Thầy nói trong cuộc đời làm nghề giáo của mình, có hai lần chuyển trường, lần nào cũng gắn với những học trò rất đặc biệt. Để tròn chữ tâm của người đưa đò, cả hai lần ấy, thầy đều phải học cách…đi xin. Người thầy “chẳng giống ai” ấy là thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng trường Chuyên biệt Tương lai TP Đà Nẵng.
‘Xin chữ” của trò
Thầy Quy vốn là giáo viên dạy Toán, sau khi ra trường, thầy về công tác tại một trường cấp 2 ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Năm 1999, thầy xin chuyển ra Đà Nẵng cho gần gia đình. “Khi ấy, tôi không hề biết mình được bố trí vào dạy ở trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, cơ sở tập trung các em khiếm thị.
Hồi đó ít thông tin nên chẳng thể hình dung ra các em học như thế nào chứ đừng nói đến chuyện đứng lớp, bởi mình đã có ngày nào được đào tạo dạy học sinh mù, đã biết tới chữ braille đâu”, thầy Quy nhớ lại.
Trước mặt thầy là những khuôn mặt non nớt, ngây ngô, tay lần mò trên dòng chữ braille. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình và học trò lại có một rào cản lớn đến vậy”, thầy nhớ như in cảm giác của buổi lên lớp đầu tiên cách đây 17 năm.
Hôm nào cũng vậy, cứ hết giờ dạy là thầy lại ôm cặp xuống bàn từng trò “xin chữ”. Thầy nhờ các em “dạy” cách ghép chữ, đọc chữ, các dạng viết trong chữ braille… Suốt nhiều tháng trời vừa làm thầy dạy Toán vừa làm trò học chữ khiếm thị, cộng thêm sự quyết tâm luyện tập ở nhà, thầy Quy cũng chinh phục được loại chữ này.
Vượt qua rào cản về chữ braille, thầy lại trằn trọc “ước chi các em thấy được hình tròn, hình vuông nó như thế nào để học toán dễ hơn”. Suốt hai năm trời, thầy lân la tới các tiệm đồng nát tìm mua thiết bị cũ để chế cho bằng được chiếc bảng từ.
Chiếc bảng là một miếng tôn gắn nam châm phía dưới, trên mặt có lớp gỗ để bảo vệ, sau đó thầy uốn những thanh kim loại thành hình vuông, hình tam giác, hình tròn…đặt lên chiếc bảng sẽ bị nam châm hút nên khi các em dùng tay sờ hình vẫn cố định, không bị xô lệch, từ đó cảm nhận và hiểu rõ hơn các hình.
Bảng từ thô sơ ấy đạt giải nhất trong hội thi đồ dùng dạy học toàn quốc năm 2004, đến nay trong các lớp giáo dục đặc biệt vẫn dùng chiếc bảng này để minh họa cho việc dạy học học sinh khiếm thị.
“Cho trò tôi một cái nghề!”
Năm 2014, thầy được phân công về làm hiệu trưởng trường chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng, ngôi trường của các em chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, khiếm thính… Ngày thầy tới, đập vào mắt thầy là hai lớp học nghề may và thủ công mỹ nghệ đơn điệu.
“Tôi thấy hầu như trường khuyết tật nào cũng học nghề này, quả thật là nhẹ nhàng đối với các em song lại khó ứng dụng khi các em ra đời. Đã dạy nghề, thì phải dạy nghề nào mà các em có thể làm và đáp ứng nhu cầu của thị trường nữa”, thầy băn khoăn.
Mấy hôm sau, thầy xách xe chạy tới một tổ chức phi chính phủ xin máy làm hương cho trò. Các anh hãy giúp cho trò tôi một cái nghề!”, thầy thuyết phục. Lời “xin xỏ” tâm can ấy đã đổi lấy được cái gật đầu của tổ chức phi chính phủ. Chỉ sau vài tháng, những bó hương thơm lừng làm từ bột quế với cái tên “Hương thơm Tương lai” đã đến tay phụ huynh và các hộ dân xung quanh trường.
