Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Sọ dừa” chinh phục giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Em sẽ cố gắng trở thành chuyên viên CNTT giỏi, “sọ dừa” Trương Thị Thương bộc bạch
Về xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) những ngày này, đi khắp làng trên xóm dưới chúng tôi đều được nghe bà con hồ hởi mừng cho cô bé tí hon Trương Thị Thương – một cô bé bị di chứng chất độc da cam chỉ nặng chưa đầy 30kg, cao 70cm đã lặn lội hàng chục cây số lên Đà Nẵng dự thi ĐH. Ngay trong buổi thi đầu tiên, Thương đã được ĐH Đà Nẵng quyết định đặc cách xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin (CNTT), Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Xã Đại Đồng những ngày hè tràn đầy nắng. Hai bên con đường làng những người nông dân vai áo bạc sờn, mồ hôi nhễ nhại đang đội nắng gieo cho kịp thửa lúa vụ hè thu. Đây đó trên vài mảnh ruộng túm tụm năm, bảy người cười nói vui vẻ. Họ truyền tai nhau câu chuyện về cô bé tí hon vừa được đặc cách tuyển thẳng vào ĐH.
Ngay từ ngoài ngõ chúng tôi đã nghe rộn rã tiếng cười nói, chúc mừng của bà con cô bác đi làm đồng về sớm tranh thủ ghé qua. Người chục trứng vịt tươi, kẻ vài ba lon gạo gọi là “quà” chúc mừng ngày em lai kinh trở về.
12 năm đến lớp trên lưng cha
Là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em, vừa cất tiếng khóc chào đời em đã không may mang trong mình di chứng chất độc dioxin để rồi từ đó phải chịu tật nguyền trọn đời. Bà Huệ – mẹ Thương – nói trong nước mắt: “Bậc làm cha mẹ ai chả đau khi con mình không hoàn thiện. Mang nặng chín tháng mười ngày như ai vậy mà cháu phải chịu khổ suốt đời. Con người ta ba tháng biết lật, bảy tháng biết bò, đằng này con mình chục tuổi đầu vẫn lăn long lóc như… sọ dừa. Đau lắm! Nhiều lúc nhìn con cố hết sức cầm cây bút mà ứa nước mắt”.
Điều may mắn là dù thân thể không nguyên vẹn, đôi chân chỉ như vật trang trí thừa thãi trên thân thể bé tẹo nhưng trí óc Thương vẫn phát triển bình thường, thậm chí thông minh hơn rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Sáu tuổi, thấy bạn đến lớp, Thương cũng đòi ba mẹ cho đi học. “Nhìn thân thể của con mà nghĩ đến đoạn đường đến lớp rồi còn ngồi trên ghế cả buổi đã thấy thương. Rồi chưa kể vì thân hình cháu như thế, làm sao tránh được bạn bè trêu chọc, nghĩ vậy tôi cảm thấy đau thắt lòng”, bố Thương – ông Trương Công Bảy – nghèn nghẹn nói tiếp: “Nhưng rồi hàng ngày cứ thấy con hí hoáy lấy que củi vạch trên mặt đất những nét chữ ngoằn ngoèo do tự em tưởng tượng ra, cuối cùng tôi và mẹ cháu đành cắn răng đưa con đến gặp cô giáo xin cho con vào học. Ban đầu phần thì ái ngại cho em, phần ngại việc chăm nom em nên nhà trường có ý từ chối. Năn nỉ mãi, cuối cùng cháu Thương cũng được vào lớp 1”.
