Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Pê-đê” mà đi học

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là câu chuyện trong năm học 1996-1997, tôi chủ nhiệm lớp 5A.

Tiết học đầu tiên, đặt câu hỏi, thấy một em xung phong, tôi cười: “Cô mời bạn nam giơ tay đầu tiên!”. Cậu học sinh trả lời đúng, là buổi học đầu, muốn khuyến khích các em nên tôi ghi điểm. Nhìn vào sổ đầu bài, tôi hỏi: “Em nam vừa rồi tên gì?”, vừa dứt câu, cả lớp cười ồ nói: “Bạn ấy tên Nam nhưng không phải con trai đâu cô!”.

Những tiết học sau, hễ mỗi lần tôi gọi em đứng dậy thì các bạn trong lớp nói: “Chuẩn bị bả đỏ mặt, õng ẹo làm duyên kìa!”. Tôi lặng lẽ quan sát thì thấy em có những biểu hiện rất nữ tính: Để tóc lòe xòe, thi thoảng đưa tay điệu đà hất ngược ra sau, đi đứng ẻo lả, đỏ mặt mỗi lần nói chuyện với một bạn nam. Mấy bạn trong lớp trêu “Bà Nam lớp mình nữ tính ác!”, có đứa nói huỵch toẹt: “Đồ pê-đê!”. Mỗi lần bị trêu như vậy, em hét to: “Pê-đê thì đã sao? Có ảnh hưởng gì tới tụi mày không? Đứa nào giỏi thì làm pê-đê như tao đi!”.

Rồi Nam vắng học không phép ba ngày liền. Tôi tìm đến nhà thì gặp mẹ em. Tôi hỏi bà: “Em Nam nghỉ học mấy ngày liền không phép tắc. Có chuyện gì thế ạ?”. Mẹ em cho biết: “Cách đây mấy hôm, có đoàn lô tô về, người ta thông báo cần tuyển thêm người. Nam nằng nặc xin đi. Nó bảo tới trường mắc cỡ lắm, đứa nào cũng trêu”.

Mẹ em nói xong thì gọi em lên cho tôi bảo ban. Tôi hỏi em: “Em học khá, tại sao lại thích nghỉ học theo đoàn lô tô?”. Nam trả lời không chút đắn đo: “Dạ, vì ở đó pê-đê nhiều, em sẽ có bạn!”. “Ở trường em cũng có bạn mà?”, tôi nói. “Các bạn chỉ chế giễu em thôi! Có bạn nói, pê-đê mà bày đặt đi học!”, Nam bày tỏ.

Tôi phân tích cho em hiểu: “Trường học là của tất cả học sinh chứ không của riêng một bạn nào. Em không được tự ti với hình hài của mình. Hãy yêu quý, trân trọng những gì thuộc về em. Em không có lí do để che đậy, để mắc cỡ hay tự cô lập mình với các bạn mà cứ sống như một “cô nàng”, cứ đỏ mặt, cứ mắc cỡ, cứ dịu dàng… Người ta chỉ coi khinh những kẻ xấu xa, độc ác chứ không ghét bỏ những người ở thế giới thứ ba như em. Em hãy cứ học giỏi, cứ vui chơi lành mạnh, cứ tự nhiên kết bạn. Giới tính nào cũng được tôn trọng em à!”…

Ngày hôm sau, em đến trường. Tiết sinh hoạt chủ nhiệm tuần đó, tôi nhìn xuống lớp bằng ánh nhìn nghiêm nghị, sau đó mỉm cười nói: “Có bao giờ các em có ước mơ, giá em là một đứa con trai hay một cô gái không?”. Sau câu hỏi đó, lớp học lao xao liền. Có em nói “Mình thích làm con trai!”, có em bảo “Mình thích làm con gái!”, tôi để yên cho các em tự do trao đổi lí do vì sao lại chọn giới tính “nam”, “nữ”. Sau đó tôi đưa tay ra hiệu im lặng. Chờ cho cả lớp thật nghiêm túc, tôi chậm rãi nói như muốn các em thuộc từng từ: “Có em nào thích làm pê-đê không?”. Cả lớp im phăng phắc, tôi nói tiếp: “Pê-đê cũng là người, sao các em không thích?”. Cả lớp gần như đồng thanh: “Không ai chơi với pê-đê ạ!”. Tôi giải thích: “Pê-đê cũng là con người, như các em, như cô, như tất cả chúng ta nhưng các em thấy không, trên đời này, nếu được quyền chọn giới tính cho mình, không một ai thích làm pê-đê. Khi các em không thích một điều gì thì đừng làm điều ấy với bạn của mình. Các em không thích làm pê-đê, sợ bị trêu chọc, kì thị, vậy thì các em đừng trêu chọc, kì thị bạn của mình nhé. Dù khác nhau về giới tính nhưng các em vẫn là bạn bè nên hãy là bạn tốt của nhau, hãy giúp nhau trong cuộc sống và nhớ, phải biết tôn trọng bạn của mình, cho dù đó là giới tính gì”…

Tuần trước xuống phố, tình cờ tôi gặp lại Nam – cậu học trò cũ ngày nào – bây giờ là nhân viên của một công ty tư nhân. Nhớ lại câu chuyện ngày xưa em muốn bỏ học nên tôi kể ra đây…

Nguyễn Thị Bích Nhàn

(Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)

Các em không thích làm pê-đê, sợ bị trêu chọc, kì thị, vậy thì các em đừng trêu chọc, kì thị bạn của mình nhé.

 

Bình luận (0)