Hôm tôi đến, ngay cổng trưng tấm bảng “Rửa xe”, thầy Quy bước ra “khoe”: “Mỗi ngày rửa được ba, bốn chiếc. Mỗi chiếc 15 ngàn, 10 ngàn sung vào quỹ chi phí, 5 ngàn trả công cho các em”. Chiếc máy rửa xe này cũng là do thầy hiệu trưởng đi xin về rồi bày cho học trò cùng làm.
Thầy tiếp lời: “Trò tôi mai này sẽ làm đầu, làm nail nữa!”. Cũng lại là thầy, khi thấy những đội tình nguyện tới trường cắt tóc cho trò, thầy lân la tới hỏi dò và mạnh dạn ngỏ lời gửi học trò tới học nghề. Không ngờ các tiệm gật đầu chịu ngay.
Đưa ánh mắt trìu mến nhìn những đứa con ngây ngô, thầy tâm tình rằng chuyện học nghề không chỉ là ánh sáng cho tương lai sau này, mà ngay bây giờ đã tác động rất tích cực. Như công việc làm hương giúp các em chậm phát triển trí tuệ vừa vận động thô (tạo cây hương, đếm hương) vừa vận động tinh (dùng kỹ xảo để làm cây hương đẹp hơn).
Thầy tin những tác động nhỏ đó lâu ngày sẽ bồi đắp thành những kỹ năng tốt để các em có thể sử dụng khi cần. Được biết, 50 chiếc giường các bé nằm ngủ mỗi ngày cũng do thầy đi xin về, vì thương các con trải chiếu nằm trên nền gạch quanh năm.
Thầy còn dám “liều” làm điều chưa từng có trong tiền lệ của trường: giữ các em ở lại. Học sinh chậm phát triển sau khi học xong chương trình lớp 5 sẽ ra trường theo quy định, nhưng thầy đã xây dựng tiếp chương trình giảng dạy để các em tiếp tục được ở lại trường học chữ, học nghề.
Thầy nói chương trình không có gì cao siêu, chỉ giúp các em biết thêm tính toán, một số kỹ năng để ra đời tốt hơn. Năm 2015, năm đầu tiên “phá lệ”, thầy bị rất nhiều phía phản đối. “Nhưng có một phía cổ vũ cho tôi và tôi luôn hướng về, đó là học trò kém may mắn của tôi và gia đình các em.
Các em sẽ làm gì khi không tìm được một mái trường nào đó để học? Gia đình các em sẽ khổ hơn nếu mỗi ngày phải cử một người ở nhà để trông con trông cháu? Tôi biết sẽ khó khăn thêm cho nhà trường, nhưng mình là người thầy, phải trọn chữ tâm với học trò của mình chứ!”, thầy tâm sự.
Vậy là mấy năm qua, tầng 3 của ngôi trường có thêm lớp học ghi bảng C6, C7, lớp học của những học sinh “tiếp tục được học”. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phụ huynh em Nguyễn Chí Hiếu, cảm kích: “Nếu thầy Quy không giữ các cháu lại trường thì gia đình không biết gửi con vào đâu, bởi hiện tại chưa có thêm trường nào nhận học sinh chậm phát triển trí tuệ sau lớp 5 cả.
Mới đây thôi tui còn rối tung lên vì lo con sẽ làm gì khi trường không dạy nữa, may có thầy Quy về, con tôi được tiếp tục học và rèn luyện kỹ năng sống. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng của thầy, vừa thương trò, vừa thấu hiểu cho phụ huynh. Hiếm người thầy nào làm được”.
17 năm cống hiến cho thành phố Đà Nẵng bằng tấm lòng thương trò vô hạn, tâm huyết với nghề, đặc biệt là sáng kiến ra nhiều thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật được áp dụng vào thực tế, thầy Nguyễn Duy Quy được vinh danh là một trong 20 công dân tiêu biểu của thành phố bên sông Hàn.
Thanh Trần (TPO)
Bình luận (0)