Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân ở Ý Yên, Nam Định

Tạp Chí Giáo Dục

Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định có 31 xã và một thị trấn, trong đó chủ yếu là các xã thuần nông (chỉ có 3, 4 xã có nghề phụ). Những năm trước đây, hầu hết người dân trong huyện dựa vào nông nghiệp, nên đời sống rất khó khăn.
 
Thực hiện chủ trương gắn phát triển sản xuất với xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã tập trung vào nâng cao chất lượng đội ngũ nông dân. Đó là, tập trung triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Qua hai năm triển khai, việc đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Ý Yên bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Cụ thể là, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên xác định, đào tạo nghề cho LĐNT là sự quan tâm của Đảng, nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Ý Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo dạy nghề cho LĐNT, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và triển khai đến cơ sở thôn, xóm của 32 xã, thị trấn và chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án tại địa phương mình.
 
Lớp dạy nghề dạy may công nghiệp ở xã Yên Phong, huyện Ý Yên.
 
Ông Đỗ Văn Trung, Trưởng phòng LĐ-TB và XH huyện Ý Yên cho biết: “Do đặc thù của một huyện thuần nông, nên ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án, chúng tôi điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất-kinh doanh có sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên trên địa bàn huyện để tìm đầu ra cho lao động. Dựa trên cơ sở này, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tỉnh, các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề huyện… mở các lớp dạy nghề, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Ví dụ, lớp cây cảnh ở xã Yên Phúc, lớp đúc kim loại ở xã Yên Xá, lớp điêu khắc gỗ ở xã Yên Bình…”.
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 ở huyện Ý Yên có nhiều điểm thuận lợi: Đối tượng được hỗ trợ học nghề rộng hơn; các đối tượng được phân theo nhóm để có chính sách hỗ trợ đi kèm theo; mức hỗ trợ đào tạo nghề, tiền ăn học nghề cao hơn; danh mục ngành nghề đào tạo được cập nhật bổ sung nên phong phú, đa dạng, đáp ứng yêu cầu xã hội; việc phân cấp quản lý cụ thể hơn… Chính từ những thuận lợi trên, trong năm 2010, huyện Ý Yên đã đào tạo được 500 lao động, sau khi học xong, số lao động có việc làm ổn định đạt 50%, số lao động có việc làm tương đối ổn định đạt 70%. Năm 2011, huyện phối hợp với các trường dạy nghề của tỉnh, mở 36 lớp dạy nghề cho hơn 1.200 lao động. Số lao động này, sau khi được đào tạo đã có việc làm và thu nhập ổn định.
 
Cùng với những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Ý Yên còn gặp nhiều khó khăn. Đó là: Công tác điều tra, khảo sát LĐNT có nhu cầu học nghề gặp khó khăn vì điều tra viên ở cơ sở còn kiêm nhiều việc, nên thời gian tư vấn cho lao động học nghề còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số không nhỏ LĐNT vẫn còn tư tưởng lao động nông nghiệp là chính, bởi họ xác định học xong phải đi làm xa nên công tác tuyên truyền vận động đi học rất khó khăn… Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới UBND huyện Ý Yên cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể. Theo đó, sẽ chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền Đề án 1956 nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động, vận động người lao động tích cực tham gia học nghề. Ngoài ra, sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án 1956 tại các xã, thị trấn. Qua đó, chọn từ 1 đến 2 mô hình dạy nghề cho LĐNT có hiệu quả để nhân rộng trong toàn huyện. Không những thế, UBND huyện Ý Yên còn chú trọng đến việc hỗ trợ vốn dạy nghề cho LĐNT, đầu tư thêm cơ sở vật chất cho Trung tâm Dạy nghề huyện để có đủ điều kiện mở rộng quy mô đào tạo và tổ chức các lớp học thường xuyên. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy nghề để cập nhật những kiến thức, phương pháp dạy nghề mới, phù hợp với từng đối tượng lao động.
 
Với những cách làm cụ thể, sát với đặc điểm của địa phương, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” huyện Ý Yên sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện Ý Yên sớm thanh toán hộ nghèo và phát triển bền vững. 
Theo Đức Thịnh
QĐND

Bình luận (0)