Cùng ngồi một lớp, cùng học một trường, nhưng giới sinh viên tự xếp mình vào những hội, nhóm khác nhau để thể hiện những điều mà họ cho là “đẳng cấp”, “cá tính”, “phong cách” của mình.
Lập nhóm, hội để tạo … đẳng cấp
Mục đích khi lập nhóm, hội thì đã quá rõ. Nhưng ‘tiêu chí” để lập ra nhóm, hội lại có vô số: Phân chia theo mức độ giàu nghèo, khu vực địa lý, độ “hot” của nhan sắc, sở thích, tính cách, … Vì thế, dạo quanh các trường học, diễn đàn của SV, thấy nhiều cái tên hội “sặc mùi” phân cấp như: Hội Hà Nội, “nhà quê”, nhóm “hot girl”, nhóm LX, nhóm SH – @, nhóm hết mình, nhóm xăm hình, nhóm shopping, nhóm ngây thơ, … Tuyệt nhiên không có nhóm nào là nhóm … “chăm học”!
Có thể “nhận dạng” những nhóm sành điệu này như sau: xe ga đắt tiền phóng vù vù, xài dế xịn, thay bồ nhiều như thay áo, thường xuyên lui tới một vài quán “ruột” thay cho “đại bản doanh” của nhóm. Mỗi nhóm, có một “thủ lĩnh” đứng đầu, khởi sướng mọi phong trào, duy trì mọi hoạt động. Ý nghĩ phân chia đẳng cấp phổ biến và ăn sâu vào giới SV đến độ ngay cả các tân SV cũng đã xây dựng kế hoạch lập nhóm khi mới chân ướt chân ráo bước vào cổng trường ĐH.
Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nhóm “dân Hà Nội” với sự góp mặt của 6 SV mới toe. Đi học được hơn 2 tháng, nhóm này cũng đã “kịp” xác định những người cùng hội cùng thuyền với mình. Chỉ cần là người Hà Nội, có nhu cầu, tỏ ra “hợp gu” với các thành viên khởi sướng là đã có thể nhập hội. Hoạt động của nhóm này còn “mạnh mẽ và sôi động” gấp nhiều lần hoạt động lẻ tẻ và nhạt nhẽo của lớp. Đi chơi, đi ăn, mua sắm, .. cả hội đều đi chung.
Tuyệt nhiên, hội này không chơi với các bạn tỉnh lẻ. “Bọn tỉnh lẻ, cổ hủ lắm! Đã thế lại khó hoà nhập, giữ ý tứ một cách không cần thiết. Đôi khi bọn này chả hiểu bọn đấy nó nghĩ cái gì. Mệt lắm!”, em SV tên Hồng, gương mặt non choẹt nhất trong nhóm nói.
Quan sát cách nói chuyện của nhóm này, có thể thấy rõ những câu chuyện “buôn dưa lê” thường chỉ xoay quanh các vấn đề về áo quần, giai đẹp, tiền bạc và nói xấu bọn … không xinh bằng mình!
Thậm chí, trên diễn đàn Trái tim Việt Nam Online, các “Club” của SV Hà Nội còn lập hẳn ra các chủ đề bàn về sự khác biệt giữa SV Hà Nội và SV nhà quê. Không thiếu ý kiến tỏ ra miệt thị dân nhà quê cù lần, chậm chạp, khó “đào tạo”. Có ý kiến của một nam SV Hà Nội còn thẳng thừng tuyên bố: Nếu lấy vợ, không bao giờ lấy một cô ở tỉnh lẻ. Dù có sống ở Hà Nội thì cái gốc của cô ta cũng vẫn chỉ là một người nhà quê mà thôi!?
Phân chia theo “khu vực” như trên còn đỡ phức tạp. Nếu lấy tiêu chí ăn chơi để lập nhóm thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Trường ĐHDL Đông Đô, một nhóm 4 cô gái lấy tên “Nhóm xăm hình” lập ra đã lâu, trên cánh tay 4 cô đều có hình xăm nàng tiên cá, gần dưới mắt cá chân trái mỗi cô cũng có một hình xăm tương tự, thắt lưng xăm đầu một con cú vọ. “Bọn mình đã rủ nhau đến ngõ Hào Nam để cùng khắc chung một hình, thay lời “kết nghĩa” chị em!”, Phùng Minh Thủy, đầu tàu của nhóm cho biết.
