Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tôi đi “đấu giá” cá chìa vôi

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả bên con cá chìa vôi đã “đấu giá” được

Chiều mưa cuối tháng 6. Hàng chục người đổ về hai bên Mương Chuối (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) để chuẩn bị cho phiên “đấu giá” cá chìa vôi.

Tôi đã có mặt ở đó từ trước nhờ cú điện thoại của ông bạn nhậu người địa phương. Thời hoàng kim của nghề săn cá chìa vôi, ông bạn tôi cũng từng thắng lớn ở nhiều phiên “đấu giá”.
Trước giờ “đấu giá”
Ông bạn tôi tên Út. Người ta quen gọi anh ấy là “Út Chìa Vôi”. Nhớ có lần chếnh choáng hơi men, Út giải thích với tôi vì sao anh có cái tên ngồ ngộ ấy. Út bảo rằng, có một thời gian dài anh sống bằng nghề “săn” cá chìa vôi khi đã đánh bắt được rồi bán lại kiếm lời. Trong xóm cũng có nhiều người thứ út, gọi thế là để phân biệt. Nhà Út nằm ven Mương Chuối, là nhánh dẫn ra sông Lòng Tàu, Nhà Bè. Út nắm rõ tất tần tật lịch qua lại, cập bến của các ghe xuồng đánh cá. Thậm chí chỉ nghe tiếng động cơ, anh có thể phân biệt được ghe, xuồng đánh cá hay ghe chở cát. Những năm trước, gia đình Út khấm khá cũng nhờ nghề “săn” cá chìa vôi rồi bán lại cho các nhà hàng. Nhưng rồi Út phải “giải nghệ” vì nghề này giờ chỉ ngồi “há mồm chờ sung rụng”. Hơn nữa, nay người đánh bắt thường bán trực tiếp cho người mua hoặc chủ các nhà hàng, quán ăn chứ không qua mối lái, như thế sẽ được giá hơn.
Tôi có mặt ở nhà Út 10 phút rồi nhưng chẳng thấy bóng dáng chiếc ghe nào cập bến. “Có khi nào ghe cập bến dưới không?”, tôi lo lắng hỏi anh. “Ông yên tâm đi, nó (người đánh bắt – PV) gọi cho tôi rồi, nó không dám làm khác đâu”. Nói vậy nhưng Út vẫn không yên tâm, liếc nhìn đồng hồ, lấy điện thoại gọi cho chủ ghe. Xong, Út quay sang tôi, nói: “Nó tới ngã ba rồi, chừng 5 phút nữa thôi”. Từ sau vườn nhà Út, nhìn qua khe hở của hàng dừa nước ken dày, hàng chục người đang đội nắng đợi ghe cập bến. Út nói: “Mấy ghe, xuồng vào trước báo là có cá chìa vôi nên họ kéo nhau đến “đấu giá”. Trong số ấy, có cả những người tò mò đến xem. Nhưng ông đừng lo. Ở đâu thì không dám chắc chứ đến khu vực này nó không quên tôi đâu”.
Khi chiếc ghe máy nhỏ không biển kiểm soát đang dần tiến sâu vào Mương Chuối rồi rẽ trái để tấp vào sau vườn nhà Út thì tốp người cũng lần lượt kéo sang. Thấy tốp người quá đông, Út bỏ nhỏ: “Nếu thật sự ông thích thì giá nào cũng phải mua chứ kỳ kèo là mất phần đấy. Đám thằng Minh, thằng Tí bên Q.7 nó quần cả tháng nay rồi đó”. Nói xong, Út gọi hai đứa em trong xóm tên Hùng và Phương ra dặn dò: “Nếu lên cân con cá nặng từ 0,5kg đến 0,7kg thì thằng Hùng trả 300 ngàn đồng. Còn từ 0,7kg đến 0,9kg trở lên thì trả 400 ngàn đồng. Cứ ra giá vậy, tụi nó trả hơn thì thằng Phương nhỉnh hơn chút”.
Phiên đấu giá công khai
Con cá cân nặng 0,8kg. Hùng trả 400 ngàn đồng. Ngay lập tức, người đàn ông có nước da đen như cột nhà cháy chen đám đông vào lật qua lật lại con cá rồi hô lớn “450 ngàn đồng”. Hùng nhìn Út như để xin ý kiến. Út lay tay tôi nói khẽ: “Ông kêu đại 500 ngàn đi. Nếu thằng nào trả hơn nữa thì để tụi nó mua chứ con này mà giá đó thì mắc lắm”. Tôi làm theo lời Út. Tôi vừa dứt lời, một thanh niên mặc chiếc áo thun ba lỗ, khuôn mặt bặm trợn nói: “Tui trả một chai”. Một con cá chưa đầy 1kg có giá một triệu đồng? Chắc là không đến lượt mình rồi. Tôi nghĩ thầm. Vẫn không ai lên tiếng. Người chủ cá cười tít mắt nhưng chỉ trong tích tắc, người kêu giá một triệu đã đổi ý vì trong túi không đủ tiền. Lời bàn tán xôn xao, tiếng chửi thề, thậm chí mắng nhiếc người vừa đổi ý chẳng khác nào không khí ở trường gà. Lúc này Út mới xuất chiêu. Út lật ngược con cá lên, dùng tay ấn mạnh vào mình cá, nói: “Con này, chết từ đêm qua rồi, thịt không còn dai, vị ngọt cũng giảm”. Ông