Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dự án vì Trường Sa của lớp 10A3

Tạp Chí Giáo Dục

Sau bốn tuần nhập học, 45 học sinh lớp 10A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) đã cùng nhau vận động cộng đồng góp sách, vẽ tranh, viết thư, sáng tác về Trường Sa.

Dự án vì Trường Sa của lớp 10A3
Hai “ca sĩ” lớp 10A3 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM song ca bài Nhớ ba nơi đảo xa trong buổi lễ tổng kết dự án “Hướng về Trường Sa” của lớp – Ảnh: TƯỜNG HÂN

“Gửi lá thư ra đảo xa Con ở nhà luôn học chăm ngoan Gửi lá thư ra Trường Sa Ba nhớ về, nhớ về thăm con”

(Lời bài hát Nhớ ba nơi đảo xa)

Buổi báo cáo tổng dự án “Hướng về Trường Sa” đã lắng lại khi hai học sinh cất giọng hát trong trẻo. Nét hồn nhiên, niềm da diết trong ca từ và giai điệu đã mang Trường Sa tới gần hơn với những người tham dự buổi báo cáo trên.

Hành động cụ thể, 
vừa sức

Trước đó, theo đề nghị của ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, giáo viên môn địa lý đã cung cấp cho học sinh kiến thức về tình hình Biển Đông, Luật biển vào đầu năm học mới. Trong quá trình dạy, cô Ngô Thị Lệ Hằng nhận được nhiều câu hỏi của học sinh như: Đi Trường Sa có khó không, đi như thế nào? Lớp học trên đảo ra sao? Bản thân giáo viên cũng chưa có dịp đặt chân đến Trường Sa, hơn nữa cũng muốn các em tự tìm hiểu nên đã gợi ý cả lớp thực hiện một dự án hành động cụ thể, vừa sức hướng tới Trường Sa.

“Các em mới vào lớp 10 đến từ nhiều trường, gặp nhau ở “ngôi nhà” mới còn nhiều bỡ ngỡ. Dự án là một cách hay để các em có thêm hoạt động thực tế tương tác, gắn bó với nhau. Hoạt động chỉ kéo dài trong bốn tuần và áp dụng cho lớp mình chủ nhiệm” – cô Hằng cho biết.

Vậy là cả lớp 10A3 chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm 10-12 em vận động học sinh trong và ngoài trường, trên mạng xã hội quan tâm đến dự án. Dưới sự gợi ý, hướng dẫn của giáo viên, các em đến từng lớp phát tờ rơi, kêu gọi mọi người chia sẻ fanpage dự án.

Nhóm 1 với chương trình “Thư gửi Trường Sa” sau ba tuần vận động đã nhận được 11 lá thư hay và cảm động về chiến sĩ hải quân; đặc biệt có cả bức thư của một sinh viên ở Đại học Vinh (Nghệ An) gửi về. Cuối thư, bạn Nguyễn Hoàng Trâm Anh – người có đến ba bức thư gửi chương trình – đã viết: “Hình tượng quân nhân đã đẹp như thế trong trái tim của em!”.

Tổ chức cuộc thi sáng tác thơ, mẩu chuyện về Trường Sa, nhóm 2 hướng đến chủ đề trẻ em, cư dân trên đảo và chiến sĩ đêm ngày bám biển. “Nếu một lần được đặt chân tới Trường Sa thân yêu, chúng em sẵn sàng thực hiện chương trình văn nghệ bằng tất cả tấm lòng và sự chuẩn bị chu đáo để thể hiện sự tri ân, cảm phục những người hùng gắn bó với Trường Sa” – đại diện nhóm 2 phát biểu như thế tại buổi báo cáo.

Bốn bài thơ, một câu chuyện, năm phần trình diễn văn nghệ không phải là nhiều và chuyên nghiệp, nhưng các học sinh hi vọng sẻ chia phần nào tình cảm với một phần máu thịt của Tổ quốc. Cô Hằng chia sẻ với lớp: “Thật khó để quyết định ai là người đoạt giải nhất, nhì vì đây là tình cảm chân thành của các em. Ba tấm vé xem phim hi vọng sẽ là phần thưởng động viên cần có cho cuộc thi”.

