Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mô hình VNEN: Học sinh phát triển toàn diện các kỹ năng

Tạp Chí Giáo Dục

Tiết học theo mô hình VNEN của cô – trò lớp 3/1 Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3

Mặc dù mới áp dụng toàn phần mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) hơn một năm ở khối 2 và khối 3 nhưng thói quen học tập của học sinh (HS) Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thay đổi. Theo đó, các em chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức thông qua tài liệu hướng dẫn, mạnh dạn, tự tin phát biểu…

HS tích cực, năng động

Bắt đầu cho buổi học mới, Ban đối ngoại lớp 2/2 thực hiện vai trò chỉnh đốn tác phong, nề nếp và giới thiệu về buổi học. Sau đó Ban văn nghệ bắt nhịp một bài hát khuấy động không khí để tiết học nhẹ nhàng hơn. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, Chủ tịch hội đồng quản trị điều khiển tiết học rất linh hoạt. Các ban học tập, quyền lợi, sức khỏe – vệ sinh, văn nghệ – thể dục, thư viện, đối ngoại tích cực xây dựng bài.

Cô Đặng Thị Minh Trí, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2, chia sẻ: “Trước kia HS nghe giáo viên giảng bài rồi phát biểu ý kiến nên việc tiếp thu kiến thức khá thụ động. Tuy nhiên, bằng phương pháp học mới, các em đã có sự chủ động, tự giác nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức thông qua tài liệu. Ngoài ra các em còn xây dựng được tinh thần hợp tác, tích cực trao đổi bài vở mà ít cần đến sự nhắc nhở của giáo viên.

Tại lớp 3/1 (năm thứ 2 thực hiện mô hình), Trần Nguyễn Nhật An, Chủ tịch hội đồng quản trị, tỏ ra thuần thục đọc các lệnh và hoạt bát trong tổ chức mọi hoạt động. Nhật An biết bắt đầu, kết thúc hành động đọc lệnh như thế nào và làm tốt cầu nối chuyển tải hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm đến các ban, cũng như hướng dẫn các ban tổ chức môn học. Không khí học tập tại lớp 3/1 diễn ra sôi động, thân thiện. Theo cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 3/1, thông qua nhiều hoạt động, HS đã năng động, tự tin hơn trong học tập, nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Các em thực hiện tốt công tác phối hợp trong nhóm để phát hiện kiến thức mới, biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Riêng những HS đảm nhận vai trò chủ tịch hội đồng hay nhóm trưởng thì luôn có trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Có thể thấy hình thức “trao quyền” chủ động học tập, môi trường học tập dân chủ đã giúp HS cảm thấy thoải mái, thích thú, dần đạt được những phẩm chất, năng lực cần thiết và thành tích vượt trội”, cô Thanh Thủy cho biết.

Chú trọng những bước đầu tiên

Mô hình VNEN được Trường Tiểu học Tân Quý Tây 3 tổ chức luôn đảm bảo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm. Năm học 2014-2015, trường áp dụng toàn phần khối 2, năm học này là khối 3. Các khối còn lại thực hiện từng phần và tiếp tục thực hiện toàn phần ở những năm học tới.

Ban văn nghệ khuấy động không khí để tiết học nhẹ nhàng hơn

Thời gian đầu áp dụng mô hình, nhà trường chú trọng xây dựng hội đồng tự quản HS, phát huy vai trò lãnh đạo của chủ tịch hội đồng, các nhóm trưởng. Còn đội ngũ giáo viên linh động trong khâu tổ chức, thực hiện và tham gia dự giờ để học hỏi, rút kinh nghiệm.

Năm học 2014-2015, toàn thành phố có 52 trường tiểu học thực hiện toàn phần mô hình VNEN, 104 trường thực hiện từng phần. Năm nay có đến 62 trường đăng ký toàn phần và từng phần là 223 trường.

Cô Minh Trí cho biết: “Các lớp mới làm quen mô hình dễ gặp khó khăn. Nguyên nhân vì HS chưa quen dẫn đến đọc không tốt các lệnh. Một số hội đồng tự quản chưa phát huy hết vai trò quản lý lớp, các nhóm trưởng chưa mạnh dạn triển khai hoạt động và thiếu tự tin… Việc xem xét HS có đủ năng lực dựa trên tìm hiểu của giáo viên và sự góp ý của HS để bình bầu các em vào hội đồng là hết sức quan trọng, nhất là chủ tịch hội đồng. Bởi HS nào giữ vai trò này sẽ điều khiển mọi hoạt động, là cầu nối gắn kết giáo viên với HS, HS với HS, góp phần tạo nên thành công của mô hình. Ngoài ra, các trường nên trang trí lớp học theo hướng “môi trường học thân thiện, HS tích cực”, thực hiện công cụ VNEN phục vụ giảng dạy, nghiên cứu lựa chọn hình thức phù hợp nhất cho từng đối tượng HS. Đặc biệt, cần khuyến khích phụ huynh cùng tham gia xây dựng sơ đồ cộng đồng để hiểu rõ hơn về mô hình, mục tiêu giáo dục con em mình đang tham gia. Giữa nhà trường và gia đình có sự gắn kết chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin thì việc dạy học, giáo dục HS sẽ tốt hơn”.

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Tự hào để làm tốt trách nhiệm

Thầy Nguyễn Đình Chiến, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng danh xưng chủ tịch hội đồng không tạo ra những tư tưởng chức, quyền trong suy nghĩ của HS. Thay vào đó, các em đảm nhiệm chức danh này cảm thấy tự hào vì được bạn bè tín nhiệm, bình bầu và luôn nỗ lực làm tốt trách nhiệm. “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho nhiều HS được giữ vai trò này để có sự trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng”, thầy Chiến cho biết.

 

Bình luận (0)