Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly: Gia đình là số một

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly trong một chuyến tham quan
Được phong phó giáo sư (PGS) khi mới 32 tuổi, PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly còn là nữ PGS trẻ nhất năm 2013. Có thể nói, sự nghiệp đã có những bước thành công nhưng không vì thế mà chị quên mất thiên chức làm vợ, làm mẹ. Với chị, gia đình vẫn là số một.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly xung quanh câu chuyện cân bằng cuộc sống gia đình và nghiên cứu khoa học đối với một người phụ nữ.
PGS. Lưu Ly cho biết: Mọi thứ đến với tôi đều theo tuần tự của thời gian. Học hết THPT, tôi đã để một bộ hồ sơ tại Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng đến phút cuối, tôi lại rút hồ sơ, nộp vào trường sư phạm. Tôi đến với nghề giáo dường như là một cái duyên. Tôi đã không lý giải được, do truyền thống của gia đình, từ ông nội (GS. Nguyễn Lân – PV) đến các bác kéo mình lại hay tự bản thân suy nghĩ và làm như thế. Nhưng đến giờ, tôi nghĩ do cả hai. Trong một thời gian dài, tôi được nuôi dưỡng trong môi trường mà mọi người đều là trí thức, đều làm khoa học thì những cái hay, cái đẹp của nghề đã tự nhiên “ngấm vào máu thịt”  của mình. Nhiều người nói làm khoa học khô khan, cũng có thể nhưng khi sống trong một gia đình nghiên cứu khoa học thì mình thấy nhiều ưu điểm của nó. Bên cạnh nghiên cứu khoa học, tôi còn giảng dạy, được tiếp xúc với sinh viên, với học trò. Mỗi người có quyền lựa chọn một nghề, cái quan trọng là say mê hết mình để đi theo con đường đã chọn.
PV: Với những người phụ nữ đi trước trong gia đình, chị đã học hỏi được gì từ họ?
Sống trong một gia đình đông con đông cháu, tôi nghĩ rằng mình khá tâm đắc với cách tổ chức cuộc sống khá khoa học của ba mẹ hay các bác, các cô trong nhà như bác Hiếu (PGS. Nguyễn Nữ Kim Hiếu, nguyên Phó viện trưởng Viện 108, vợ của GS. Nguyễn Lân Dũng – PV), bác Hải (TS. Lê Thúy Hải, nguyên Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, vợ GS. Nguyễn Lân Việt)… Ví như dịp Tết Nguyên đán, nhiều phụ nữ thường nghĩ đến lại ngại vì cả ngày nấu nấu, dọn dọn. Trong gia đình tôi bữa cơm ngày Tết lại được tổ chức đơn giản hơn. Tuy số lượng thành viên gia đình đông, lên đến 60 người nhưng vì mỗi gia đình làm sẵn một món ăn từ nhà mang đến, nên tự nhiên bữa tiệc trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều thay vì một người phải lúi húi làm nhiều món ăn. Cách tổ chức khoa học từ việc nhỏ nhất cho đến việc khác đã giảm tải được rất nhiều áp lực cho mọi người. Thứ hai là tôi thích cách sống lạc quan của các bác, nhanh chóng quên được những điều không may, luôn nhìn về phía trước theo hướng tích cực. Thứ ba là trong gia đình tôi mọi người biết cách bằng lòng với cuộc sống, trong hoàn cảnh nào cũng thích nghi và luôn cố gắng nỗ lực vươn lên. Đó là một vài điểm tôi khâm phục những người phụ nữ trong gia đình mình.
Cuộc sống ngày nay, dường như trong mỗi gia đình đều phải chịu rất nhiều áp lực. Chị có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Tôi nghĩ trăm sự tại nhân, sướng hay khổ đều do cách suy nghĩ của mình. Trong gia đình nhỏ của tôi, hai vợ chồng đều rất bận rộn nhưng tôi nghĩ mình hài lòng với thời gian biểu như vậy. Sau cả ngày vất vả ngoài xã hội, chúng tôi trân trọng từng giây phút trong gia đình. Tôi nghĩ cảm xúc mới là quan trọng chứ không phải thời gian là bao nhiêu. Khi đã trân trọng từng giây phút thì tinh thần của mỗi người đều rất tốt khi được trở về với nhau, gia đình là chỗ dựa ấm áp của chúng tôi. Thậm chí có khi tôi còn nghĩ nếu một người bận rộn còn một người rảnh rỗi có lẽ lại khó thông cảm với nhau hơn. Tôi nghĩ mình may mắn vì vợ chồng rất yêu thương nhau và yêu thương con cái. Quan điểm của tôi là làm thế nào để ủng hộ nhau nhiều hơn trong cuộc sống, để người thân của mình được làm những việc sở trường của họ. Cuộc sống không thể mang ra cân đong đo đếm bao nhiêu thời gian cho gia đình, bao nhiêu thời gian cho công việc. Cứ lựa theo cuộc sống, mỗi khi có khó khăn thì chia sẻ ra. Còn giao tiếp được với nhau là còn suôn sẻ, khi đã không giao tiếp được với nhau thì mới là khó khăn.
