Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 lần đầu tiên sẽ ra theo chương trình THPT phân ban (chương trình mới). Chính vì vậy những thí sinh đã học theo chương trình cũ chưa đỗ tốt nghiệp hoặc năm nay muốn thi tuyển sinh cần lưu ý học bổ sung những phần khác nhau giữa hai chương trình mới có thể đạt kết quả tốt.
> Thi hai trường cùng khối có được không?
> Cân nhắc kỹ khi nộp hồ sơ dự thi
Cô Lê Nguyên Hương, giáo viên môn sinh học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) – Ảnh: Trịnh Vĩnh Hà |
Cô LÊ NGUYÊN HƯƠNG, giáo viên môn sinh học hiện đang giảng dạy tại Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) đồng thời là giáo viên hướng dẫn ôn tập trên VTV2 – Đài truyền hình Việt Nam, sẽ giúp các thí sinh hệ thống những nội dung khác nhau giữa chương trình mới và cũ mà thí sinh cần học bổ sung đối với môn sinh học.
– Chương trình 12 cũ có hai loại chương trình là phân ban thí điểm và chương trình không phân ban.
– Chương trình phân ban thí điểm chỉ có một số trường dạy thí điểm, còn chủ yếu là học theo chương trình không phân ban, vì vậy chủ yếu ở đây nói đến chương trình không phân ban.
Chương trình 12 mới chia ra làm hai loại là: chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Dù là cơ bản hay nâng cao thì chương trình 12 mới có nhiều điểm khác với chương trình 12 cũ không phân ban. Đó là:
– Chương trình 12 mới nói chung gồm chương trình của lớp 11 và 12 cũ gộp lại. Cụ thể có các phần:
* Di truyền học: 5 phần
+ Cơ chế di truyền và biến dị.
+ Tính quy luật của hiện tượng di truyền.
+ Di truyền học quần thể.
+ Ứng dụng di truyền học
+ Di truyền học người.
* Tiến hóa: 2 phần
+ Bằng chứng và cơ chế tiến hóa.
+ Sự phát sinh và phát triển của sự sống trên trái đất.
* Sinh thái học: 3 phần
+ Cá thể và quần thể sinh vật
+ Quần xã sinh vật.
+ Hệ sinh thái, sinh quyển và bảo vệ môi trường.
– Trong đó cơ chế di truyền, tính quy luật của hiện tượng di truyền và toàn bộ phần sinh thái học là của lớp 11 cũ.
– Trong từng phần của lớp 12 mới lại có sự thay đổi về hình thức và nội dung và sự thay đổi về nội dung là vấn đề cần quan tâm.
Trong nội dung có những vấn đề mới bổ sung và có những vấn đề thay đổi quan điểm. Cụ thể:
* Những vấn đề mới bổ sung: chỉ lấy một vài thí dụ
+ Bài 1: Gen, mã di truyền và quá trình nhân đôi của ADN.
Cấu trúc của gen cấu trúc: ba vùng.
Đặc điểm của mã di truyền: có tính phổ biến, tính đặc hiệu, tính thoái hóa.
Quá trình nhân đôi ADN: có chiều tổng hợp, hai mạch ADN mới thì một mạch được tổng hợp liên tục còn một mạch được tổng hợp gián đoạn.
+ Bài 2: Phiên mã và dịch mã.
Cơ chế phiên mã: cũ gọi là cơ chế tổng hợp ARN. Cơ chế trước đây chung cho tất cả các loại sinh vật, sách mới chia ra ở sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực cơ chế khác nhau (cắt bỏ Intron).
+ Bài 4: Đột biến gen.
SGK cũ chia ra làm bốn dạng đột biến gen: mất, thêm, thay thế, đảo vị trí của cặp Nu.
SGK mới chỉ chia ra làm ba dạng: mất, hêm, thay thế.
+ Bài 6: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể.
Chương trình cũ SGK: chia ra làm hai loại dị bội và đa bội.
Chương trình mới SGK: cũng chia ra làm hai loại là lệch bội và đa bội, đa bội ngoài những vấn đề như cũ có phân thêm thành tự đa bội và dị đa bội.
+ Bài 8,9: Quy luật Menđen.
Sách mới chỉ chia thành hai quy luật: phân ly và phân ly độc lập chứ không chia làm ba như trước.
* Những vấn đề thay đổi quan điểm: Phần tiến hóa
– Các cơ chế cách ly theo quan điểm của chương trình SGK mới thì không được xem là nhân tố tiến hóa, vì vậy nó được tách riêng không đặt trong phần các nhân tố tiến hóa.
– Giao phối cũng được tách ra là giao phối ngẫu nhiên và giao phối không ngẫu nhiên, và chỉ có giao phối không ngẫu nhiên mới được coi là nhân tố tiến hóa.
– SGK mới không dùng từ quá trình trước các nhân tố tiến hóa. Ví dụ chỉ dùng từ đột biến thay cho quá trình đột biến, chọn lọc tự nhiên thay cho quá trình chọn lọc tự nhiên…
THANH HÀ (TTO)
Bình luận (0)