chủ cá ậm ờ giải thích gì đó nghe không rõ. Út lại tiếp: “Mua con cá được cái chìa mà chìa thì gãy rồi. Con này chỉ đáng 500 ngàn thôi”. Nghe vậy, mặt ông chủ cá chảy dài như người vừa mất của, giọng yếu ớt: “Anh Út trả vậy chết em. Con này mới chết sáng nay chứ không phải từ đêm qua. Anh thấy đó, mắt nó trong, mang cá còn đỏ au đây nè”. Út quay sang tôi: “Sao, đưa nó thêm 50 ngàn nữa (tức con cá có giá 550 ngàn đồng) được không? Nghĩ đã mất cả buổi sáng mà không mua được cá thì tiếc quá. Tôi nói giá chót 550 ngàn đồng. Người chủ cá vẫn chưa chịu bán. Út ra vẻ bực dọc: “Giá đó mà mày chưa bán thì để vợ chồng mày ăn luôn đi”. Chủ cá tiếp tục mặc cả: “Thôi, cũng chẳng ai xa lạ gì, anh Út nói ảnh cho em thêm 30 ngàn nữa đi”. Út nhìn tôi, cái nhìn thay cho câu nói. Tôi đồng ý trả 580 ngàn đồng. Phiên đấu giá kết thúc. Thằng cha lúc nãy trả con cá một chai khiến cả đám đông ai cũng phải trố mắt nhìn ra vẻ tiếc rẻ, nói với người đi cùng: “Biết vậy hồi sáng đừng trả tiền cho con mẹ Hai, để mua con này về nhậu”. Người kia đốp lại: “Đến ngày không trả không yên với bả đâu”.
Sang tay
Đám đông tản đi hết, người đàn ông đi cùng tôi từ sau sân nhà Út ra đầu con hẻm cho biết mình tên Hoàng, nhà ở khu chợ Cầu Muối cũ, Q.1. Ông Hoàng là chủ vựa hải sản chuyên cung cấp hải sản cho một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn. Ông Hoàng hỏi tôi: “Chú em mua về ăn hay bán lại?”, “Ăn thôi chứ bán buôn gì?”, tôi trả lời. Ông ta tiếp: “Ừ, con này chết rồi cũng khó bán lắm. Nó mà còn sống thì không còn đến tay chú em đâu”. Thì ra ông Hoàng cũng là tay chuyên “săn” cá chìa vôi bán lại kiếm lời. Ông ta còn cho biết, hiện ông có trên chục mối đặt hàng. Cũng như Út trước kia, ông Hoàng luôn có mặt 24/24 ở các bến sông Lòng Tàu, Mương Chuối chờ ghe, xuồng cập bến. Ông Hoàng kể lại: “Lúc bấy giờ điện thoại di động là thứ xa xỉ, đâu thể liên lạc với người đánh bắt. Có khi phải ngồi cả ngày lẫn đêm ở bến sông để chờ đợi. Nay thì dễ rồi, có cá là mối gọi đến liền. Hơn nữa, bây giờ bắt được một con cá chìa vôi là họ lập tức quay vào bờ bán liền vì để lâu cá chết sẽ mất giá”.
Chúng tôi mang cá sang quán Vườn Xoài chuyên bán các loại đặc sản có từ sông nước ở địa phương này để nhờ họ chế biến. Vừa gửi xe, một vị nguyên là lãnh đạo của Q.4 bước từ chiếc Lexus xuống, hỏi tôi: “Em mua con này bao nhiêu?”. Tôi chưa kịp trả lời, Út vội chen vào: “800 ngàn đó”. Hiểu ý Út muốn sang lại kiếm lời, tôi để cho anh toàn quyền quyết định. Vị kia nhìn con chìa vôi hồi lâu, nói: “Em mày để lại anh 900 đi. Thứ này anh cũng từng ăn qua vài lần rồi nhưng vì hôm nay có ông bạn từ Hà Nội vào, đãi ổng ăn cho biết cá chìa vôi”. Út vẫn chưa ưng, cố tình kỳ kèo thêm đồng nào hay đồng ấy. Vị kia quyết mua cho bằng được: “Thôi thế này. Anh mua đúng giá 800 ngàn và thêm một thùng ken”. Lúc này Út mới chịu gật đầu nhưng còn giả vờ tiếc rẻ: “Thấy bố muốn quá nên tụi này để lại chứ cũng tiếc lắm, công trình đi từ sáng đến giờ”.
Út tâm sự: “Làm cái nghề này coi vậy chứ có ăn lắm. Có điều lúc này cá rất khan hiếm. Ngồi đó mà chầu chực có nước đói trơ miệng”. Theo Út, cũng đã gần một năm nay rồi, ở nơi được xem là “thánh địa” của cá chìa vôi mới bắt được một con. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, hồi hộp ở phiên “đấu giá”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Cá chìa vôi có thể nướng muối ớt, nấu cháo hoặc ăn sống với mù tạt rất ngon. Thịt cá thơm, dai không lẫn vào đâu được. Cá hiếm đã tạo cơn sốt. Càng sốt hơn khi nhiều đại gia từ các nơi về đây sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để thưởng thức cá chìa vôi. Cá chìa vôi lớn có chìa dài cả gang tay, cứng và sắc nhọn. Người ăn trầu trước đây dùng chìa này để quệt vôi nên nó có tên là cá chìa vôi.

 

Bình luận (0)