Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Làm hồ sơ xin học bổng: Đừng để sai vì những lỗi ngớ ngẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Đại diện một trường ĐH ở Úc đang cung cấp thông tin học bổng du học Úc cho các bạn trẻ. Ảnh: N.Anh

Tháng 10 và 11 là thời điểm các bạn trẻ có ý định du học chuẩn bị hồ sơ xin học bổng nộp vào các trường ĐH trên thế giới. Đây được xem là khâu đầu tiên quyết định thành bại của một du học sinh trước khi bước ra thế giới bên ngoài.

Theo Trần Thu Ngân, du học sinh đang học tại Trường ĐH Copenhagen (Đan Mạch), bộ hồ sơ là tất cả những gì bạn có thể làm để “chào” bản thân với các trường ĐH và ban xét duyệt học bổng; thành hay bại đa phần từ nó mà ra và đôi khi chỉ một sai lầm nhỏ khi chuẩn bị có thể dẫn đến sự nuối tiếc rất lớn về sau.

Chớ tham “săn sắt” mà bỏ “cá rô”

Thu Ngân nhìn nhận, một trong những lỗi lớn của nhiều bạn trẻ khi xin học bổng là… ngại nộp hồ sơ vào những trường có thu phí xét tuyển và không hoàn trả dù kết quả có như thế nào. Vì số tiền phải nộp khá cao, nên không ít bạn ngay từ đầu đã không nộp hồ sơ xin học bổng SI (Swedish Institute – học bổng Chính phủ Thụy Điển) do phí hồ sơ gần 9 triệu đồng hoặc một số trường ở Úc có mức phí hồ sơ từ 100-150 đô la Úc. “Số tiền này tuy không lớn, nhưng nếu vì tiếc tiền, bạn sẽ bỏ qua nhiều cơ hội vì học bổng của Chính phủ Thụy Điển đa phần đều từ các trường ĐH có tiếng, lên tới mấy chục ngàn Euro/năm. Điều này cũng tương tự với học bổng của Úc, thậm chí một số trường tại Úc còn hoàn lại tiền phí hồ sơ nếu xin được học bổng. Và nếu như lỡ không xin được thì theo tôi, đây cũng không phải là giá quá đắt để cho bạn có được những kinh nghiệm đầu đời”, Thu Ngân phân tích.

Tuy nhiên, không tiếc tiền không có nghĩa là nên “đầu tư” vào các công ty tư vấn du học với lời hứa hẹn xin được học bổng vì những dạng học bổng do các công ty du học “vẽ” ra thường rất dễ xin, không nhiều hoặc từ những ngành ít có người học. Ngoài ra, nếu biết cân nhắc, suy tính, bạn sẽ vẫn có cách tiết kiệm khoản phí xét tuyển. “Tại Mỹ, chi phí xét tuyển mỗi trường từ 35-70 USD, nếu nộp 7-8 trường thì đây không phải là khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên, một số trường sẽ có chính sách miễn, giảm lệ phí cho sinh viên quốc tế theo từng thời điểm. Ví dụ: Messiah College ở Pennsylvania miễn mức phí nộp hồ sơ cho đến ngày 15-11 mỗi năm – thời điểm trước kỳ nghỉ lễ ở Mỹ. Từ giữa tháng 11 trở đi, ứng viên phải tốn 20 USD chi phí để áp dụng cho hồ sơ nộp trực tuyến và 30 USD nếu nộp hồ sơ giấy. Trường Albright College ở Pennsylvania miễn phí nộp hồ sơ cho những sinh viên truy cập và nộp hồ sơ trên website của trường. Thời điểm giữa tháng 11 cũng là lúc hàng chục trường ĐH ở bang North Carolina có chính sách miễn phí nộp hồ sơ trong một tuần cho những ứng viên đầu tiên nộp đơn. Ngoài ra, có nhiều trường áp dụng hình thức nộp đơn trực tuyến để thu hút sinh viên và cắt giảm chi phí cho công việc nội bộ, như ĐH Ohio Wesleyan, Charleston, West Virginia, New Jersey, Ohio…”, Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên ngành tài chính và kinh doanh quốc tế Trường ĐH Umass Dartmounth, cho biết.

