạo với nước ngoài như nhiều trường ở Singapore đã làm từ nhiều thập niên trước. Từ cách làm này mà Singapore đã trở thành một trung tâm du học của khu vực và thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Phan Ngọc Quang (thực hiện)
Bình luận (0)