Không biết từ bao giờ bán kiểng rong đã trở thành một cái nghề của dân nhập cư đất “Sài thành”. Với khoản vốn vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng lận lưng cùng một chiếc xe đạp hay chiếc xe hon đa, ba gác cà tàng cộng thêm một tí kinh nghiệm về cây kiểng là có thể “hành nghề” kiểng dạo… Nói thì đơn giản vậy xong nghề này cũng không ít gian truân.
Nghề của dân nhập cư
Chị Tý, quê Hưng Yên, một người chuyên bán kiểng rong ở đường Hùng Vương quận 6, TP.HCM cho biết: “Ở ngoài quê ruộng ít, đất chật, làm thuê không đủ sống, nghe một số chị em trong xóm điện về rủ, thế là tôi bàn với chồng vô Sài Gòn bán kiểng. Những ngày đầu, ở quê ra thành phố, chưa quen nên toàn lạc đường. Vốn cũng chẳng có nhiều, chỉ vài trăm ngàn cùng chiếc xe đạp cà tàng đi bán khắp Sài Gòn”. Hành trình của chị một ngày không dưới 70km. 5 giờ sáng chị đã có mặt tại những vựa kiểng ở chợ Vĩnh Lộc A, quận 12 lấy hàng, sau đó đạp về trung tâm Thành phố, bán dạo ở các con đường Q.5, Q.6 cho đến khi trời tối thì về. Hôm nào may mắn bán hết hàng thì được về sớm.
Chị Tý đang bán hàng cho khách |
Anh Huân, một người bán Lan trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh cũng là dân nhập cư từ Hải Dương vào làm nghề kiểng rong. Anh tâm sự: “Tôi thích làm việc tự do nên chọn nghề này. Mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn sau khi đã trừ chi phí. Có những ngày bán không được mà xui xẻo bị công an phạt thì coi như lỗ vốn. Dẫu biết rằng bán hàng kiểu này là ảnh hưởng đến trật tự lòng lề đường nhưng vì miếng ăn nên cũng đành vậy…”. Có sức khỏe nên anh thường chạy xa hơn về các tỉnh miền Tây để lấy hàng. Anh bán chủ yếu tại đường Nguyễn Hữu cảnh, Q.Bình Thạnh. Quầy hàng di động nho nhỏ của anh cũng có đủ loại Lan.
“Kinh đô” của nghề kiểng rong
Theo dân bán kiểng rong trong Thành phố cho biết, đa phần những người làm nghề kiểng rong đều tập trung ở quận Gò Vấp, vì nơi đây gần nguồn hàng mà gía thuê trọ lại rẻ hơn so với các quận trung tâm nội thành. Khoảng từ giờ trưa cho đến chiều tối mỗi ngày, dọc đường Trường Chinh người bán kiểng khắp nơi lại kéo nhau về Gò Vấp.
Dạo qua các shop hoa kiểng nằm trên đường Nhống Nhất, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Cây Trâm, quận Gò Vấp, ta dễ dàng gặp những xe kiểng dạo ghé lấy hàng.
Theo chân anh Huân về khu xóm trọ của những người làm nghề kiểng rong mới thấy hết được sự cơ cực của những người nhập cư mưu sinh bằng nghề này. Xóm trọ của anh nằm trong một con hẻm ở đường Lê Văn Thọ, phường 13, Quận Gò Vấp. Xóm trọ nhỏ này có tới 20 phòng trọ thì đến hơn nửa là những người làm nghề kiểng rong, còn lại là thập cẩm mọi nghề: bán rau dạo, bán hoa quả dạo, bán chè dạo, làm hồ…
Căn phòng chỉ 10m2 bên cạnh phòng anh Huân mà có tới 3 người phụ nữ ở. Mọi sinh hoạt đều phải gò bó tiết kiệm. Thời buổi khủng hoảng, giá phòng trọ lại tăng cao nên mọi chi tiêu của họ cũng dè sẻn hơn rất nhiều, những bữa ăn đạm bạc toàn rau thêm vào đó là những miếng đậu hũ, hay khúc cá nục kho đặm. Chị Nga, người ở với chị Tý và cũng là dân của nghề kiểng rong chia sẻ: “Giá cả leo thang, tụi chị phải tằn tiệm lắm mỗi tháng mới dư được vài trăm ngàn gửi về. Cũng mốn kiếm phòng trọ rộng rãi ở, khổ nỗi tiền kiếm được ít nên đành ở vậy… Chật chội thiếu thốn nhưng chị em ở đây thương yêu đùm bọc nhau lắm. Cùng hoàn cảnh mà…”.
Trở về sau một ngày… ế ẩm |
Còn chị Tý cũng không khỏi chạnh lòng, mắt ứa lệ khi kể về nỗi nhớ con: “chị vào đây gần 4 năm rồi đấy em, mà cũng mới chỉ về thăm nhà được hai lần. Nhiều lúc nhớ con, nhớ chồng nhưng cũng chỉ biết bấm bụng khóc thầm! Tết vừa rồi những tưởng ở lại kiếm thêm được chút đỉnh ai ngờ thị trường hoa ế ẩm nên cũng chẳng ăn thua gì, đã vậy mới đây chị còn bị một khách mua hàng giật mất năm trăm ngàn khi mình lúi húi thối tiền”
Nhiều rủi ro
Những chị em làm nghề kiểng rong phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều chị em đi bán hàng bị lừa tiền, giật tiền, chưa kể là những hiểm nguy trên chặng đường dạo kiểng mưu sinh. Có nhiều khi xe đi đường đụng phải, cả xe hàng chòng chàng và đổ ụp xuống đường. Có người phải đi nhà thương điều trị gần tháng trời mới khỏi.
Chị tý nhớ lại “Ngày ấy mới lên Sài Gòn, đi bán kiểng dạo cả ngày cũng chẳng bán được nhiêu. Gần tối về gặp ông khách mua cho đôi chậu lan, mừng thầm trong bụng ai dè lại bị lừa tiền giả, thế là mất toi trăm bạc…”. “Một hôm bán được hai chậu hoa cho 2 nam thanh niên tôi rất mừng, chúng đưa tờ 500 ngàn, tôi đang loay hoay đem tiền ra thối thì bị chúng giật mất rồi rồ ga bỏ chạy, vậy là mất luôn gần cả triệu bạc”- Anh Hoàng một người cũng đi bán kiển dạo ngậm ngùi tâm sự. “Tôi hành nghề này hơn 5 năm nay gặp cũng không ít chuyện dỡ khóc, dỡ cười, nhiều lúc gặp những người mua khó tính, xem hết cây này xong cây khác nhưng không mua cây nào hết làm cho hoa của mình bị hư hỏng nên rất khó bán, có khi đi về khuya gặp bọn cướp, giật hết tiền nguy hiểm lắm”- Anh Hoàng cho biết thêm. Dẫu biết là nhiều rủi ro, nguy hiểm nhưng vì mmiếng cơm manh áo nên họ vẫn chấp nhận rong rủi khắp thành phố. Không một tiếng rao, họ vẫn lặng lẽ ngày ngày đi về trên những con phố, trong khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của đất Sài Thành phồn hoa đô thị. Họ giống như “những con ong” cần mẫn đang miệt mài kiếm sống nhưng cũng thầm lặng dâng tặng những mảng xanh – những mật ngọt cho đời.
Trần Toàn (Bình Tân)
Bình luận (0)