Trong 4 cô gái nhóm Thuỷ, có đến 3 cô ngoại tỉnh. Đáng lưu ý là chỉ có 2 cô ở thành phố, 2 cô còn lại, đều xuất phát từ đồng ruộng! “Thích thì cứ làm thôi, đến từ đâu đâu có quan trọng gì. “Ông bà già” ở nhà không thích thế thì mỗi lần về quê, giấu đi là xong chuyện”, cô gái đến từ Thái Bình hất hàm nói. Theo tìm hiểu, gia đình cô này làm ruộng, hết mùa thì bố mẹ có nghề làm thêm là xách vôi vữa, anh trai đi làm may 10, cả nhà có mình cô đi học ĐH nên dốc sức nuôi cô!
Đây cũng là điều phổ biến khi nhiều SV ngoại tỉnh, muốn đua đòi, tham gia các hội, nhóm để thể hiện mình là “dân chơi”, dù trong túi chẳng có nhiều tiền! Không có đủ, thì đã có các “đại gia” bao cấp. Cô nào không có “đại gia” thì cũng tìm mọi cách nói dối để có tiền đóng “lệ phí” sinh hoạt nhóm! Bởi đã tham gia vào nhóm, các thành viên thế nào, mình cũng phải chạy theo như thế! Mà phí sinh hoạt nhóm như thế này, đâu có rẻ, vì một khi đã xác định ăn chơi là phải tốn kém!
Mỗi cô gái trong hội của Thủy, ngoài hình xăm, đều đầu tư quần là áo lượt, mỹ phẩm loại đắt tiền, tóc tai sành điệu để tạo một “phong cách hoàn toàn khác biệt”!? Địa chỉ làm tóc mà 4 cô SV này ưa thích là hiệu Long Sài Gòn trên phố Trần Xuân Soạn. Mỗi lần chỉ cắt tóc, cũng đã mất đến 200 nghìn một cái đầu. Nhưng cắt chỗ càng đắt, họ càng chứng tỏ mình là dân sành điệu “thứ thiệt”!
Cho nên, mới có chuyện các SV đòi tiền nhiều chi tiêu từ gia đình, đòi mua xe đẹp, điện thoại xịn, cố kiếm người yêu cũng cùng đẳng cấp để lên mặt với bạn bè!
Có những hội mới nghe tên không đã muốn … làm quen: Hội “hết mình”! Muốn tìm hội này đến Trung cấp Du lịch sẽ thấy. Hết mình từ đi ăn, đi nhậu, đi chơi. 3 cô gái và 2 chàng trai, tối tối kéo nhau ra sân Mỹ Đình nhậu tới bến, có lời mời nào cũng không từ chối. Ngày thì rủ nhau bỏ học “hết mình”. Cách ăn mặc cũng thoải mái hết sức: Váy ngắn, áo trễ! Điều lạ là những SV này không cảm thấy lạc lõng: “Phải sống thế nào thì mới có bạn có bè thân thiết lập thành hội thành nhóm chứ!”, trưởng nhóm Hoàng Thị Mỳ vỗ ngực tự hào!
Không chỉ có các SV nữ mới lập nhóm, lập hội. Các SV nam cũng không kém khi cũng lập hội chơi. Là tay chơi ở ĐH Thăng Long, Hoàng Văn Khánh lập một nhóm chỉ đi xe SH, chuyên cặp kè với các “chân dài”, tụ điểm yêu thích là bar, vũ trường, sở thích chung là nhậu nhẹt, lô đề. Ngoài ra, có một điểm chung nữa là hội này nhìn dân ngoại tỉnh nghèo bằng nửa con mắt!
Trong kí túc xá, cùng là dân ngoại tỉnh với nhau, cũng có sự phân biệt này. Nếu có bồ, thì đi chơi đi nhậu với nhau; nếu có nhiều “vệ tinh” theo đuổi cũng chơi chung để chia sẻ niềm hãnh diện. SV nào có điều kiện hơn cũng thường tỏ ý khinh khỉnh ra mặt: “Bạn phòng em, nhà khá giả hơn, không dùng chung đồ với mọi người trong phòng, vì cho rằng đồ bạn mua xịn hơn, nếu dùng chung, thì bạn ấy thiệt. Mà nếu dùng chung đồ bình dân như bọn em, thì bạn ấy bảo không chịu nổi”, SV trường ĐH Thương Mại Nguyễn Thị Loan cho biết.