Con đường nghiên cứu vô cùng vất vả, chị đã nhận được sự hỗ trợ nào từ gia đình?
Để có được thành công là cả một quá trình, không đến ngày một ngày hai. Nếu cứ kiên trì cố gắng, học hỏi thì đến một lúc nào đó, mọi người sẽ đều đạt được những kết quả tốt. Với tôi, gia đình là nền tảng, gia đình là số một. Tôi có may mắn là trước khi cưới ông xã thì chúng tôi đã là bạn. Tôi và ông xã học chung với nhau từ ngày tiểu học. Lên THCS không học với nhau nữa nhưng dịp Tết đến lại cùng nhau đến thăm các thầy cô giáo cũ. 14 năm bạn bè trước khi tiến xa hơn khiến chúng tôi dễ dàng chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi lại có ông bà hai bên nội ngoại luôn tin tưởng và động viên, hai thiên thần bé nhỏ đáng yêu, đó chính là những động lực để chúng tôi cố gắng và luôn nhìn về phía trước. Tôi nghĩ sự cân bằng trong cuộc sống là quan trọng.
Chị làm thế nào để cân bằng được giữa gia đình và công việc?
Nói đến sự cân bằng, có lẽ ta không cần máy móc chia ngang 2 phần, công việc bao nhiêu, gia đình bao nhiêu. Có những giai đoạn phải dồn tâm sức cho gia đình hơn, ví dụ như khi con chuẩn bị vào lớp 1, khi người chồng hay người vợ đang cần sự chia sẻ của người kia nhiều hơn… Nhưng lại có những giai đoạn cần phải dành nhiều thời gian cho công việc hơn như khi đề tài nghiên cứu đến giai đoạn nước rút, bài giảng phải soạn giảng ngay… Tôi nghĩ khi nhìn vào tổng thể bức tranh cuộc sống, vậy là ta đã có những mảng màu sắc hài hòa đa dạng.
Xin cảm ơn chị!
Nghiêm Huê (thực hiện)
Tôn vinh phụ nữ Việt Nam tiêu biểu
Cuối tuần qua, tại Phủ Chủ tịch, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã gặp mặt phụ nữ tiêu biểu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, 55 năm “Đội quân tóc dài”, 50 năm phong trào “Ba đảm đang”.
Buổi gặp mặt là dịp thể hiện tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, các đại diện tiêu biểu của “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang”.
Bày tỏ niềm xúc động, tự hào, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi tới các mẹ, các chị lời chúc sức khỏe, sự biết ơn chân thành. Các mẹ, các chị – những tấm gương tiêu biểu của hai phong trào “Đội quân tóc dài” và “Ba đảm đang” tại 63 địa phương là biểu tượng của khí phách anh hùng, lòng dũng cảm của phụ nữ Việt Nam. Không chỉ thay chồng chăm sóc cha mẹ, làm việc đồng áng mà các mẹ, các chị còn sẵn sàng cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương, đất nước. Tinh thần ấy đã làm nên vẻ đẹp riêng của phụ nữ Việt Nam, góp phần cho cách mạng thành công.
Phó chủ tịch nước khẳng định đóng góp của các mẹ, các chị đã làm cho lịch sử của phụ nữ Việt Nam vẻ vang hơn, xứng đáng với các bậc anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, xứng với 8 chữ Bác Hồ đã tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.
Ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960, “Đội quân tóc dài” đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận và vũ trang để đánh địch. Đội quân tóc dài đã được Trung ương Đảng tặng 8 chữ vàng: “Anh dũng, đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-3-1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; trên 1.700 chị em được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; trên 5.000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”.
TTX
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)