Học với thiết bị hiện đại tại khoa Sinh (ĐH Hà Nội). Ảnh: BV |
Theo tính toán của ĐH Đà Nẵng, với mức học phí như hiện nay, nếu chỉ sử dụng học phí chính qui để chi trả vượt giờ thì một giảng viên của ĐH Đà Nẵng dạy một ngày 8 tiết chỉ được trả thù lao 32.000 đồng! 80% quỹ học phí được trích lập để phục vụ tăng lương, miễn giảm học phí, học bổng. Trong những năm gần đây ngân sách chi thường xuyên Nhà nước cấp cho các trường gần như được giữ ổn định trong khi do nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, số lượng sinh viên tăng nhanh. Đơn cử, nếu năm 2005, bình quân ngân sách chi thường xuyên là 2.665.000 đồng/SV thì năm 2006 giảm xuống còn 2.611.000 đồng/SV và năm 2007 chỉ còn 2.430.000 đồng/SV. Chính vì vậy, đề án tăng học phí của Bộ GD-ĐT được các trường công lập xem là giải pháp tích cực nhất hiện nay để cải thiện chất lượng đào tạo.
Tăng học phí – Giải pháp ổn định kinh phí
Từ năm học 2007-2008, khi diện miễn giảm học phí được mở rộng thì ĐH Đà Nẵng có khoảng 20% sinh viên được miễn học phí hoàn toàn. Cũng theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các trường cũng phải trích thêm 15% học phí chính quy để làm quỹ học bổng cho sinh viên. Và vì là đơn vị sự nghiệp có thu nên các trường phải sử dụng tiền thu học phí để bù đắp tăng lương cho cán bộ. Để phục vụ cho lộ trình tăng lương này, các trường Đại học phải trích 40% mức thu học phí chính qui (tức 32% mức thu trên tổng số sinh viên trước khi trừ diện miễn giảm) để đảm bảo tiền lương tăng thêm cho cán bộ khi lương tối thiểu tăng từ 144.000 đồng/hệ số (1998) lên 450.000 đồng/hệ số (2007), khi lương tăng lên 540.000 đồng/hệ số, mức trích trên đã lên tới 50%. Như vậy tỉ lệ học phí chính qui các trường cần trích lập để phục vụ tăng lương, miễn giảm học phí, học bổng hiện nay lên đến 80%. Nhà trường chỉ còn sử dụng có 20% học phí chính qui để chi cho tất cả các hoạt động khác: trả tiền vượt giờ, đầu tư cơ sở vật chất, phúc lợi… Cụ thể tại Đại học Đà Nẵng, 20% tổng kinh phí chính qui tương ứng với khoảng 10 tỷ đồng. Trong những năm gần đây ngân sách chi thường xuyên Nhà nước cấp cho các trường gần như được giữ ổn định trong khi do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, số lượng sinh viên tăng nhanh. Đơn cử, nếu năm 2005, bình quân ngân sách chi thường xuyên là 2.665.000 đồng/SV thì năm 2006 giảm xuống còn 2.611.000 đồng/SV và năm 2007 chỉ còn 2.430.000 đồng/SV. Trong khi tiền lương tối thiểu liên tục tăng mà ngân sách chi thường xuyên ổn định, các trường ĐH sử dụng toàn bộ học phí chính qui cũng không đủ bù tăng lương cho cán bộ.
Chính vì vậy, theo GS – TSKH Bùi Văn Ga – Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì tăng học phí chính là “giải pháp ổn định kinh phí” tối ưu nhất hiện nay. Theo tính toán của GS Ga, tổng số tiết vượt giờ của hệ chính qui tập trung của Đại học Đà Nẵng hiện nay khoảng 250.000 tiết. Nếu sử dụng toàn bộ số tiền còn được chi (10 tỷ) để chi trả vượt giờ thì đơn giá là 4.000 đồng/tiết! Trên thực tế đơn giá tiết giảng vượt giờ còn thấp hơn giá trị này vì trong 10 tỷ còn lại đó nhà trường còn sử dụng để tu sửa cơ sở vật chất, phúc lợi, phụ cấp quản lý… Vì vậy nếu chỉ sử dụng học phí chính qui để chi trả vượt giờ thì một giảng viên dạy một ngày 8 tiết thì chỉ được trả thù lao 32.000 đồng! Để đảm bảo giảng dạy 250.000 tiết vượt giờ, nhà trường cần thêm biên chế ít nhất 500 cán bộ giảng dạy. Thế nhưng, các trường đều không dám tuyển thêm giảng viên mặc dù tỉ lệ học sinh/giảng viên là rất cao. Do quá tải trong giảng dạy, các giảng viên không còn thời gian để nghiên cứu khoa học, cải thiện giáo trình mà hậu quả của nó là chất lượng giáo dục đại học giảm.
