Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mồ côi từ trong bụng mẹ – Bài 2: Xa mẹ từ thuở lọt lòng

Tạp Chí Giáo Dục

Có chủ ý bỏ rơi con nên các bà mẹ trẻ thường không chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, thăm khám sức khỏe lúc mang thai. Do đó, đứa trẻ ra đời thường thiếu tháng, thiếu ký, chịu nhiều thiệt thòi.

Từ lâu, khoa Nhi BV Hùng Vương (TP.HCM) đã trở thành một trong những nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Vỗ về một bé đang đòi bú, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, nữ hộ sinh trưởng thuộc khoa Nhi BV Hùng Vương, ngậm ngùi: “Nhìn cảnh các bé ngọ nguậy cánh tay và bàn chân đỏ hỏn, yếu ớt… như cố tìm hơi ấm từ người mẹ, nhiều lần tôi không cầm được nước mắt”.

Suýt chết vì đói khát
Chị Hồng kể: “Cách đây vài ngày, trời vừa nhá nhem tối, một chị lao công đang dọn vệ sinh bỗng nghe tiếng ọ ọe gần chân cầu thang. Tới gần, chị này phát hoảng khi thấy một bé trai đỏ hỏn được bọc sơ sài bằng chiếc khăn cũ mèm đang bị muỗi bu kín mặt. Bế đứa bé lên, chị lao công nhặt được mảnh giấy ghi dòng chữ nguệch ngoạc, đầy lỗi chính tả: “Em 22 tuổi, ở Long An. Em lỡ mang thai, bị ba má đuổi khỏi nhà. Em đi sinh một mình, không người quen. Em khổ quá, không thể nuôi con. Nếu ai nhặt được đứa bé thì xin nuôi giùm”. Khi được mang lên khoa Nhi, đứa bé khóc không ra hơi vì đói lả”.
Chị Hồng kể tiếp: “Trước đó chưa lâu, lấy lý do ra căn-tin bệnh viện mua ít đồ lặt vặt, một sản phụ đã nhờ chị cùng phòng để mắt tới đứa con gái mới hai ngày tuổi. Nhiều giờ trôi qua, đứa bé khóc ngất vì đói nhưng chẳng thấy sản phụ kia về nên chị cùng phòng báo cho y tá trực. Quá quen với cảnh này, chị y tá thở dài: “Lại thêm một bà mẹ bỏ rơi con!”…”.
Ngoài bộ quần áo nhàu nát đựng trong cái túi xách cũ kỹ mà mẹ đứa bé để lại, người ta còn tìm thấy một tờ giấy ghi vài câu: “Tôi 23 tuổi, vì không thể nuôi con nên gửi lại nhờ bệnh viện nuôi giúp. Khi nào có điều kiện tôi sẽ tìm lại con”. “Nói là nói vậy, chứ từ trước tới nay hiếm khi có người tới tìm lại đứa trẻ họ đã bỏ rơi” – chị Hồng lắc đầu.
Ngoài các bé bị bỏ rơi tại những nơi dễ thấy như trong phòng, băng ghế đá…, không ít bé bị bỏ trong bụi cây, góc cầu thang. Cơ may sống sót của các bé rơi vào trường hợp này rất thấp vì được phát hiện quá trễ. Trước đó, một tài xế taxi đã nhặt được một cháu bé sơ sinh bị vứt bỏ tại một bãi rác ở quận 6. Người đi đường cũng phát hiện một trẻ mới sinh bị vứt bỏ trên địa bàn quận 5 trong tình trạng bị kiến cắn khắp cơ thể. Có lần một chị tạp vụ làm ca chiều đang quét dọn chân cầu thang BV Hùng Vương ở khu vực vắng người thì phát hiện một bé gái mới sinh nằm trên tờ báo đang thở thoi thóp, toàn thân tím tái; chiếc khăn quấn quanh người đã bung ra. Ngoài bị gián bò trên người, bé còn bị kiến cắn… Các bé trên đều được BV Hùng Vương cứu sống. “Những chuyện đó diễn ra suốt nhưng mỗi lần biết thêm một trường hợp, chúng tôi vẫn thấy đau lòng…” – chị Hồng ngậm ngùi.
Các bé bị bỏ rơi đang được chăm sóc tại khoa Nhi BV Hùng Vương. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Huệ ơi, con chị đang khóc nè!”
Tùy vào thể trạng, sức khỏe, mỗi bé bỏ rơi được chăm sóc riêng biệt. Tên, số hiệu nhập viện của sản phụ; giới tính, ngày sinh, trọng lượng… mỗi bé đều được dán trên nôi.
Chỉ vào mảnh giấy ghi: “T.T.B. Vân, số hiệu nhập viện 47230; gái, sinh ngày 30-9, 2,550 gr”, BS Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng khoa Nhi BV Hùng Vương, bùi ngùi: “Bé này bị mẹ bỏ rơi trên băng ghế lúc trời sắp mưa. Do đói, khát nên bé lả người, khóc không thành tiếng”.
“Những giọt sữa đầu tiên từ bầu vú mẹ, những cái vuốt ve khắp cơ thể con một cách âu yếm và nhẹ nhàng của mẹ ngay khi đứa trẻ lọt lòng chính là sợi dây gắn kết tình mẫu tử. Một khi cảm nhận được tình thương yêu, chở che của mẹ thì giấc ngủ của bé sẽ thật trọn vẹn, còn khi tình mẫu tử bị chính người mẹ dứt bỏ thì cuộc sống của bé sẽ thiếu sự bình yên. Như cháu bé con chị Vân đây, do thiếu hơi ấm của mẹ nên ngủ hay giật mình, gần như không cười” – BS Tiên thoáng buồn.
