Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh: Vẫn đang tìm hướng đi

Tạp Chí Giáo Dục

Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn. Nhưng tại TP.HCM, vấn đề này chưa cụ thể, đồng bộ, mà vẫn đang trong quá trình tìm hướng đi.

Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: I.T

Thiếu sự đồng bộ

Theo Sở GTVT, ngành đã có nhiều dự án đầu tư cũng như đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ được triển khai. Song, các dự án triển khai trong thời gian qua mới mang tính chất thí điểm, riêng lẻ. Vẫn chưa có nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng, định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, đặc biệt việc phát triển ITS.

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, hiện tại ứng dụng công nghệ trong giao thông đang thiếu đồng bộ. Nguyên nhân do thành phố chưa có trung tâm điều hành giao thông tập trung để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển. Các ứng dụng công nghệ rời rạc, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu chưa được khai thác hiệu quả, nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong công tác quản lý, vận hành hệ thống rất hạn chế, không thể đảm bảo phát triển bền vững hệ thống ITS trong tương lai.

Ông Lâm nêu ví dụ, 887 chốt đèn tín hiệu chủ yếu hoạt động độc lập bằng thủ công tại các chốt, chỉ có khoảng 3% kết nối trung tâm. Các giải pháp điều khiển giao thông thông minh theo lưu lượng, tình hình thực tế chưa áp dụng. Giải pháp phát hiện sự cố tự động, nhận dạng phương tiện vi phạm chưa phổ biến. Mạng lưới camera chủ yếu tập trung tại khu vực cục bộ. Còn công tác duy tu, bảo trì chưa được chuẩn hóa, quá trình cập nhật công nghệ không đảm bảo tốc độ…

TS. Mai Vinh Dự, giảng viên Bộ môn điều khiển học, Trường ĐH GTVT cũng nhận định, chưa có định hướng rõ ràng, chưa xây dựng khung kiến trúc, các tiêu chuẩn ITS, chưa có cơ sở hạ tầng truyền dẫn chung… là những tồn tại trong ứng dụng ITS tại TP.HCM. Đơn cử hệ thống thu phí tại các trạm mới chỉ phục vụ riêng từng trạm, ngành. Các ứng dụng công nghệ trong giải quyết các vấn đề trật tự cũng riêng lẻ. Nói ngay chất lượng Phòng điều hành giám sát tuyến Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ chưa được tốt, dữ liệu chỉ lưu trong 1 tuần.

TS. Mai Vinh Dự, giảng viên Bộ môn điều khiển học, Trường ĐH GTVT cho biết: “Việc phát triển ứng dụng ITS trong quản lý, tổ chức khai thác, kiểm soát, điều hành cũng như dự báo ở TP.HCM là vấn đề cấp bách. Song nhìn chung việc làm này vẫn đang trong quá trình tìm hướng đi”.

Còn theo ThS. Trần Việt Yên giảng viên Bộ môn đường bộ, Trường ĐH GTVT, giao thông thành phố đang gặp nhiều thách thức trong triển khai áp dụng ITS một cách ổn định và bền vững. Chưa có một quy trình quy hoạch cụ thể cho tích hợp chức năng các hệ thống. Còn tích hợp kỹ thuật thì gặp nhiều khó khăn khi chưa làm chủ được công nghệ sản xuất thiết bị ITS. Về việc tổ chức thì chưa có khung chính sách để gắn kết các hoạt động giữa các bộ ngành.

Năm 2016: Sẽ xây dựng trung tâm giám sát, điều khiển

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thành lập một trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thông minh. Đây là một tập thể gắn kết giữa những chuyên gia giao thông, CNTT, điện tử, chuyên ngành chính sách… Đối với TP.HCM, địa phương có số lượng phương tiện giao thông lớn, tăng khoảng 9%/năm, trong khi tỷ lệ tăng diện tích đất giao thông thấp gây quá tải, ùn tắc, tai nạn. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn.

Ông Lâm Thiếu Quân, đại diện Công ty CP Công nghệ Tiên Phong chia sẻ, ITS có thể dùng chung trong quản lý tín hiệu, điều hành vận tải, giám sát xử phạt. Việc triển khai ITS không khó khăn do thủ tục đơn giản, chi phí cũng không cao. Thành phố nên đầu tư một trung tâm với cơ sở kỹ thuật dùng chung tại một tòa nhà. Đây là nơi gắn kết giữa các đơn vị trong việc giám sát, điều khiển một cách hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề này, Sở GTVT cũng đề xuất lộ trình và mô hình phát triển trung tâm. Dự kiến năm 2016-2017, cơ bản hình thành trung tâm tập trung trên cơ sở hệ thống hạ tầng hiện hữu. Trung tâm sẽ thực hiện các chức năng giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin và hỗ trợ xử lý vi phạm. Đến sau năm 2020, cơ bản hoàn thành trung tâm với quy mô toàn thành phố, là nơi tập trung quản lý trực tiếp toàn bộ các hệ thống.

Ông Trần Quang Lâm cho biết: “Trung tâm hoàn chỉnh sẽ đảm nhiệm 10 chức năng: Giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm, giám sát điều hành giao thông công cộng, tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử, quản lý nhu cầu, vận tải hàng hóa, chia sẻ thông tin, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng. Trước mắt trong năm 2016-2017, trung tâm sẽ được xây dựng hệ thống hiển thị màn hình tường, hạ tầng CNTT, hệ thống điều khiển theo mô hình trung tâm tích hợp dữ liệu”.

Trinh Ngọc

 

Bình luận (0)