Một làng chiếu ở miền Tây Nam bộ vang danh khắp nơi được gọi là làng chiếu ma, được Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9.2013.
Bà Điều vẫn hoài niệm, sống chết với nghề dệt chiếu thủ công – Ảnh: Thanh Dũng
|
Gọi là làng chiếu không sai bởi chạy dài theo xã Định Yên (H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đâu đâu cũng thấy người ta làm chiếu. Vào thời điểm cận tết, tâm lý ai cũng muốn thay manh chiếu mới để may mắn cả năm, nên làng nghề càng thêm tất bật. Nghề làm chiếu ở Định Yên có từ lúc nào, các thợ lão làng cũng không nhớ chính xác và chỉ độ chừng khoảng trăm năm. Nhiều cụ nói lúc lọt lòng đã nghe tiếng dệt chiếu, rồi cứ thế mà lớn lên cùng chiếu, trong bát cơm, tô canh dính cọng lác, sợi bố đan chiếu là chuyện thường.
Chợ chiếu “độc”
Các cô thợ tuy làm bù đầu nhưng vẫn thong thả, không vội vàng cuống quýt, ngồi suốt buổi trên khung dệt mệt đừ người nhưng nụ cười mến khách luôn nở trên môi. Bà Đặng Thị Lanh (63 tuổi) kể: “Nó là phần hồn của xã Định Yên. Chiếc chiếu đã làm nên tên tuổi địa phương cũng như nuôi sống biết bao người. Làm chiếu có đồng ra đồng vào hoài, ngồi lâu dệt cực nhưng khỏe vì chiếu dệt xong chờ người tới mua, không phải vác đi bán như cái anh bán chiếu Cà Mau trên dòng kinh Ngã Bảy. Gia đình tôi có 4 đời làm nghề dệt chiếu, riêng tôi cũng đã gắn bó với nghề này trên 50 năm”.
Bà Lanh nói chợ chiếu Định Yên vang danh cả nước bởi miền Tây có nhiều làng chiếu nhưng không nơi nào có cái cảnh họp chợ bán chiếu trong đêm. Cũng vì thời điểm họp chợ không giống ai này mà người ta gọi chợ chiếu Định Yên là chợ ma. Bà Lanh nhớ lại, khi sương đêm rơi, các thiếu nữ trong xóm rủ nhau vác mớ chiếu lên vai lội trên con đường đất ra bến sông Định Yên nhóm chợ. Gọi là chợ nhưng đó chỉ là bãi đất trống gần chùa An Phước, đèn do người bán chiếu thắp lên lờ mờ. Rồi khi tiếng xuồng ghe lạch tạch của những người đi mua chiếu cập bến, lúc đó chợ mới rộn ràng lời rao, ngã giá. Kể đến đây bà cười: “Hồi xưa chú Viễn Châu ngang qua đây chắc ổng không viết được bài Tình anh bán chiếu nổi danh đâu. Vì vùng này đi bán chiếu là nữ giới, còn đi mua chiếu phần đông là nam giới”.
Theo lát cắt thời gian, chợ chiếu ma biến mất hàng chục năm nhưng hồn chợ xưa vẫn in đậm trong tâm trí những cô thợ dệt nay tóc đã hoa râm. Như thợ dệt Đinh Thị Lệnh (69 tuổi) vẫn nhớ như in nét độc đáo của chợ chiếu ma là mua bán bằng tay, giữa bóng tối lờ mờ. Người mua chiếu dùng tay rờ chiếu xem tốt hay xấu, dày hay mỏng rồi định giá, hiếm khi chợ chiếu xảy ra cãi vã, giành mối nhau hay bán phá giá. Mà cũng lạ, mua chiếu phải mua một đôi, không ai chịu mua hay bán lẻ. Hồi đó thức đội sương gió vậy mà vui, trừ những đêm mưa bão, chợ chiếu mới tàn sớm. Còn lại đêm nào con đường quê cũng nhấp nhô đèn dầu, bó đuốc soi đường lẫn tiếng cười đùa của mấy thiếu nữ bán chiếu phá vỡ cung đường tĩnh mịch.
Làng nghề di sản
Theo nhịp thời gian, chợ chiếu ma không còn nhưng giá trị truyền thống làng nghề trăm năm vẫn không thay đổi, vẫn hàng trăm hộ sống bằng nghề chiếu.
Tấp vào nhà thợ chiếu Nguyễn Thị Điều (63 tuổi) lại thấy nụ cười mến khách trên môi. Trong nhà, bà Điều treo đầy các bó lác, sợi bố dùng để dệt chiếu, rồi nào là cái bàn gắp chân chiếu, cái xa quây chân chiếu… đã nói lên được tâm ý chủ nhân. Như bao cô thợ chiếu về già ở làng dệt này, bà Điều chỉ thích dệt chiếu thủ công vì công việc tưởng chừng đơn điệu ấy nhưng đã ăn sâu vào máu thịt. Tỉ mỉ bà Điều nâng từng cọng lác, tay nhẹ nhàng kéo cây dệt chiếu lên xuống bởi từng đường kéo tạo manh chiếu là tạo chén cơm, là nguồn sống không gì thay được đã bao đời nay. Ngưng tay dệt, bà Điều kể ngày xưa xứ này cây lác dùng dệt chiếu nhiều lắm nhưng theo thời gian cánh đồng lác mất dần nhường chỗ cho hoa màu, lúa thóc. Bây giờ muốn mua lác đan chiếu phải xuống Cà Mau, còn cây bố nay cũng hiếm dần. Bà Điều nói đàn ông xứ này không dệt hay bán chiếu mà chỉ cắt cây bố. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng cọng bố to như ngón chân cái để tách thành từng cọng nhỏ phải tốn thời gian và sức lực nên phụ nữ không làm được.
Bà Điều tâm sự cái nghề dệt chiếu không khó nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, dẻo dai, một thợ giỏi lúc dệt có thể dùng các cọng lác đủ màu sắc để tạo ra hình ảnh chim thú, hoa lá trên chiếu. Một ngày làm chăm chỉ thợ chiếu có thể dệt được từ 3 – 5 đôi. Tùy theo loại chiếu, chiếu trắng hay chiếu màu và độ dày hay mỏng, giá từ 90.000 – 120.000 đồng/đôi. Bây giờ người ta dùng nệm nhiều, đám cưới hỏi cũng mất dần cặp chiếu cho đôi uyên ương. Nhưng ở các vùng quê người ta vẫn chuộng nằm chiếu vì thế nghề dệt chiếu vẫn sống được, nuôi được bao phận người.
Theo TNO
Bình luận (0)