COVID-19 diễn biến phức tạp học sinh học online, ngành giáo dục phải điều chỉnh khung kế hoạch năm học; Đổi tên thành "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" chỉ để xét tốt nghiệp; Sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 hay vụ bằng giả ở ĐH Đông Đô,… là những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm 2020.
Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh học online, điều chỉnh khung kế hoạch năm học
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học qua internet, trên truyền hình.
Để bảo đảm chương trình giáo dục trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch Covid-19, hỗ trợ học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian học tập, ôn tập, Bộ GDĐT đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Đổi tên thành "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" chỉ để xét tốt nghiệp
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án thi THPT năm 2020 trong hoàn cảnh học sinh cả nước phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19. Dù vẫn tổ chức thi nhưng tên gọi của kỳ thi năm nay thay đổi là "kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020" thay vì thi THPT như trước đây. Kỳ thi năm nay chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.
Sai sót trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1
Tháng 9/2020, ngành giáo dục bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó sử dụng sách giao khoa mới cho học sinh lớp 1. Bước đầu thực hiện đương nhiên có những sai sót. Sách giáo khoa Tiếng việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic, chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian dẫn tới việc giáo viên phải vừa dạy vừa điều chỉnh. Đây là tình trạng thực tế và để lại dư luận không tốt.
Điều đáng nói những tồn tại này xảy ra khi các bộ sách giáo khoa chính thức đi vào sử dụng mới bọc lộ mà không được phát hiện trong quá trình biên soạn, thẩm định, hay phê duyệt. Việc sai sót này khiến các đại biểu Quốc hội đang hoạt động trong ngành giáo dục đã phát biểu ý kiến, tranh luận sôi nổi khi đề cập đến những sai sót trong bộ sách giáo khoa mới cho đối tượng học sinh lớp 1.
Chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nêu quan điểm: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của nhân dân, cùng với giáo viên trực tiếp giảng dạy, tiếp tục rà soát để sách giáo khoa hoàn thiện hơn.
Xử lý hậu gian lận thi THPT quốc gia 2018
Trong năm 2018 xảy ra vụ gian lận thi THPT quốc gia với sai phạm nghiêm trọng trong công tác tổ chức, chấm thi. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình
Trong cuối năm 2018 và cả năm 2019, trong quá trình điều tra vụ gian lận thi cử, hàng chục cán bộ ngành Giáo dục và Công an bị khởi tố. Nhiều bị can trong số này đã bị khai trừ khỏi Đảng. Không chỉ có các bị can, nhiều người khác cũng bị kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hoặc khai trừ khỏi Đảng) vì nâng điểm, hoặc nhờ nâng điểm cho con cháu trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Đến cuối năm 2019, tại Sơn La có 8 bị can bị truy tố, Hòa Bình có 15 bị can bị truy tố, tại Hà Giang có 5 bị cáo bị tuyên án trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia.
Sáng 21/5/2020, TAND tỉnh Sơn La đã mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương này.
Nhiều trường đại học của Việt Nam lọt top bảng xếp hạng thế giới
Trong năm 2020, có nhiều trường đại học Việt Nam có mặt trong các bảng xếp hàng của thế giới, đặc biệt năm 2020 ghi dấu ấn với việc nhiều trường lần đầu tiên lọt vào top các bảng xếp hạng.
Theo bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE) công bố ngày 22/4, trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp top 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng các đại học có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2020 (THE Impact Rankings).
Ngày 15/7, hệ thống xếp hạng đại học Thượng Hải (Academic Ranking for World Universities: ARWU) – hệ thống xếp hạng đại học khó nhất thế giới, xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào Top 400 và 500 đại học tốt nhất thế giới theo một số nhóm ngành học thuật năm 2020.
Ngày 2/9, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả Xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings, WUR 2021). Việt Nam có 3 trường được xếp hạng cùng với 1527 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds – Vương quốc Anh) công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á 2021 (QS Asia University Rankings 2021) trong đó Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 634 cơ sở giáo dục đại học được tổ chức này đánh giá là tốt nhất trong toàn Châu Á.
Vụ bằng giả ở ĐH Đông Đô
Cơ quan ANĐT – Bộ Công an xác định, Đại học Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng trường này vẫn gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Sau đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án tại Đại học Đông Đô, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng như điện thoại, máy tính và tiền…của các bị can. Trong đó có 2 thẻ ngân hàng, gần 500 triệu đồng và 55 nghìn USD của đối tượng chủ mưu đang bỏ trốn là Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch HĐQT trường này.
Tuy nhiên, qua hồ sơ tài liệu, chứng từ do Đại học Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên cơ quan chức năng chỉ xác định được 2.523 người đã nộp hơn 18,2 tỷ đồng. Theo đó, có chuyên gia đề xuất công bố danh tính những người sử dụng bằng giả để tăng tính răn đe vì họ là công chức, viên chức.
Tự chủ đại học được đẩy mạnh
Hơn 250 đại biểu lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, nhà giáo dục đã đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy tự chủ đại học trong Hội thảo Giáo dục 2020 diễn ra hồi tháng 11. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao về chuyên môn, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động. Cùng với hai đại học quốc gia, hầu hết các trường thí điểm tự chủ đã có bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Cô giáo Mường lọt vào vào top 10 xuất sắc toàn cầu
Sáng 11/11, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ được tổ chức Varkey Foundation công bố nằm trong top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. Cô Hà Ánh Phượng (SN 1991, dân tộc Mường) là giáo viên tiếng Anh của trường.
Ngôi trường nơi cô giáo Phượng đang giảng dạy có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
Trước đó, hồi tháng 3, cô giáo 9X người Mường đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để lọt vào top 50 giáo viên toàn cầu do tổ chức Varkey Foundation công bố.
Tình thầy trò trong mùa lũ
Trong trận lũ lịch sử hồi tháng 10 vừa qua khó khăn chia cắt, thực phẩm không tiếp tế được, thầy cô trường PTDT nội trú Bố Trạch lo lắng là sự an toàn của hơn 280 học sinh nội trú. Các thầy giáo đã kết bè chuối vượt lũ để ra bên ngoài vận chuyển lương thực vào tiếp tế cho học sinh
Thương trò vượt rừng đến lớp, các thầy cô trường bán trú Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) dù chằng khấm khá gì đã bàn nhau góp tiền, góp gạo thổi cơm cho các em. Nhờ vậy mà các em được ăn no có sức học con chữ.
Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng bị cách chức
Sau 13 năm làm Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh bị cơ quan chủ quản, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cách chức giữa tháng 10. Ông Danh bị cho vi phạm khoản 1, khoản 4 Điều 12 Nghị định 27/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức.
2020 là năm thứ hai việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư thực hiện theo Quyết định 37/2018. Hôm 6/12, Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 39 ứng viên giáo sư và 300 ứng viên phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm. Thời gian công bố danh sách này bị muộn hơn nửa tháng so với kế hoạch do Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn tố cáo nhiều ứng viên "khai gian" bài báo quốc tế. Lùm xùm đã khép lại, nhưng những đơn thư tố cáo ứng viên "khai gian" đã tạo ra một cuộc tranh luận lớn xoay quanh việc tính bài báo quốc tế và các tiêu chuẩn công nhận giáo sư, phó giáo sư.
Theo Đỗ Hợp/TPO
Bình luận (0)