Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Nhật Bản: Xu hướng mới trong học tập

Tạp Chí Giáo Dục

Asako Sakane và Taisuke Someya đang thư giãn sau giờ học tại Trường Đại học Bắc Kinh

Asako Sakane và Taisuke Someya là hai sinh viên người Nhật. Hiện tại, họ đang theo học Trường Đại học Bắc Kinh. Cả hai đã chọn nền giáo dục Trung Quốc thay vì theo đuổi một trường đại học khác ở Mỹ.
Xu hướng tất yếu…
“Thời trung học, giáo viên của tôi nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Có thể Trung Quốc sẽ vượt qua cả Mỹ hoặc châu Âu trong một ngày gần. Và Nhật là hàng xóm của Trung Quốc, tôi nghĩ rằng điều này quan trọng để tôi chọn tiếng Trung chứ không phải tiếng Anh để học tập”, Sakane giải thích. Ban đầu, bố mẹ Sakane muốn cô đến Mỹ để du học. Nhưng Sakane đã thuyết phục được họ. Cô nói: “Hiện tại, rất nhiều người trên thế giới nói được tiếng Anh, song rất ít người nước ngoài có khả năng nói tiếng Trung Quốc. Do vậy, học tiếng Trung sẽ cải thiện và mở rộng cơ hội việc làm cho tôi”.
Cả Sakane và Someya đều là những điển hình cho một xu hướng mà đối với các nhà giáo dục Mỹ – rất đáng lo ngại. Số lượng học sinh, sinh viên theo học tại các trường đại học Mỹ đang ngày càng tụt giảm. Thay vào đó số học sinh, sinh viên đến Bắc Kinh và các thành phố lớn của Trung Quốc học tập tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê từ Chính phủ Nhật, năm 1994, 78% người Nhật khi lựa chọn một trường nước ngoài để du học đã quyết định đến Mỹ. Nhưng đến 2007, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 46%. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên theo học tại các trường đại học Trung Quốc tăng lên, từ 9% đến 24%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng người Nhật muốn theo đuổi nền giáo dục Trung Quốc – thay vì Mỹ là một xu hướng tất yếu, không thể tránh khỏi. Khi mà hai nền kinh tế Nhật – Trung đang từng bước tăng cường hợp tác với nhau. Chính điều này đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những ai có đủ các kỹ năng ngôn ngữ thích hợp. “Khả năng nói tiếng Trung và kiến thức về đất nước Trung Quốc sẽ giúp bạn làm việc tốt trong môi trường này” – ông Richard O’Rourke, điều phối viên hệ thống Education USA nhận định.
Hơn nữa, chi phí học tập cũng đang là vấn đề nhạy cảm đối với nhiều phụ huynh Nhật. Ông Naomi Tagashira – cố vấn Tổ chức giáo dục JASSO về du học cho biết: “Nhiều người thực sự quan tâm đến vấn đề học phí. Đây chính là một lợi thế cho Trung Quốc với mức phí rẻ hơn nhiều so với Mỹ”.
…chưa hẳn tốt
Tại Nhật, số lượng trường trung học cung cấp các khóa học tiếng Trung, bên cạnh việc bắt buộc tiếng Anh đã tăng vọt từ 154 năm 1993 lên 831 trường trong năm ngoái. “Ấn tượng của chúng tôi là phần lớn học sinh trung học từ các trường có khóa học về Trung Quốc như thế sau đó đều theo học tại các trường đại học ở Trung Quốc”, ông Kazuko Tsuchiya, một cán bộ của JASSO nói.
Việc ngày càng nhiều người Nhật chọn học tập tại Trung Quốc khiến các nhà giáo dục nước này lo ngại. Họ cho rằng nó có thể khiến cho Nhật giảm bớt khả năng thích ứng và tính cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, các nhà tuyển dụng Mỹ cũng không bỏ cuộc. Nhận thức được rằng phụ huynh Nhật Bản muốn gửi con của họ đến học tập ở những nơi quen thuộc, gần gũi với gia đình, nhiều tổ chức giáo dục Mỹ đã nhiệt tình cung cấp các khóa học ngắn gọn. Đó có thể là một chuyến tham quan học tập gói gọn chỉ trong một tuần tới Hawaii hay một chương trình trao đổi giáo dục ngắn hạn khác.
Mặc dù vậy, nói tốt tiếng Trung vẫn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Yuji Fujikawa, từng tốt nghiệp Khoa Kinh tế tại Trường Đại học Waseda ở Tokyo, đã dành một năm học tập và làm việc ở Bắc Kinh cho rằng: “Khả năng giỏi tiếng Trung không hẳn là minh chứng cho việc có nhiều lợi thế như tôi đã hy vọng”. Hiện tại, Yuji Fujikawa đang làm cho một công ty chứng khoán ở Tokyo, và cô ấy đang tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Yuji Fujikawa giải thích: “Các nhà tuyển dụng và đào tạo nhân lực nói với tôi rằng biết tiếng Trung là một điều tốt, song họ cũng cần khả năng xuất sắc về tiếng Anh để có thể làm tốt công việc trong thời hội nhập”.
Ngân Du
 (Theo The CSMonitor)

Bình luận (0)