Ngày 29-3, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC.
Về hoạt động của Chính phủ, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ có nhiều nguyên nhân mà không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ. Lấy ví dụ về bộ máy Nhà nước và biên chế kể cả của các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách Nhà nước không giảm mà phình ra. Theo ĐB Đương nguyên nhân do chính các luật về tổ chức cơ quan bộ máy gây ra. Riêng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ước tính tạo ra gần 22.000 biên chế hoạt động tại HĐND các cấp. Do đó, mục tiêu giảm biên chế không thể đạt được. Nguyên nhân tiếp theo là trong tổ chức thực hiện, theo báo cáo hàng năm của cơ quan bộ ngành địa phương, chỉ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ… “trong khi đó dư luận cứ râm ran cho rằng 1/3 cán bộ không hoàn thành việc, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” – ĐB Đương nêu. Với tinh thần phải suy nghĩ lại một cách quyết liệt, ĐB đưa ra các giải pháp như phải cắt giảm tổ chức bộ máy bằng luật pháp; nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền để nói đi đôi với làm, tránh nói một đằng làm một nẻo và sợ trách nhiệm. Đồng thời giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức hoạt động bằng ngân sách Nhà nước bằng cách hợp nhất hóa họ lại với các phạm vi hoạt động giống nhau, bớt tầng lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào. ĐB Đương cũng đề cập gay gắt đến nạn chạy chức chạy quyền mà cử tri cả nước bấy lâu nay đặt nhiều câu hỏi. Nạn chạy chức chạy quyền không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng. Do đó, ĐB mong muốn Bộ Chính trị sẽ đưa ra quyết sách tấn công với nạn mua bán chức quyền như tấn công tội phạm.
Đối với nhiệm vụ của Chủ tịch nước, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng: Theo đánh giá của cử tri cả nước, Chủ tịch nước là người gương mẫu trong lối sống, trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, làm việc không mệt mỏi cho dân, cho nước. ĐB Nghĩa đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước với vai trò nguyên thủ quốc gia phải đóng góp nhiều mặt hơn trong nhiệm vụ của Nhà nước, đặc biệt là quốc phòng, ngoại giao và có vai trò đặc biệt trong kiểm soát quyền lực.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng đánh giá cao vai trò của Chủ tịch nước trong thực hiện nhiệm vụ và vai trò nêu gương trước Đảng, Nhân dân. Tuy nhiên, như Chủ tịch nước đã nhận khuyết điểm, với cương vị của người đứng đầu Nhà nước, những đóng góp và kết quả chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội chưa thể hiện rõ, nhất là việc ký các hiệp định vay nợ quốc tế và giám sát sử dụng nguồn vay thế nào cho hiệu quả để tác động trở lại việc phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an toàn nợ công và trả nợ quốc gia. Thứ hai là vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang được ghi trong Hiến pháp, nhưng thực tế mới thể hiện rõ ở phong, thăng, giáng chức tước, quân hàm, quân hiệu. Còn với việc xây dựng lực lượng, đề nghị quyết định về đầu tư nguồn lực tài chính, trang bị thiết bị kỹ thuật phục vụ quốc phòng an ninh chưa rõ. ĐB kiến nghị, Quốc hội nhiệm kỳ tới phải tập trung, hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước, có quy định thể hiện tinh thần của Hiến pháp để Chủ tịch nước thực hiện đúng, đầy đủ trọng trách của người đứng đầu Nhà nước, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)