Trước tình hình nước lũ tiếp tục dâng cao, gần 300 trường học ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long phải đóng cửa. Những trường còn hoạt động, do thiếu áo phao, nhiều học sinh phải dùng can nhựa bơi đến trường tìm con chữ.
Học sinh Trường THCS Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang được đưa đón đến trường.
|
Đến trường bằng can nhựa
Theo chỉ dẫn của Phòng GD-ĐT huyện An Phú, tỉnh An Giang, chúng tôi tìm đến Trường THCS xã Phú Hội, huyện An Phú là một trong những trường bị ảnh hưởng nặng bởi lũ tại tỉnh An Giang.
Để đến trường này, từ trung tâm huyện An Phú, phải vượt hàng chục cây số đường đê bao và qua mấy lần đò. Toàn bộ đường đi xung quanh trường đều bị ngập sâu, sân trường cũng ngập gần nửa mét. Các thầy cô trong trường và phụ huynh phải hì hụp đắp bờ bao xung quanh trường để bơm nước ra.
Để đến trường này, từ trung tâm huyện An Phú, phải vượt hàng chục cây số đường đê bao và qua mấy lần đò. Toàn bộ đường đi xung quanh trường đều bị ngập sâu, sân trường cũng ngập gần nửa mét. Các thầy cô trong trường và phụ huynh phải hì hụp đắp bờ bao xung quanh trường để bơm nước ra.
Thầy Lê Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hội, cho biết: Mặc dù nước dâng cao, ngập cả sân trường nhưng theo chỉ đạo của sở, ban giám hiệu vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Hiện trường phải tổ chức phương tiện đưa đón 117 em ở xa. Số còn lại nhà ở cụm tuyến dân cư vượt lũ nên các gia đình tự đưa đón các em. Để đảm bảo an toàn, giờ tan học trường đều phân công giáo viên trực ở các điểm đưa đò để nhắc nhở các em mặc áo phao, những em chưa có thì sử dụng can nhựa…
Theo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có trên 4.000 học sinh phải đi học bằng đò, tập trung nhiều tại huyện An Phú, thị xã Tân Châu, Châu Đốc; trong đó, huyện An Phú, nơi có nhiều học sinh bị ảnh hưởng nhất. Ông Doãn Bình Lâm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện An Phú cho biết, tính đến ngày 11-10 toàn huyện có gần 3.700 học sinh phải đến trường bằng đò, tập trung tại các xã Khánh An và Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông, Vĩnh Lộc, Phú Hội, Vĩnh Hậu, Đa Phước…
Mặc dù hầu hết các trường học đều tổ chức phương tiện đưa rước học sinh, song cái khó hiện nay là thiếu phao cứu hộ trang bị cho học sinh. Trong tổng số trên 4.000 học sinh đi học bằng đò ở An Giang, hiện mới có trên 2.200 áo phao, cặp phao phát cho các em…
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, nói thêm, do nhu cầu nhiều nên mấy tuần qua trên thị trường đã khan áo phao. Tỉnh đã phải đặt hàng các cơ sở sản xuất thêm 2.000 cái, dự kiến trong tuần này sẽ đưa về các trường trang bị đủ cho học sinh. Hiện An Giang đã chi trên 1 tỷ đồng để thuê mướn phương tiện đưa đón học sinh đến trường an toàn.
Gần 90.000 học sinh nghỉ học
Trong khi ở An Giang, các trường học vẫn đang ra sức duy trì hoạt động thì tại Đồng Tháp những ngày qua hầu hết các điểm trường bị ngập trên địa bàn các huyện đầu nguồn như: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười đều đã tạm nghỉ; trong đó có một số trường vẫn khô ráo. Theo lý giải của ngành giáo dục, tuy các điểm trường không ngập nhưng có nhiều học trò ở xa, phải đi học bằng đò nên ngành giáo dục thống nhất cho nghỉ để đảm bảo an toàn.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có 229 trường học phải tạm ngưng hoạt động, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học là 138 trường. Tổng số học sinh phải nghỉ học ở Đồng Tháp hiện đã gần 90.000 em.
Theo ông Hồ Văn Thống, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp có công văn gửi các phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố, các trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học tại những điểm trường bị ngập, đường đi đến trường không đảm bảo an toàn và khó khăn…
Tại An Giang, chủ trương của ngành giáo dục vẫn là cố gắng duy trì các lớp học. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết rút kinh nghiệm từ năm 2000, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cho đôn cao toàn bộ nền trường học trên địa bàn, nhờ vậy dù nước lũ dâng cao, đường đi lại xung quanh đều ngập, nhưng phần lớn các điểm trường không bị ngập, chỉ một số ít bị ngập phần sân trường. Do vậy, chỉ cần đảm bảo việc đi lại cho học sinh tốt là có thể duy trì được hoạt động, thay vì phải nghỉ 2-3 tháng mùa lũ.
Tuy nhiên, trong vài ngày tới, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cũng đã có văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT, giao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng quyết định để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo Đình Tuyển
(SGGP)
Bình luận (0)