Ngày em được nhận vào trường, niềm vui sướng ấy chưa kịp gọi thành tên thì ba mẹ em lại còng lưng gánh một nỗi lo khác. Nỗi lo từ nay công việc nhà nông phải cắt giảm để cho có người thường trực đưa đón em đến lớp. Tưởng đã “thuận buồm xuôi gió” dẫu cha mẹ có nhọc nhằn nhưng hai năm sau ông Bảy lại lâm bệnh nằm liệt giường, khi hết bệnh phải tập tễnh đi từng bước một. Thương đành lòng ở nhà đợi bố bình phục sức khỏe. Ba năm sau, ngày ông Bảy bước đi vững vàng cũng là ngày người dân làng Đại Đồng thấy cha con ông Bảy cõng nhau đến trường. Càng học lên cao, trường càng ngày càng xa nhà nhưng bất kể ngày nắng hay mưa, những bước chân vững chãi của người cha nghèo khó ấy vẫn miệt mài chắp bước cho con tới trường. Nhớ lại những tháng ngày đó, ông Bảy bộc bạch: “12 năm nó đến trường là từng ấy thời gian tui quanh quẩn việc nhà đợi đến giờ đón con. Kế mưu sinh chỉ mình mẹ nó gánh vác nhiều khi thấy bà ấy đi sớm về khuya mà thương lắm. Nhưng bảo con ở nhà thì không nỡ vì năm nào nó cũng mang giấy khen về. Đối với vợ chồng tôi, đó là phần thưởng đáng quý nhất”.
Theo hướng chỉ tay của ông Bảy, tôi để ý trên bốn bức tường trong căn nhà cấp 4 rêu phong của đôi vợ chồng nông dân này treo chi chít giấy khen của Thương từ năm lớp 1 đến cuối cấp. “Thương ba mẹ, em chỉ biết miệt mài cố gắng học tập. Nhiều lúc trở trời toàn thân đau quằn quại, những lúc đó em cắn môi cầm bút và nghĩ đến hình ảnh lam lũ của ba mẹ trên đồng làng”, Thương tâm sự. 
“Em tin mình vượt qua tất cả”
Ngày được các thầy giáo của ĐH Đà Nẵng xuống tận điểm thi kiểm tra và quyết định đặc cách cho em vào ĐH, Thương như vẫn chưa tin. Ngồi bên cạnh TS. Trần Văn Nam – Trưởng ban Tuyển sinh ĐH Đà Nẵng mà em cứ hỏi đi hỏi lại: “Thầy ơi, em được vào ĐH thật ạ?”. Nụ cười hiền từ của người thầy đã làm an lòng cô bé phần nào. Nhưng rồi trên suốt chặng đường trở về quê, Thương ngồi sau lưng cha nín lặng. Hai cha con chung một niềm vui và hai nỗi lo riêng. Rồi đây khi con lên TP, người cha ấy phải nghĩ cách kiếm một công việc làm thêm ở đó để cùng con bước tiếp. Còn đứa con thương cha mẹ và lo ngày mai khi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nơi chốn thị thành vốn không yên bình như cái vùng quê thuần nông thanh bình của em.
Lo là thế, nhưng nhìn sâu vào mắt họ tôi thấy ánh lên niềm tin và sự quyết tâm không mệt mỏi vào ngày mai. Ông Bảy chia sẻ: “Có lẽ tui sẽ để việc đồng áng và ba đứa nhỏ cho bà nó một tay chăm lo, tui sẽ vay tiền mua chiếc xích lô theo con lên TP.Đà Nẵng để kiếm tiền nuôi nó đến ngày tốt nghiệp. Con người ta lành lặn mà không ít đứa hư hỏng chẳng ra gì, con mình như thế là hạnh phúc lắm rồi”.
Nghe cha tỏ bày, Thương lén quay đi lau giọt nước mắt rồi cất giọng quả quyết: “Dù khó khăn đến mấy em cũng sẽ cố gắng để không phụ lòng ba mẹ và mọi người. Nhất định em sẽ trở thành chuyên viên CNTT giỏi để có việc làm ổn định, tự lo cho cuộc sống của mình. Có như thế mới bớt được gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Rời vùng quê Đại Đồng vào buổi chiều muộn, nhìn ánh mắt của Thương dõi theo như gửi gắm chút niềm tin, tôi thầm mong cho em, cho những bậc làm cha làm mẹ khó nghèo mà giàu nghị lực như ông Bảy, bà Huệ sớm vượt qua khó khăn, đạt được ước mơ “tìm chữ thoát nghèo” cho con.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)