Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Cần sớm xây dựng đề án học phí mới

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc họp với Hội Khuyến học Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã thừa nhận: “Lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân”. “Lạm thu” cũng đã làm “nóng” phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội. Vì sao lại có “lạm thu”, có thể khắc phục được tình trạng “lạm thu” hay không? Đó là một trong những vấn đề mà cả xã hội hiện đang quan tâm.

Giờ học môn Tin học của học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang. Ảnh: Minh Trường
 Nhà trường: Không “lạm thu”, không thể… tồn tại
Điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ: “Trong nhà trường, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”. Thế nhưng, “trên thực tế, có “đốt đuốc” cũng không tìm đâu ra trường chỉ thu đúng hai khoản này. Không “lạm thu”, nhà trường không thể tồn tại”- Một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã khẳng định với tôi như vậy. Trong năm học 2011-2012 này, các trường trên địa bàn Hà Nội (cũ) vẫn áp dụng mức thu đầu năm học theo quy định tại Quyết định 73/2000/QĐ-UB ngày 16-8-2000 của UBND thành phố Hà Nội, trong khi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000 đến nay đã tăng lên rất nhiều.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa với Hiệu trưởng, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường trên địa bàn quận mới đây, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Phụng,  Hà Anh Toàn đã thẳng thắn nêu ví dụ: Trường của ông được ký hợp đồng với người bảo vệ, mức lương theo quy định của quận là 1.095.000đ/tháng, hợp đồng với lao công mức lương 800.000đ/tháng. Với mức lương này, ông Toàn cho rằng, không thể tìm được ai đến làm việc tại trường. Vì thế “nhà trường phải tìm từ nguồn khác bù vào”.
Thực tế tại các trường học hiện nay, có rất nhiều khoản “lạm thu” đã được “lách luật”, chẳng hạn như đối với các trường có “tên tuổi”, học sinh vừa nộp đơn xin cho con vào học đã thấy xuất hiện các khoản “đóng góp tự nguyện”, “đóng góp trái tuyến”, “tiền ủng hộ nhà trường”… các trường càng nổi tiếng, số tiền đóng góp càng nhiều. Rồi rất nhiều khoản “tự nguyện” khác do nhà trường đưa ra như học phí trái buổi; học phí tăng tiết; học phí môn tăng cường; học phí môn năng khiếu; học phí môn tự chọn, học phí lớp chất lượng cao, tiền vệ sinh, phô-tô tài liệu, giấy thi,…
Ban đại diện cha mẹ học sinh: Không “lạm thu”, không… được
Trường THCS Nguyễn Trường Tộ là trường chất lượng cao của quận Đống Đa thu nhận tất cả học sinh được giải trong các kỳ thi học sinh giỏi lớp 5 của quận Đống Đa và thành phố Hà Nội, chính vì thế, học sinh của trường phần lớn ở địa bàn rất xa trường. Theo quy định, học sinh THCS phải “thay phiên nhau làm vệ sinh lớp học”, điều này áp dụng ở trường là không thể được vì các cháu ở xa không thể đến sớm và mang theo chổi. Vì thế, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đã phải “lách luật” thu tiền của cha mẹ học sinh để thuê người quét lớp. Ông Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường phân trần: “Không “lạm thu”, không…được”.
Theo quy định tại Văn bản số 5584/BGĐT-KHTC ngày 23-8-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh “không được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường”. Thế nhưng trên thực tế, phần lớn quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn để dùng vào các công việc nêu trên. “Quỹ cha mẹ học sinh không để hỗ trợ việc dạy và học thì để làm gì ?” – Một trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của một trường THCS thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) đã đặt câu hỏi như vậy trong cuộc họp giữa lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận với Hiệu trưởng và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của các trường trên địa bàn.
Cũng tại cuộc họp nói trên, rất nhiều Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của quận đã đề nghị phải tổ chức cho học sinh và phụ huynh học sinh gửi xe có thu tiền. Đây cũng là khoản “lạm thu”, nhưng “không “lạm thu”, không được vì nếu không gửi xe, ghi vé, mất xe, ai chịu trách nhiệm” – Bà Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non Tuổi Hoa bức xúc.
Tuy nhiên, trên thực tế, có những khoản chi của quỹ cha mẹ học sinh rất vô lý, chẳng hạn như có trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây… tường rào nhà trường; mua cây cảnh…
“Lạm thu” từ giáo viên
Công bằng mà nói, giáo viên có quyền dạy thêm vì đây là lao động chính đáng của họ. Nhưng điều đáng bàn là việc giáo viên dạy thêm chính học sinh học chính khóa của mình. Nhiều quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các sở Giáo dục và Đào tạo đã cấm việc này. Điều 75 Luật Giáo dục cũng ghi rõ cấm giáo viên có hành vi “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Thế nhưng, trên thực tế, các lớp học thêm được tổ chức “hoàn toàn tự nguyện”. Học sinh cũng muốn học, phụ huynh cũng muốn con mình được học chính thầy đã dạy chính khóa bởi rất nhiều “lý do tế nhị”. Quan niệm “thi gì, học nấy” càng kích thích học sinh và phụ huynh cho con học thêm. Ở nhiều trường, nhiều khi các khoản “đóng góp tự nguyện” được các thầy giáo, cô giáo “gợi ý”.
Còn rất nhiều các khoản “lạm thu biến tướng” trong nhiều trường mà ai cũng biết, đó là khoản “hoa hồng” may đồng phục của học sinh, các khoản “bồi dưỡng” khi ký hợp đồng nước uống, hợp đồng ăn bán trú…
Theo báo cáo mới đây của Ban Dân nguyện của Quốc hội: Hiện nay ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, ở các trường phổ thông, nhất là ở thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường, lớp học, mua học cụ, mua đồ chơi… Việc thu, chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh.
Có thể ngăn chặn tình trạng “lạm thu” được không?
Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm. Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "lạm thu" và việc sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; đồng thời tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, mẫu giáo, hỗ trợ đối với giáo viên; tổng kết thực tiễn việc thu chi học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản đóng góp khác ngoài học phí, trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục.
Theo giáo sư, tiến sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, để giải quyết tình trạng “lạm thu” phải bầu Ban phụ huynh độc lập, không được do nhà trường giới thiệu, các khoản thu phải bỏ phiếu kín, không nên có người áp đặt để các phụ huynh khác lo ngại.  "Luật Giáo dục quy định ngoài khoản học phí thì không phải đóng khoản nào khác, nhưng Bộ Giáo dục lại nói các khoản thu thêm để trang bị máy vi tính, điều hòa… nếu là tự nguyện thì chúng tôi đề nghị phải có cơ chế quy định rõ ràng chứ không áp đặt" – Giáo sư Đào Trọng Thi nêu ý kiến.
Để chấm dứt tình trạng "lạm thu", theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, cần xây dựng đề án học phí mới theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ. Theo đó, học phí sẽ bao gồm luôn cả tiền điện, nước, vệ sinh, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất… trong suốt năm học, phụ huynh sẽ không phải đóng góp gì thêm. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các trường, gắn trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với việc tổ chức thu, chi tài chính của các trường.
Theo Đỗ Phú Thọ
(QĐND)

Bình luận (0)