Vô vàn kiểu khủng bố tinh thần…
Sáng 23-9-2011, hàng trăm người dân bao vây căn nhà của bà Nguyễn Thị Dậu, tạm trú tại số 5, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội để đòi nợ. Do bức xúc, nhiều “chủ nợ” đã đập phá tường nhà, cửa kính, ném tiết lợn và đặt vòng hoa trước cửa nhà khiến những người trong gia đình bà Dậu phải “cố thủ” trong nhà không dám xuất đầu lộ diện.
Trước đó, ngày 9-4-2011, Nguyễn Hồng Đông, ở Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội vay 10 triệu đồng của Nguyễn Hồng Quang, người cùng thôn, hẹn đến 29-4-2011 sẽ trả hết. Tuy nhiên, hết tháng 4-2011, Đông chỉ trả được 1 triệu đồng tiền lãi và hứa sang tháng 5 sẽ trả hết nhưng không trả, mặc dù Quang đã hỏi nhiều lần. Không đòi được nợ, 1h ngày 22-7, Quang đã cùng một số đối tượng mang vòng hoa có dòng chữ “Có trả tiền hay không?” và 3 bó hương găm trên vòng hoa đặt trước cửa nhà Đông. Ngày 14-11-2010, anh Cao Quang Hiệp, ở đường Nguyễn Quang Bích, quận Hoàn Kiếm bị hai thanh niên mang vòng hoa tang có đính dòng chữ “Vô cùng thương tiếc anh Hiệp Sơn” đặt trước cửa nhà với mục đích đe dọa.
Theo điều tra của cơ quan công an, quán karaoke Queen được Công ty cổ phần Khách sạn du lịch Phùng Hưng, do anh Hiệp làm giám đốc cho 2 người khác thuê trong 2 năm. Hết hợp đồng, công ty đòi lại nhưng 2 người kia không muốn trả nên đã thuê 2 đối tượng mang vòng hoa tang đến đặt trước nhà anh Hiệp để “nắn gân”.
Ngày 21-5-2007, một thanh niên đưa vòng hoa trắng đến cổng trường THCS Thanh Quan, phố Hàng Cót, quận Hoàn Kiếm. Trên vòng hoa mang băng đen có ghi dòng chữ: “Học sinh lớp… kính viếng hương hồn cô giáo chủ nhiệm”, trong khi cô giáo chủ nhiệm P.T.D. đang họp lớp. Trước đó, đầu tháng 4-2007, tại cổng trường Thanh Quan cũng xuất hiện một vòng hoa đỏ với nội dung băng tang tương tự nhằm vào cô giáo D. Không chỉ “khủng bố” bằng vòng hoa, nhiều đối tượng còn đổ chất bẩn vào nhà con nợ, mang áo quan đến đặt ngay trước cửa nhà đối tượng mà họ muốn hăm dọa…
Khó xử lý
Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hàng chục vụ đổ chất bẩn vào nhà, nhắn tin gọi điện đe dọa hay đặt vòng hoa trước cửa nhà người khác… Việc đem vòng hoa tang lễ viếng, nhắn tin, đổ chất bẩn, “tặng” quan tài đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của gia đình người trong cuộc. Nhiều người cho rằng đây chính là “biến tướng” của hành vi đe dọa giết người.
Do vậy, đối tượng gây ra sự việc cần phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Trên thực tế, nhiều vụ việc khủng bố tinh thần nạn nhân với mức độ ảnh hưởng khá nghiêm trọng đã khiến nhiều cá nhân bị suy sụp, khủng hoảng tinh thần trong thời gian dài, song trong Bộ luật Hình sự chưa có điều khoản nào quy định cụ thể về hành vi này. Do đó, ngay cả trong trường hợp có thể khoanh vùng xác định được đối tượng thì việc xử lý hành vi của đối tượng là rất khó khăn. Mặc dù đây là hành vi xâm phạm trật tự công cộng, song trên thực tiễn việc xử lý hình sự vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhau, và đến nay rất ít vụ việc bị xét xử về mặt hình sự….
Theo luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội, bên bị đe dọa có thể khởi kiện đến cơ quan có chức năng đòi bồi thường những tổn hại về mặt tinh thần do bên đe dọa gây ra nếu chứng minh được hành vi của các đối tượng đe dọa ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống của mình. Ngoài ra, trong một số trường hợp, căn cứ vào dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng tội “Gây rối trật tự công cộng” để xử lý. Gây rối trật tự công cộng là một trong những hành vi có tính nguy hiểm cao đối với xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng…
Tội phạm này thể hiện ở các hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Hình thức biểu hiện của hành vi gây rối rất khác nhau: lăng mạ bằng lời nói hoặc bằng hành vi hành hung, đánh người, đập phá đồ đạc hoặc huỷ hoại tài sản, gây lộn xộn ở nơi công cộng… Nếu các hành vi nêu trên được thực hiện không phải ở nơi công cộng (trong nhà riêng đối với những người trong gia đình hoặc bà con họ hàng, làng xóm…) nhưng gây ảnh hưởng lớn đến trật tự chung thì cũng bị coi là gây rối trật tự công cộng. Hậu quả nghiêm trọng (gây thiệt hại cho tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác) là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Trong trường hợp tuy hành vi gây rối chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng trước đó người vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính về hành vi này mà tái phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để tránh tình trạng những hành vi nêu trên ngày càng trở lên phổ biến, với mức độ thái quá gây hậu quả khó lường, ảnh hưởng đến trật tự chung của xã hội, các nhà làm luật nên nhanh chóng bổ sung các quy định để xử lý nghiêm hành vi này.
Bình luận (0)