Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tự tạo cơ hội: Làm giàu nhờ nuôi tôm hùm

Tạp Chí Giáo Dục

Từ một thanh niên nghèo, anh Võ Văn Thạch (30 tuổi, ở khu phố Long Bình Đông, P.Xuân Phú, TX.Sông Cầu, Phú Yên) đã giàu lên nhờ nuôi tôm hùm.
Mới đây, anh vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của – giải thưởng của Trung ương Đoàn dành cho các nhà nông trẻ giỏi trong toàn quốc.
Khởi nghiệp từ vốn vay 15 triệu đồng
Thạch bắt đầu khởi nghiệp với vốn vay ít ỏi (15 triệu đồng) từ Ngân hàng Chính sách xã hội vào năm 2008 và được cha mẹ hỗ trợ 200 con tôm hùm giống. Anh bắt đầu đầu tư lồng bè để nuôi. Lần đầu nuôi tôm hùm, anh Thạch cũng phập phồng trong lòng nhưng nhờ cha anh đã có kinh nghiệm truyền lại nên vụ đầu sau 18 tháng nuôi anh lãi 120 triệu đồng. “Tôi dùng cả vốn, lãi đầu tư vào nuôi vụ tiếp theo với số lượng 620 con tôm hùm giống. Riêng vụ đó, tôi lãi 600 triệu đồng. Lãi cao là nhờ giá tôm hùm thịt tăng mạnh”, Thạch thổ lộ. Với cách làm như vậy, trong vụ tôm năm 2014 – 2015, Thạch đã có số vốn và lãi hơn 3 tỉ đồng.
Anh Võ Văn Thạch - Ảnh: Đức Huy

Anh Võ Văn Thạch – Ảnh: Đức Huy

Bước vào vụ tôm năm 2015 – 2016, Thạch đã đầu tư 120 lồng nuôi với 3.000 con tôm hùm sao và 5.000 con tôm hùm xanh. Thạch chia sẻ: “Nuôi nhiều nên chăm sóc cũng mất khá nhiều thời gian. Mỗi khi cho tôm ăn, tôi phải kiểm tra, thu gom thức ăn thừa để tránh làm ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh. Nhờ vậy, hiện nay con tôm đang phát triển tốt, có con đã được 0,5 kg”.
Đột phá
Theo anh Thạch, lâu nay người nuôi tôm ở TX.Sông Cầu sử dụng con giống tại chỗ do ngư dân địa phương đánh bắt. Tôm hùm giống địa phương chất lượng cao nhưng nguồn giống khá bấp bênh. Để mua đủ số lượng tôm giống nuôi thì thời gian nuôi kéo dài. Thế nên, anh nảy sinh suy nghĩ là mua tôm hùm giống từ Philippines về để ương nuôi.
Thạch cho biết, giá tôm hùm giống từ Philippines chừng khoảng 170.000 đồng/con, rẻ chỉ bằng 1/3 giá tôm hùm giống do ngư dân địa phương đánh bắt. Anh chia sẻ kỹ thuật ương nuôi tôm hùm giống ngoại nhập: “Tôm hùm giống từ Philippines tương đối nhỏ, chỉ bằng cây tăm nhang nên dễ bị chết. Để giảm hao hụt, ban đầu khi mới mua về tôi thả tôm vào lồng lưới nuôi ủ ở độ sâu 3 m. Trong quá trình ương nuôi giống, mỗi tháng phải làm vệ sinh, phơi nắng lồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Khi tôm được ương nuôi đến tháng thứ 6 thì mới tách lồng, nuôi tôm thịt cho đến khi xuất bán”.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh Thạch còn giúp đỡ các thanh niên địa phương làm kinh tế bằng nuôi tôm hùm thương phẩm, giúp họ thoát nghèo. Nhiều người làm thuê cho anh Thạch, sau đó được anh giúp đỡ vốn, con giống nên ra làm ăn riêng, cuộc sống của họ khấm khá hơn. Điển hình như anh Lê Văn Nhựt (ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, TX.Sông Cầu) đã thu lãi vụ nuôi đầu hơn 75 triệu đồng. Hay như anh Phạm Văn Thạch (cũng ở thôn Dân Phú 2) được anh Thạch cho mượn 200 con tôm hùm giống để nuôi, qua một vụ nuôi đã có lãi được 40 triệu đồng.

Đức Huy (TNO)

 

Bình luận (0)