Ngân sách dành cho đào tạo nghề của nước ta ngày càng tăng, hình thức dạy nghề ngày càng đa dạng, bao phủ mọi đối tượng có nhu cầu học nghề. Tuy nhiên, khoản đầu tư này chỉ có ý nghĩa khi người học nắm được kỹ năng nghề, được tuyển dụng làm đúng ngành, nghề đã được đào tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường. Hơn lúc nào hết, các cơ sở dạy nghề (CSDN) muốn tồn tại, phát triển cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thị trường.
Ðể đào tạo sát với thực tiễn, các CSDN tích cực, chủ động tìm hiểu nhu cầu về lao động của doanh nghiệp, nhiều CSDN thành lập bộ phận quan hệ với doanh nghiệp và thị trường để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường, từ đó có dự báo đào tạo, xây dựng nội dung đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề, có thể đáp ứng đến từng vị trí công việc.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã hình thành các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho chính tập đoàn, doanh nghiệp của mình, cũng là để gắn kết quá trình đào tạo và quá trình sản xuất. Cách làm này huy động được những lao động giỏi, kỹ sư giỏi truyền đạt những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, nhất là những kinh nghiệm giải quyết các tình huống lao động để học sinh ra trường có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Nhưng nhìn chung, hình thức "dạy chay", nặng về lý thuyết, ít thực hành tồn tại khá phổ biến trong không ít CSDN, chưa tận dụng được máy móc, thiết bị của nhà máy phục vụ cho hoạt động thực hành. Doanh nghiệp chưa coi đầu tư cho dạy nghề là khoản đầu tư chiến lược, cả nước mới có gần 300 CSDN thuộc doanh nghiệp, chiếm khoảng 24% tổng số CSDN. Không ít CSDN không được đầu tư thiết bị thực hành, duy trì tình trạng "có gì dạy nấy". Nhiều nơi, cung cầu chưa thật sự tiếp cận được với nhau, còn nhiều người phải làm trái ngành nghề được đào tạo hoặc không tìm được việc làm, một số CSDN bị động, cố gắng duy trì bộ máy trông chờ ngân sách Nhà nước…
ÐỂ nâng cao chất lượng dạy nghề, tránh lãng phí cho Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần đề ra các biện pháp quyết liệt nhằm hình thành được thị trường đào tạo nghề; đề ra các chính sách ưu tiên thiết thực đối với các doanh nghiệp tự đào tạo nghề; kiên quyết sáp nhập, giải thể các CSDN không đủ năng lực đào tạo; tham mưu với Chính phủ đổi mới cơ chế quản lý các CSDN; phối hợp với Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các bộ, ngành phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề, tránh chồng chéo; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành nghề mũi nhọn; chú trọng hiệu quả sau đào tạo; tiếp tục đề ra các biện pháp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm.
Theo HÀ HỒNG HÀ
(laodong)
Bình luận (0)