Khoảng 10 giờ sáng ngày 12-3, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1). Mặc dù là sau giờ ra chơi nhưng sân trường không có một cọng rác. Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường – khiêm tốn: “Nếu nói sân trường không có rác thì có phần khiên cưỡng nhưng thực tế là học sinh không bao giờ xả rác”…
Có thể nói, xả rác bừa bãi là một thói quen xấu của khá nhiều người dân. Họ có thể xả rác bất cứ nơi nào, từ trong nhà ra ngoài đường, đặc biệt là những nơi công cộng như khu vui chơi, rạp chiếu phim, bệnh viện, bến xe, công viên… Càng những nơi có đông người qua lại thì rác càng được xả nhiều. Bằng chứng là cứ sau mỗi lễ hội là y như rằng khu vực tổ chức bỗng dưng biến thành bãi rác. Cái thói quen xấu này được “di truyền” từ người lớn sang trẻ em, nhiều em đã đem theo vào trường học…
Cứ thử hình dung, với trên 1.700 học sinh (trong đó 100% học 2 buổi và khoảng 96% học bán trú), mỗi em chỉ cần xả một lần thì rác sẽ tràn ngập khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi không thấy rác ở khuôn viên trường học và ngay cả trước cổng trường. Không phải bỗng dưng cái thói xấu xả rác bừa bãi của một bộ phận không nhỏ học sinh bị triệt tiêu mà đó là cả một quá trình xây dựng ý thức bỏ rác vào thùng.
Bằng cách, “Thầy cô phải nhắc nhở các em mỗi ngày, nhắc bằng lời nói và bằng cả hành động. Thấy rác, giáo viên nhặt bỏ vào thùng để học sinh nhìn thấy và noi theo. Cũng có khi thấy rác, tôi nói với học sinh: “Bạn nào có thể giúp cô nhặt rác bỏ vào thùng, sau đó nhớ rửa tay sạch. Cô cám ơn”. Nghe cô Hiệu trưởng nhờ giúp, rồi lại được cám ơn nên các em rất nhiệt tình. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần ý thức không xả rác bừa bãi được hình thành trong từng em học sinh. Sau nhiều năm xây dựng, đến nay hầu như trong trường không còn học sinh nào xả rác. Tuy nhiên vẫn còn một số ít học sinh vào giờ ra chơi thường ngồi ở ghế đá, bồn cây uống sữa, ăn bánh rồi do mải mê nói chuyện mà khi đứng dậy quên không bỏ vỏ hộp sữa, vỏ bánh vào thùng rác. Những lúc như vậy, nếu giáo viên hay học sinh khác nhìn thấy sẽ nhắc nhở…”, cô Điệp chia sẻ.
Song song với việc thường xuyên nhắc nhở học sinh, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tăng số lượng nhân viên dọn vệ sinh và đặc biệt là trang bị rất nhiều thùng rác. Các thùng rác được đặt ở khắp nơi rất tiện lợi cho học sinh bỏ rác…
Giáo viên không xả rác, học sinh không xả rác nhưng phụ huynh xả thì trường vẫn còn rác. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên giáo dục học sinh tuyên truyền phụ huynh. Nhiều học sinh đã nói với phụ huynh rằng: “Trường con rất đẹp, không có rác. Vì vậy, ba mẹ đừng xả rác”. Theo đó, mặc dù buổi sáng rất nhiều ông bố, bà mẹ đưa con vào căng tin của trường ăn sáng nhưng không có phụ huynh nào bỏ rác ngoài thùng…
Ở trường học các em được giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì chắc chắn khi về nhà, ra đường và đến những nơi công cộng, các em cũng sẽ không xả rác bừa bãi. Và điều đáng mừng hơn là ý thức của học sinh sẽ lan tỏa đến phụ huynh và cộng đồng…
Từ một ngôi trường không rác như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta có quyền hy vọng TP.HCM sẽ sớm trở thành thành phố không rác…
Hòa Triều
Bình luận (0)