Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Bác Hồ với sự nghiệp trồng người

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nền giáo dục Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám dưới chế độ dân chủ cộng hòa đã phát triển dưới ánh sáng của một mục tiêu cao cả như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra: “Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà”.

Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người – Ảnh tư liệu
Mục tiêu ấy bao hàm ý nghĩa: Cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân (không phải học để làm quan hay làm giàu cho cá nhân). Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân.
Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31/10/1955, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đề ra nhiệm vụ cho ngành giáo dục: “Mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe cho các cháu.
Tôi cũng mong các gia đình hãy liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.
Đến với Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ hai ngày 7/5/1958, Bác nói: Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát, thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình”.
Bác dạy học sinh, sinh viên phải có 6 cái yêu:
Yêu Tổ quốc: yêu như thế nào? Yêu là phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu, mạnh. Muốn cho Tổ quốc giàu mạnh thì phải ra sức lao động (chân tay và trí óc), ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhân dân còn cực khổ như thế nào, chia sẻ những lo lắng, vui buồn, những việc làm nặng nhọc với nhân dân.
Yêu chủ nghĩa xã hội: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mới mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
Yêu lao động: muốn thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, thì phải yêu lao động, vì không có lao động thì chỉ là nói suông.
Yêu khoa học và kỹ thuật, bởi vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỹ thuật.
Bác nêu rõ: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
"Thời đại chúng ta là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, thời đại anh hùng, mỗi người lao động tốt đều có thể trở nên anh hùng (không phải là anh hùng cá nhân). Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”.
Cũng năm 1958, ngày 13/9, mở đầu một năm học mới, Bác đã nhấn mạnh về nhiệm vụ các nhà trường: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lại cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”.
Đáp lòng mong mỏi của Bác, giai đoạn ấy chúng ta đã có những bậc thầy mẫu mực về trí tuệ và đạo đức được vinh danh và kính trọng ở các trường trong và ngoài nước, như Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào, Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Giáo sư Nguyễn Tài Thu và nhiều giáo sư khác…, đến nay vẫn là những tấm gương sáng cho các thế hệ thày giáo trẻ noi theo.
Đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, Bác không chỉ quan tâm đến những vấn đề lớn như mục đích, mục tiêu, phương châm, tính chất của giáo dục, mà còn để ý đến cả những vấn đề phương pháp cụ thể.
Trong bài nói tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua Dạy tốt, Học tốt của ngành Giáo dục phổ thông và sư phạm tháng 8/1963, Bác căn dặn: Về học tập và giảng dạy, phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về lao động, cần chú ý tổ chức cho thích hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh.
Về giảng dạy, tránh lối dạy nhồi sọ. Chương trình dạy học hiện nay còn có chỗ quá nhiều, quá nặng. Về học tập, tránh lối học như vẹt. Ngoài ra, cần chú ý tránh nói tiếng nước ngoài quá nhiều, những tiếng ta có thì không nên dùng tiếng nước ngoài. Bài dạy phải chuẩn bị cho tốt và cần chọn lọc những bài thích hợp với tuổi của học sinh. Trường học phải liên hệ chặt chẽ với gia đình, với xã hội.
Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà
Với một nền giáo dục có định hướng cách mạng, có mục tiêu được xác định rõ ràng, được tổ chức hợp lý theo những nguyên tắc khoa học tiên tiến và thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh nước ta, nền giáo dục Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám được xây dựng trên những phương châm dân tộc- khoa học- đại chúng, đã từ bỏ được những tật xấu của lối giáo dục ngu dân chỉ phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, xây dựng được một nền giáo dục nhân dân.
Nền giáo dục theo ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn.
Thứ nhất, giáo dục cũng như mọi công cuộc khác, cần phải xác định rõ mục đích, mục tiêu. Riêng giáo dục phổ thông cần để cao mục tiêu giáo dục làm người: người công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ tốt, có ý thức giác ngộ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa xã hội nhân văn, có tinh thần dân tộc, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, việc xây dựng mô hình nhà trường các cấp, việc thiết kế chương trình, viết sách giáo khoa, ấn định nội dung, phương pháp dạy và học phải đáp ứng được mục đích, mục tiêu chung đã định. Từ bỏ lối dạy tham lam nhồi sọ, lý thuyết suông, khắc phục lối học vẹt, học không kết hợp với hành, học chỉ để đạt những tiêu chí thi cử hình thức.
Thứ ba, muốn phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước cũng như sự phát triển mỗi con người, thì bất cứ nền giáo dục nào cũng phải bám sát thời đại và những hoàn cảnh, điều kiện, nhu cầu riêng của đất nước để phát triển cho đúng hướng và có hiệu quả.
Thứ tư, trong tình hình hiện nay của thế giới và nước nhà, thì một cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam đang là một yêu cầu cấp thiết.
Trong thư nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 – 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất có lý khi đề ra nhiệm vụ cho ngành giáo dục cần “đối mới căn bản và toàn diện”.
Ngày 2/9/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi dự lễ khai giảng năm học mới tại trường Quốc học Huế yêu cầu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; tập trung đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục…
Thứ năm, các trường sư phạm, nhất là sư phạm đại học chính là “máy cái” để khởi động sự nghiệp cải cách.
Hiện nay, mỗi năm, ngành sư phạm cho ra lò hàng ngàn giáo sinh. Tuy nhiên, đội ngũ này vẫn còn nhiều hạn chế trước đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ của sự phát triển đất nước.
Theo chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra mục tiêu đến năm 2015, 100% giảng viên trường đại học sư phạm đạt trình độ thạc sỹ trở lên, trong đó ít nhất 25% đạt trình độ tiến sỹ và phấn đấu năm 2020, ít nhất 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sỹ.
Để đáp ứng mục tiêu này, cần sự nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục, sự hỗ trợ, chung sức của toàn xã hội, của các bộ, ngành để có thể thực hiện được nhanh chóng công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục.
Trần Thái Bình
(Chinhphu.vn)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)