Dừng trước chiếc nôi có mảnh giấy ghi: “L.T. Huệ, số hiệu nhập viện 41118; gái, sinh ngày 30-8, 3,420 gr”, BS Tiên nhỏ giọng: “Bé gái này lúc mới sinh thật bụ bẫm, bị mẹ bỏ rơi dưới chân cầu thang cách đây hơn một tháng. Do phát hiện hơi trễ nên người bé tím tái, thở yếu. Mặc dù qua cơn nguy kịch nhưng thể trạng bé ngày càng sụt, bệnh viện phải chăm sóc đặc biệt, hiện bé còn 3,300 gr…”.
Đứa bé bật khóc, BS Tiên vội bế bé vào lòng, vỗ về. Có lẽ cảm nhận người đang bế không phải mẹ ruột, cháu bé càng khóc to. BS Tiên cố dỗ dành nhưng tiếng khóc vẫn không dứt. Xót ruột, BS Tiên buột miệng: “Huệ ơi, giờ chị ở đâu? Con chị đang khóc nè!”.
Bị hắt hủi từ khi còn trong bụng
Do đã có ý bỏ con nên sản phụ thường không chú trọng chế độ dinh dưỡng, chẳng màng việc khám thai… Do vậy, nhiều bé sinh ra thiếu tháng, nhẹ cân… BS Tiên đưa chúng tôi đến hai chiếc nôi có dòng chữ: “H.T. Quyên, số hiệu nhập viện 33827; gái, sinh ngày 22-7, 1,280 gr” và “T.T. Nương, số hiệu nhập viện 14764; gái, sinh ngày 7-4, 1,100 gr”, rồi nói: “Những sản phụ cố tình không muốn giữ con luôn tìm mọi cách tống cái thai ra ngoài càng sớm càng tốt. Hai bé này sinh thiếu tháng nên thể trạng rất yếu, phải nằm lồng ấp và có chế độ chăm sóc đặc biệt. Gần ba tháng nhưng con chị Quyên mới được 2,150 gr, còn con chị Nương chỉ được 2,350 gr dù đã hơn sáu tháng” – BS Tiên nói. Cúi nhìn con chị Nương, chúng tôi cảm nhận ánh mắt bé đượm buồn; tay chân bé ngọ nguậy như cố chống chọi nỗi bất hạnh…
Trên đường về, chúng tôi nhớ hoài lời BS Tiên, một bà mẹ bất đắc dĩ của những đứa trẻ mồ côi: “Trẻ mới sinh rất cần bàn tay ấm áp và nụ hôn thương yêu của mẹ để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Thiếu những thứ ấy, cho dù được chăm sóc chu đáo cỡ nào, những khiếm khuyết cuộc đời vẫn len vào cơ thể non nớt, yếu đuối của trẻ…”.
Thai nhi ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ
Khoa học chứng minh nếu người mẹ luôn nói chuyện với thai nhi thì khi lọt lòng, đứa trẻ sẽ có phản xạ ở mắt và bật tiếng a, a… những lúc nghe giọng nói của mẹ. Chưa hết, tình mẫu tử nảy sinh trong giai đoạn người mẹ mang thai nên đứa con ảnh hưởng từ người mẹ rất nhiều. Một khi người mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc thì tâm sinh lý đứa trẻ bình thường, trẻ phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Trái lại, nếu người mẹ không quan tâm đến thai nhi thì trẻ sinh ra nhẹ cân, suy dinh dưỡng, tâm sinh lý bất thường.
BS HUỲNH THỊ THU THỦY, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM)
Mỗi tháng có khoảng năm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ
Ông Nguyễn Văn Trương, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết bình quân mỗi tháng có 2-4 trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện, phần lớn sinh thiếu tháng. Trong khi đó, theo bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, Quyền Giám đốc BV Từ Dũ, bình quân mỗi tháng có năm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại bệnh viện này. Sản phụ bỏ con đa số chỉ từ 20 đến 24 tuổi. Trẻ bị bỏ rơi thường là con ngoài ý muốn hoặc nhiễm HIV.
Theo nguyên tắc, khi tình trạng sức khỏe của trẻ bị bỏ rơi ổn định, trọng lượng trẻ trên 2,500 gr, các bệnh viện sẽ gửi thư mời người mẹ ba lần. Nếu không có hồi âm, bệnh viện sẽ lập hồ sơ, gửi cơ quan công an để niêm yết trong vòng một tháng. Sau thời gian này, nếu vẫn không có người đến nhận, bệnh viện sẽ báo với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM để chuyển trẻ đến các trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo TRẦN NGỌC
(PL)

Bình luận (0)