Không đợi “nước đến chân mới nhảy”

Bộ hồ sơ là tất cả những gì bạn có thể làm để “chào” bản thân với các trường ĐH và ban xét duyệt học bổng; thành hay bại đa phần từ nó mà ra…

Thu Ngân cho biết nhiều bạn đánh mất cơ hội do nộp hồ sơ trễ, nguyên do là các trường này chỉ chấp nhận nộp hồ sơ qua đường bưu điện. “Do tâm lý nghĩ thời gian chuẩn bị còn dài nên nhiều bạn rất “đủng đỉnh”, chờ đến khi cận kề hạn chót mới gửi hồ sơ. Nếu chẳng may thiếu một vài giấy tờ và trường yêu cầu phải bổ sung gấp bạn sẽ lại phải tốn thêm một lần gửi chuyển phát quốc tế với mức phí đắt đỏ. Đó là chưa kể việc giấy tờ tới muộn, bạn sẽ bị lỡ cơ hội nộp hồ sơ xin học bổng. Do đó, kinh nghiệm rút ra là đừng bao giờ chờ đến sát hạn chót mới nộp đối với các loại hồ sơ bằng giấy tờ”, Thu Ngân nói.

Ngoài ra, có khá nhiều học bổng ở các nước châu Âu yêu cầu phải có giấy nhập học của trường như Chevening (Anh), EBF (Groningen, Hà Lan), SI (Thụy Điển), Endeavour (Úc)… Đa phần các trường đều xét hồ sơ xin nhập học và cấp giấy nhập học rất nhanh. Cũng chính vì điều này mà nhiều bạn rất chủ quan, chỉ xin giấy nhập học 1-2 tháng trước hạn chót của học bổng, hậu quả là bạn sẽ bị vuột mất cơ hội hoặc lợi thế nộp học bổng nếu trong trường hợp không nhận được giấy nhập học đúng hạn, hoặc trường yêu cầu bổ sung giấy tờ. Vì vậy, cũng như trên, bạn nên xin giấy nhập học càng sớm càng tốt (tốt nhất là trên 3 tháng trước hạn nộp học bổng) và nên tránh các giai đoạn cao điểm như thời điểm trường nghỉ Giáng sinh cuối tháng 12, đầu tháng 1; lễ Phục sinh (tháng 4) hoặc tháng 7, 8 lúc trường có nhiều hồ sơ cần giải quyết.

Linh Vy (ghi)

Cẩn thận với những tiểu tiết nhỏ nhặt

Thu Ngân cho biết, sự thiếu cẩn thận khi làm hồ sơ đôi lúc là một lỗi “chết người” mà nhiều bạn gặp phải. “Tôi từng có giai đoạn làm cộng tác cho phòng tuyển sinh khóa học thạc sĩ của trường. Có lần, ông chuyên viên phòng tuyển sinh đọc một đoạn từ SoP (Statement of Purpose – bài luận về mục đích và nghề nghiệp của sinh viên khi xin học bổng – PV) của ai đó “I am confident that I deserved to receive the scholarship from you (Tôi tin rằng tôi xứng đáng được nhận học bổng của tổ chức)…”, trong khi đó đây lại là đơn xin nhập học chương trình thạc sĩ nên ông này tiếp luôn “but you are applying for the master program in our institute… no sorry you do not deserve anything!”. Khi mà ai đó phải đọc cả trăm hồ sơ, họ trở nên vô cùng nhạy cảm với những tiểu tiết nhỏ nhặt theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Vì vậy, trước khi gửi hồ sơ đi, bạn nên cẩn thận kiểm tra kỹ tất cả các tình tiết trong hồ sơ. Mọi thứ phải thật sự thống nhất từ CV (lý lịch), LoR (thư giới thiệu), đến SoP; phải đảm bảo tên trường, tên học bổng trùng khớp; SoP phải viết đúng về ngành/trường đang xin…”, Thu Ngân cho hay. 

 

Bình luận (0)