Tuy mới công bố nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới đã nhận được nhiều phản hồi, góp ý. Bản thân tôi có hơn 35 năm trong nghề giáo, đã trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới không nhớ hết…, nay đã đọc qua dự thảo chương trình, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một: Chương trình tổng thể, nhìn góc độ lý thuyết, thì rất hay, rất chuẩn. Giáo dục Việt Nam trong tương lai phải đào tạo ra những thế hệ học sinh có những phẩm chất, năng lực như thế. Nhưng chỉ sợ khâu thực hiện không được trôi chảy, thống nhất; không đồng bộ giữa các vùng miền vì vướng vào rất nhiều khó khăn về đội ngũ, về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Mặt khác, yếu tố văn hóa, vùng miền rất đa dạng, phong phú nhưng chương trình chưa đề cập thấu đáo. Nên chăng, chương trình nên đưa ra nhiều loại chuẩn cho các vùng miền, không bắt buộc đạt hết các tiêu chí mà chỉ đạt một số tiêu chí chính, cơ bản.
Hai: Trẻ em bao giờ cũng là trẻ em nhưng chương trình tiểu học vẫn còn nặng. Lứa tuổi này, theo tôi, chủ yếu “học mà chơi, chơi mà học” một cách nhân văn, nhẹ nhàng. Bắt buộc các cháu học các môn một cách bài bản thì e rằng không còn là trẻ em nữa! Hình như dự thảo không (hoặc chưa) tham khảo sách tiểu học của chương trình thực nghiệm; của nhóm “Cánh buồm” để thấy những mặt tích cực, khoa học để kế thừa, mở rộng và thấy các mặt hạn chế, chưa đạt để tránh. Nếu thực hiện sẽ lâm vào “vết xe đổ” của các chương trình trước là học cấp tập, nhồi nhét; gây ra gánh nặng cho học sinh và phụ huynh.
Ba: Trong dự thảo, chỉ thấy đề cập đến học sinh và những phẩm chất cần đạt nhưng chưa thấy rõ vai trò của giáo viên. Đồng ý là lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là chủ thể nhưng vai trò chủ đạo, hướng dẫn, định hướng, xây dựng kịch bản bài học là của người thầy. Hay dụng ý của chương trình là để cho học sinh “tự học” từ đầu đến cuối, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ đánh giá, cho điểm? Phát huy tinh thần, ý thức tự học của học sinh là đúng nhưng đâu phải 100% học sinh đều có tinh thần tự giác, tự học? Trong các trường chuyên còn có học sinh thiếu ý thức học tập đừng nói đến các trường ở các vùng sâu, vùng xa.
Bốn: Có những môn học mới như “Trải nghiệm sáng tạo” ngay cả bản thân tôi cũng chưa hình dung ra. Vậy công tác đào tạo giáo viên, chương trình dạy ở các trường ĐH có soạn kịp không để cho thầy cô học về dạy? Sáng tạo ở đây, theo tôi có trong yêu cầu của từng môn học cụ thể, không thể tách ra thành một bộ môn riêng! Sáng tạo, thông minh do bẩm sinh; do sự khổ luyện mới có được chứ không thể học cách sáng tạo, học cách thông minh được!
Vì vậy, chúng tôi có cảm giác chương trình mới chưa được chuẩn bị đến độ “chín” cần thiết! Coi chừng, nếu cân nhắc chưa đến nơi đến chốn mà cứ làm ào ào “cho kịp tiến độ” thì e rằng “dục tốc bất đạt” như người xưa thường răn dạy.
Lê Lam Hồng (Sóc Trăng)
Bình luận (0)