Trong khi đó, nhóm 3 nhận được gần 1.400 cuốn sách, hơn phân nửa là sách học tập, khoảng 400 sách giải trí; 150 cuốn báo, tạp chí và 55 cuốn vở trắng. Đó là kết quả từ chiến dịch “Góp sách, góp chữ cho trẻ em Trường Sa” nhằm giúp trẻ em ở đảo có thêm điều kiện học tập, có sách hay để giải trí và tiếp thêm nghị lực để các em phấn đấu cho tương lai.

Sách được học sinh trong trường mang đến lớp 10A3, hoặc do nhóm 3 thu gom từ học sinh ở trường khác đã liên hệ qua Facebook. Nhóm 4 cũng kêu gọi trên mạng xã hội: “Cùng chúng tôi vẽ tranh cho biển đảo”. Vậy là hơn 25 bức tranh đầy màu sắc đã được gửi về kèm theo thông điệp và câu chuyện cảm động.

“Chỉ có tình cảm của em là lớn hơn!”

“Qua hoạt động này chúng em gắn bó với nhau, làm quen với cô và bạn mới. Em không chắc mình có biết thêm nhiều về Trường Sa hơn hay không, chỉ có tình cảm của em là lớn hơn!” – Vũ Duy Hoàng, học sinh lớp 10A3, cho biết.

Mặc dù hình thức báo cáo chưa được chỉn chu, có bạn còn ấp úng, lọng cọng vì lần đầu tiên nói trước lớp, nhưng tất cả đều hồn nhiên và đầy nghiêm túc với công việc dù rất nhỏ của mình.

“Các em đã chủ động đến với dự án, các nhóm tự phân công công việc, điều hành buổi báo cáo… Mình không tốn nhiều thời gian kèm cặp các em hay tổ chức. Ở trình độ lớp 10, khả năng làm dự án như vậy đã là khá tốt” – cô Hằng nhận xét.

“Một năm chủ nhiệm sắp tới chắc chắn có nhiều thăng trầm. Nhưng với sự cố gắng của lớp qua bốn tuần đầu tiên, cô tin đây sẽ là một năm đầy kỷ niệm với tất cả chúng ta. Mong các em sẽ có những tháng ngày hạnh phúc với nhau. Sau dự án về Trường Sa, các em biết cô và cô hiểu các em nhiều hơn. Kết quả học tập là một chuyện, nhưng chúng ta phải là một tập thể đoàn kết, yêu thương nhau như bây giờ và xa hơn nữa”.

“Em muốn đến đảo và tìm hiểu Trường Sa rõ hơn. Em chỉ biết đảo qua tranh ảnh, chỉ nghe qua đâu đó trên truyền hình…, không biết các chiến sĩ ngoài đảo xa đang cảm thấy như thế nào, vất vả ra sao…” – em Nguyễn Huỳnh Yến Nhi, “ca sĩ” nhí của lớp 10A3, cho biết.

Kết lại buổi báo cáo, cô Hằng chia sẻ với học trò: “Chúng ta có thể đến hoặc không đến được Trường Sa. Nhưng ở đất liền chúng ta luôn có cách để hướng về Trường Sa, vì Trường Sa”.

Được mời tham dự buổi báo cáo, nhà báo Minh Thùy – báo Tuổi Trẻ, với kinh nghiệm nhiều lần ra Trường Sa – đã chia sẻ với lớp 10A3 một số câu chuyện đời thường trên đảo, từ nhà cửa, trường lớp đến sinh hoạt của cư dân. Nhân dịp này, cô Hằng đã nhờ báo Tuổi Trẻ giúp lớp đưa sách, tranh, thư, truyện đến tận tay chiến sĩ Trường Sa.

 

TƯỜNG HÂN (TTO)

 

Bình luận (0)