Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cô giáo phải như mẹ hiền…

Tạp Chí Giáo Dục

Câu mọi người thường nói là “Cô giáo như mẹ hiền”, nhưng tôi muốn thêm một chữ nữa: “Cô giáo phải như mẹ hiền”. Đó không phải đòi hỏi quá nhiều ở cô giáo mà là một nhu cầu thực tế của phía học sinh và phụ huynh.

Cô giáo “như mẹ hiền” phải được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ quan tâm, yêu thương học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh 

1. Nhớ hồi con gái tôi học lớp 1, một bữa đón con về, thấy tóc được cột lại thẳng thóm khác với kiểu vợ tôi cột thường ngày, tôi hỏi thì con gái bảo: “Cô cột lại đó ba! Vì tóc con bị sút”. Tôi trách yêu là con nghịch quá, nhưng thấy vui vì cô giáo có sự quan tâm, chăm chút đến con. Niềm vui đó tiếp tục được nhân lên khi con tôi được chọn tham gia đội múa chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Cô giáo yêu cầu phụ huynh mua áo thun màu đỏ, quần, giày và vớ trắng. Vợ chồng chúng tôi đi nhiều quầy mới mua đủ đồ cho con. Tôi cười nói với con: “Con múa có một chút xíu mà làm ba mẹ tốn tiền quá!”. Nhưng nhìn con gái hớn hở ôm túi đồ, tôi thấy xúc động vì sự quan tâm của cô giáo đã giúp con có niềm vui lớn. Trong sổ liên lạc của các con, dù ở mẫu giáo hay ở tiểu học, tôi thường ghi câu: “Mong cô tạo điều kiện cho cháu được tham gia các hoạt động của lớp, của trường”. Tôi mong con được tham gia nhiều phong trào trong lớp để vừa trải nghiệm, vừa học tập, vừa rèn luyện mà vừa được thể hiện mình nữa. Vì vậy, việc được tham gia một tiết mục múa hát dù rất đơn giản cũng là niềm vui với cả tôi và con.

Ở đâu đó, có thể có giáo viên ứng xử chưa phù hợp, có sự thiếu quan tâm, thậm chí có bạo hành; nhưng nhiều giáo viên khác, trong đó có giáo viên của con tôi, vẫn đang làm người mẹ hiền của một lớp học với trên dưới 50 trẻ. Đó thực sự là điều rất đáng trân trọng.

2. “Phải như mẹ hiền” là một yêu cầu của học sinh, của phụ huynh đối với các giáo viên, nhất là giáo viên nữ. Đó là sự chăm chút thực sự không chỉ việc học mà còn việc ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt của trẻ, không chỉ trong giờ học mà còn trong giờ ăn, giờ chơi… Đó là chú ý đến tâm sinh lý, thái độ, tình cảm và các biểu hiện khác của trẻ, nhất là những biểu hiện bất thường (như bỗng nhiên trầm tính hẳn, hoặc tỏ ra sợ hãi, hoặc lơ đãng…). Đó là quan tâm đến các mối quan hệ của trẻ, cách trẻ chơi đùa, cách trẻ ứng xử với bạn, cách trẻ thể hiện với người lớn tuổi, với môi trường… Đó là thực sự lắng nghe trẻ, khi đang trên lớp hoặc trong giờ ra chơi, để trẻ thực sự cảm thấy thoải mái khi trò chuyện mà không tỏ ra e dè, khép nép hoặc sợ hãi…

Dĩ nhiên, “phải như mẹ hiền” phải thể hiện bằng lời nói, cử chỉ, thái độ, qua đó bộc lộ sự quan tâm, yêu thương, tôn trọng, chia sẻ. “Mẹ hiền” có thể trách mắng, có thể phạt, có thể giận…, nhưng hẳn không xúc phạm trẻ, không làm trẻ bị tổn thương và luôn biết cách bảo vệ trẻ.

3. Chúng ta đòi hỏi cô giáo của một lớp học với hàng chục học sinh làm người mẹ hiền, có phải là quá đáng không? Tôi nghĩ là không có gì quá đáng, bởi người giáo viên được đào tạo chuyên môn, được bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, được rèn luyện trách nhiệm để làm việc đó, hẳn ý thức được thiên chức của một người làm công việc “trồng người”, hẳn có sẵn lòng yêu trẻ. Vậy nên, cô giáo phải như mẹ hiền!

Đó là một sự khẳng định mà cũng là một sự mong mỏi. Có điều, để cô giáo thực sự là mẹ hiền thì phụ huynh phải có xử sự đúng mực, phải thực sự tôn trọng người thầy; rồi xã hội phải thực sự chăm lo cho người thầy để họ có thể yên tâm công tác; rồi Nhà nước phải có những chính sách phù hợp để phát huy năng lực, trách nhiệm của người thầy, đừng khiến họ cảm thấy bị thiệt thòi khi chọn nghề giáo.

Có lẽ để có nhiều “mẹ hiền”, các phụ huynh nên nghĩ về các nhà giáo như những người mẹ hiền thực sự và tạo điều kiện để họ trở thành mẹ hiền thay vì tạo áp lực, đòi hỏi quá đáng hoặc lơ là, xem chuyện đó không liên quan đến mình. Và, bản thân có là cha hiền, mẹ hiền của con mình thì mới có thể mong mỏi giáo viên là mẹ hiền của trẻ!

Minh Tâm (TP.HCM)

Bình luận (0)