Dù chưa có “động thái” để tính toán lộ trình tăng học phí, nhưng ĐH Đà Nẵng đã xác định rõ những việc cần thiết phải làm ngay sau khi quyết định này được Bộ GD-ĐT triển khai. Đó là xây dựng kế hoạch tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất học tập và thực hành cho sinh viên. Với mức học phí cũ thì việc trả lương cho giảng viên là vừa đủ, nên mức học phí mới sẽ hoàn toàn hỗ trợ cho việc học của sinh viên. Ngay cả việc tổ chức nghiên cứu khoa học trong nhà trường sẽ được tổ chức rộng rãi, với mức hỗ trợ tối đa để xây dựng nên những công trình nghiên cứu thực sự hữu ích.
Trường ngoài công lập: “nhìn nhau” để tăng
Đầu năm học này, trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu (Đà Nẵng) quyết định tăng thu thêm mức học phí để… bù trượt giá. Cụ thể: ở hệ CĐ: khối Kinh tế tăng từ 1,6 triệu đồng/học kỳ lên 1,7 triệu đồng/học kỳ; khối Kỹ thuật tăng từ 1,7 triệu đồng/học kỳ lên 1,8 triệu đồng/học kỳ; riêng hệ Trung cấp: từ 1 đến 1,1 triệu đồng lên 1,3 đến 1,4 triệu đồng/học kỳ. Hầu hết các trường TCCN và CĐ ngoài công lập ở Đà Nẵng đều giữ nguyên mức học phí giống các năm trước hoặc nếu tăng thì cũng không đáng kể. Ông Võ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Phương Đông khẳng định sẽ cân đối lại để xác định mức thu học phí học kỳ II trên tinh thần dựa trên “sức chịu đựng” của cả nhà trường – học sinh. Bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường CĐ Đông Á (Đà Nẵng) khẳng định, mức học phí đến thời điểm học kỳ II của năm học 2008-2009 của trường vẫn chưa hề có kế hoạch thay đổi. Nếu có, chỉ tăng thêm ở mức rất nhỏ đối với các môn học ở những ngành nghề có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư về trang thiết bị thực hành nhiều.
Tuy nhiên, tâm lý chung của hầu hết các trường ngoài công lập đều “dè chừng” trong vấn đề tăng học phí. Trong tình hình Đà Nẵng đang ngày càng xuất hiện nhiều trường TCCN, CĐ và trường nghề, thì ngoài chất lượng đào tạo, mức học phí cũng là tiêu chí để người học lựa chọn trường, vì vậy, các trường CĐ, TCCN ngoài công lập trong năm học này sẽ khó bề tăng học phí, với mục đích thu hút số HS – SV vào trường trong năm học đến.
Sinh viên có thể “gánh” mức học phí mới bằng việc vay vốn!
Đó là khẳng định của GS-TSKH Bùi Văn Ga. Ông Ga cho biết, đối với vấn đề tăng học phí hiện nay, thì việc giải quyết cho sinh viên nghèo đã có lối ra, thông qua việc hỗ trợ cho sinh viên vay vốn để học tập. Nhiều năm nay, việc vay vốn đối với sinh viên nghèo chỉ được sử dụng vào trang trải cho chí phí ăn ở, mua tài liệu, giáo trình trong khi mục đích chính là đóng học phí. Chính vì vậy, việc thay đổi mức học phí sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của sinh viên nghèo.
Ở các giảng đường của các trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng bây giờ, đi đâu cũng nghe râm ran về vấn đề tăng học phí. Lo ngại có, nhưng cũng có không ít bạn sinh viên khi được hỏi về việc tăng học phí, đã không ngần ngại ý kiến: “Hy vọng học phí tăng, thì môi trường học tập của tụi em cũng được tăng theo đúng mức đó!”.
Hà Ánh Ngọc (GD&TĐ)
Bình luận (0)