Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Học sinh Hồi giáo học trường Thiên chúa giáo

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T

Căn tin sáng trưng của trường Trung học Saint-Mauron hôm nay vắng lặng khác thường vì 80% học sinh trường Thiên chúa giáo này là người Hồi giáo, nên phải nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn theo nghi thức của lễ Ramadan hàng năm. Khi chuông ăn trưa rung lên, các em xếp hàng trước cây thập tự lớn bằng gỗ để đọc kinh.
Em Nadia Oualane 14 tuổi, người Angieria tém lại mớ tóc dưới tấm khăn đen nói: “Trường này tôn trọng tín ngưỡng của chúng em, còn trường công bên kia không cho chúng em đội khăn…”
Ở Pháp chỉ có 4 trường Hồi giáo, do đó 8.847 trường tư là nơi học sinh Hồi giáo vào học trong khi trường công thế tục đã quá đông, không thể thỏa mãn những yêu cầu của các em. Bởi vì đó là cuộc sống tinh thần cần được tôn trọng để tạo ra một môi trường quan hệ thoải mái, chất lượng học tập tốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, học sinh Hồi giáo chiếm 10% tổng số học sinh trường tư Thiên chúa giáo. Ở những vùng có học sinh “lai da màu” như Marseille và các vùng công nghiệp, tỷ lệ này lên đến 50%. Các trường Thiên chúa giáo cố gắng đáp ứng yêu cầu của nhiều đạo khác nữa.Vì vậy, ở Dijon một trường cho học sinh Hồi giáo đọc kinh trong nhà thờ, cho học sinh nữ đội khăn. Nếu có nhiều trường chấp hành lệnh cấm chính thức, thì cũng có nhiều trường, như Saint-Mauront cho phép nữ sinh đội khăn. Một trường ở trung tâm Bắc Marseille phản ánh những sự thay đổi sâu sắc của xã hội Pháp trong một thế kỷ nay. Trường được thành lập năm 1905, trong một cơ sở làm xà phòng. Lúc đầu chỉ có học sinh mà cha mẹ là người Pháp theo đạo Thiên chúa được theo học. Trước thế chiến thứ hai những người di cư Bồ Đào Nha và nhất là người Ý đến, rồi từ 1960 nhiều người Phi Châu đến từ những thuộc địa của Pháp. Ngày nay trường chỉ có 117 học sinh da trắng.
Ông Hiệu trưởng Jean Chamoux đã lãnh đạo trường này 20 năm nay. Ông nói: “Chúng tôi thực hành tự do tín ngưỡng trong khi vẫn thực hiện nghiêm chỉnh chương trình học chính quy. Hoạt động tôn giáo là hoàn toàn tự nguyện… Nếu cấm đội khăn, một nửa nữ sinh Hồi giáo sẽ bỏ học, đó là điều tôi không muốn. Các em có quyền đội khăn hay không. Nhiều em về sau không đội khăn nữa. Mục đích của chúng tôi là sau khi học xong, các em tự chọn niềm tin cho mình”. Nhà trường tổ chức gặp phụ huynh trong những dịp lễ của người Hồi giáo. Từ hai năm nay trường có tổ chức dạy tiếng Ảrập cùng với một số tiếng nước khác theo hình thức tự chọn, mục đích là để các em có thể tham gia đọc kinh Coran với người khác trong các đền thờ ở địa phương.
Bà Zohra Hanane hiện có con gái học ở trường nói: Tôi cho cháu học ở đây vì “chúng ta cùng có một Đức Chúa”. Hiện tôi không có việc làm, rất khó khăn để có được 249 Euro trợ cấp cho con ăn học. Mặc dù số tiền này không lớn vì trường được nhà nước trợ cấp, nhưng tôi không ân hận gì vì con tôi tránh được những thói hư tật xấu của “học sinh thành phố”. Ở trường này con tôi học tốt, ngoan ngoãn”.
Ở một khu phố khác xa hơn, sang trọng hơn, có Trường tư Sainte-Trinite. Luật lệ và điều kiện cũng có khác, những cách lý giải cũng vậy thôi… Nữ sinh Hồi giáo không được đội khăn. Học sinh nữ Imene Sahraoui, 17 tuổi, con một cựu quan chức ngoại giao Angieria, bây giờ là nhà kinh doanh cho biết, xin học trường này để học tốt hơn, sau này đi học về thương mại ở nước ngoài sẽ hội nhập dễ hơn. Chính em cũng công nhận: “Trường công cũng không chuẩn bị gì tốt hơn cho chúng em…”, 15 trong số 20 trường được đánh giá tốt nhất nước Pháp là trường tư thục Thiên chúa giáo (theo báo Express). Các trường này được học sinh Hồi giáo ưa chuộng, hơn cả những trường Hồi giáo đang mở rộng cửa đón học sinh ở các thành phố lớn như Paris, Lyon, Lille.
Phan Thanh Quang
 (Theo Courrier international)

Bình luận (0)