Yêu đương, bạo lực và chia rẽ
Chuyện tình yêu của những cô cậu SV các nhóm này phức tạp không kém cách chơi của họ, bởi đại đa số là đều cố kiếm tìm những người có nhiều tiền, đủ sức chi trả cho nhu cầu của mình. Vì cùng chơi chung, nên các cô gái trong nhóm cũng rất dễ “nổi loạn”! Người yêu của các cô nàng này đều thuộc loại “khủng”: Thủy nhóm xăm hình có người yêu làm ngành bất động sản, xấu hơn Thủy nhiều nhưng tiền thì nặng túi, nhóm ”Hết mình” mỗi người có một mối riêng. Riêng Mỳ yêu một “lão” 40 tuổi, làm kinh doanh chứng khoán.
Để có được những bến đỗ tạm thời như ngày hôm nay, 2 cô gái này đã trải qua khá nhiều sóng gió trong tình yêu. Để vượt qua và trả thù các anh giai dám xa lìa mình, các cô thường huy động cả nhóm “tổng tấn công” kẻ phản bội mình. Chia tay người yêu cũ trong nỗi “hậm hực”, Thủy nhờ bồ mới đưa chân tay đến “dằn mặt” và cho bồ cũ một trận đòn vì dám làm em “đau”! Song song với chiêu này, Thủy nhờ tiếp một cô bạn làm quen và tán tỉnh gã kia, rồi thực hiện kế hoạch bòn rút của cải rồi đá hắn phốc một cái. Giải thích cho việc cô bạn sẵn sàng giúp đỡ Thủy để “diệt” thằng kia một trận, Thuỷ cho biết: “Đã cùng hội cùng thuyền với nhau thì phải hy sinh cho nhau!”
Chưa bằng Mỳ, khi cô đưa cả 4 người còn lại trong nhóm “hết mình” đến gặp người yêu cũ, đánh hội đồng cho một trận rồi hùng hồn tuyên bố: “Từ nay, cấm mày đi qua đường Phạm Văn Đồng để tao không phải nhìn thấy cái mặt mày!? Coi chừng làm tao ngứa mắt là mất nghiệp”. Thử tưởng tượng, nếu cứ thay người yêu như thay áo, thì sẽ có bao nhiêu lần nữa những chuyện như thế này?
Cũng chính vì một bộ phận SV trên lớp chủ động phân chia hội, nhóm, chơi riêng với nhau, tìm mọi cách để thể hiện mình là SV quý tộc, sành điệu nên những SV khác không có ý chia rẽ cũng bỗng bị đẩy vào một hội với nhau: Hội không phân chia đẳng cấp. Hội này chơi với nhau hài hoà, và thường cảm thấy tập thể lớp mất đoàn kết vì những thành phần cá biệt.
Nguyễn Thu Hương, SV Học viện Báo chí Tuyên truyền chia sẻ quan điểm: “Trong lớp mà có nhóm, hội cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu chơi với nhau mà vẫn hoà đồng được với mọi người thì tốt quá. Chỉ ngại là nhiều bạn hơi cực đoan, đã chơi với nhóm thì bỏ cả lớp luôn”.
Hương cũng cho biết thêm: “Bạn mình nó cũng là dân chơi đấy. Mình nghĩ đó là nó tự phong cho nó thế thôi! Chứ đã kiếm được tiền đâu mà chơi? Toàn lấy tiền của bố mẹ thì đâu có thể gọi là dân chơi được!”
Sự phân chia này cũng làm rạn nứt và đổ vỡ nhiều mối quan hệ bạn bè thân tình: “Đứa quê Thái Bình thuộc nhóm xăm hình là bạn mình đấy. Cùng ở quê lên học, vậy mà giờ nó khác lắm. Ăn chơi thấy rõ, gặp bạn bè mặt cũng vênh váo, không thèm hỏi han nhau. Thế mà trước đây, chơi với nhau rất thân thiết đấy!”, Trần Thị Hoà, SV ĐHDL Đông Đô chia sẻ.
Hòa bày tỏ quan điểm: “Mình coi chuyện này là bình thường. Nhưng bản thân mình không tán thành, vì nó gây mất đoàn kết, và dễ lôi kéo nhau vào những việc phức tạp. Chi bằng, cứ chơi chung với tất cả mọi người có phải hay hơn không? Nếu có hội có phường thì cũng được, nhưng đừng đánh mất bản thân, đua đòi hư hỏng là chuyện không nên chút nào”.
(Theo Vietnamnet)
Bình luận (0)