Ông Sy bên những cây giống chuối Nam Mỹ
|
Tại TP.HCM, Củ Chi được xem là một trong những địa điểm thuận lợi để thử nghiệm gieo trồng cây giống. Bởi vậy, gần một năm qua, vùng đất này còn xuất hiện một giống cây mới có nhiều hứa hẹn trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn mang đến sự phát triển kinh tế nông thôn cho bà con, đó là chuối Nam Mỹ.
Lạ mà không lạ!
Thực tế, giống chuối Nam Mỹ đã từng xuất hiện và “nổi đình nổi đám” tại Việt Nam. Bấy giờ, Công ty PanViet được xem là chủ đầu tư khi bỏ ra hàng chục triệu đô la để thực hiện dự án trồng chuối xuất khẩu với diện tích hàng ngàn hecta rải rác từ Nam ra Bắc. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, PanViet đành phải “dẹp bỏ” dự án này bởi có nhiều sai sót trong quản lý cũng như khâu kỹ thuật về ươm trồng cây giống. Bẵng một thời gian hơn 20 năm, bây giờ, giống chuối Nam Mỹ một lần nữa trở lại Việt Nam nhưng bằng những kỹ thuật, kinh nghiệm mới và Củ Chi hiện là vùng đất đầu tiên được thí điểm nuôi trồng.
Ngoài một số hộ dân tại ấp Bàu Tròn, xã Nhuận Đức hiện đang trồng thử nghiệm giống chuối Nam Mỹ thì nơi đây còn có một vườn ươm, trồng với diện tích rộng khoảng 1 ha đất. Nhìn những cây chuối “phổng phao”, trĩu nặng với quày nải no tròn, bóng bẩy, ông Chè A Sy – quản lý và là người trực tiếp chăm sóc vườn ươm, trồng cho biết: “Tại Đông Nam Á – một vùng đất rất thuận lợi để phát triển giống cây này thì chỉ có Philippines là nổi tiếng gieo trồng và xuất khẩu mạnh. Trong khi ở Việt Nam, cũng có đủ con người, khí hậu, đất đai… ấy sao lại không thể phát triển được chuối Nam Mỹ? Đó là trăn trở của những nhà đầu tư và dự án vườn ươm, trồng tại Củ Chi ra đời”. Dù vậy, hiện nay ở Việt Nam, nguồn chuối Nam Mỹ vẫn phải nhập khẩu con giống cấy mô từ nước ngoài, trong đó Đài Loan là chủ yếu.
Theo ông Sy, so với các giống chuối của Việt Nam như già hương, chuối cau, quả tạ… chuối Nam Mỹ nếu chỉ nhìn sơ qua thì sẽ không khác mấy. Song, đây là một giống chuối lạ, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và hiệu quả kinh tế khá cao nên đòi hỏi khâu kỹ thuật gieo trồng phải chuẩn xác, phù hợp. Vì là giống chuối cấy mô nên chuối Nam Mỹ phát huy được tối đa ưu điểm là cây sạch bệnh, ít đổ ngã và kháng bệnh tốt, đồng thời đến vụ sẽ thu hoạch đồng bộ, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, để quả chuối to, chắc khỏe đòi hỏi người dân phải biết… hy sinh. Tức chỉ nên giữ lại ở mức 8 nải/quày, còn lại cắt bỏ. Thử làm phép tính so sánh, một quày chuối Việt Nam hiếm khi nặng quá 30kg, trong khi chuối Nam Mỹ có mức tối thiểu là 35kg, tối đa được 50kg/quày, khi ăn có mùi thơm và dẻo hơn so với chuối Việt – đây cũng là lý do được thị trường thế giới ưa chuộng. Còn về hình thức, ngay từ nhỏ trên lá của chuối Nam Mỹ xuất hiện những vết loang tím đặc trưng, khi lớn chuyển sang một màu xanh đậm, dày và tán lá có khi rộng đến 1m. Hiện tại, ngoài Củ Chi còn có Sóc Trăng, Long An… là những địa phương đang được các nhà đầu tư và kỹ thuật viên khảo sát gieo trồng giống chuối cho năng suất cao này.
Hứa hẹn kinh tế cho người dân
Chuối được xem là mặt hàng trái cây ưa chuộng nhất trên thế giới, đặc biệt đối với những nước phương Tây. Hiện tại, nhà cung cấp và đầu tư giống chuối Nam Mỹ vào Việt Nam đã có đầu ra ổn định là Trung Quốc, Mỹ, Ả Rập Xê Út và Nhật Bản… Ngoài thị trường ổn định thì chuối Nam Mỹ còn hứa hẹn là mặt hàng xuất khẩu siêu lợi nhuận bởi chỉ để đáp ứng nhu cầu tại các quốc gia nói trên đòi hỏi nguồn cung mỗi năm phải 2 triệu thùng, mỗi thùng 13kg (trước đây, trong 6 năm hoạt động, Công ty PanViet đã xuất khẩu hơn 3 triệu thùng, thu nhập khoảng 25 triệu đô la). Ông Sy cho hay, ước tính, chỉ chừng 1ha chuối Nam Mỹ, với khoảng hơn 2.000 cây có mật độ 2x2m thì sau 10 tháng tính cả thời gian cấy mô thì thu hoạch có thể lên đến 60-80 tấn chuối. Và với giá 5-6.000 đồng/kg, trừ các chi phí đầu tư như cây giống, nước, phân, nhân công… thì lợi nhuận lên đến trên dưới 150 triệu đồng.
Khởi đầu cho dự án này, bên cạnh tự sản xuất, nhà đầu tư còn cung cấp cây giống cho bà con có nhu cầu mua trồng với giá 16 ngàn đồng/cây, sẵn sàng hỗ trợ hoặc chuyển giao, tư vấn về mặt kỹ thuật để giúp bà con mang lại hiệu quả cao nhất. “Đồng thời, nhà đầu tư còn ký hẳn hợp đồng bao tiêu đầu ra cho bà con ngay từ giai đoạn mua cây giống” – ông Sy khẳng định. Đánh giá cao dự án cây giống mới này, ông Võ Văn Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhuận Đức cho biết: “Trồng chuối Nam Mỹ xuất khẩu là mô hình phát triển nông nghiệp khả quan, đem lại nguồn kinh tế cao. Hiện tại, bên cạnh nhiều người dân địa phương đã và đang mua cây giống trồng thử nghiệm thì bà con một số vùng khác cũng đã tìm đến học hỏi kỹ thuật và mua về trồng. Điều quan trọng khiến bà con rất thích ở giống chuối này là từ giai đoạn cấy mô đến cấy vào vườn ươm đều thực hiện trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ tự nhiên nên khi trồng ra đất cây rất mau thích nghi, tỷ lệ hao hụt chỉ ở mức 5-10%”.
Trong khu vườn rộng gần 30m2 của chị Nguyễn Thị Hải, một người dân thuộc ấp Bàu Tròn, 5 cây chuối Nam Mỹ đã đến giai đoạn trổ buồng, cây cao tầm 2,5m. Chị Hải cho biết: “Tôi mua giống chuối này về trồng thấy cũng… hợp đất. Dù vậy, lúc đầu do không biết kỹ thuật, không đào rãnh thoát nước vì sức chuối chịu ẩm thấp nên phát triển chậm. Sau đó, tôi được hướng dẫn điều chỉnh nên cây lớn nhanh và lớn đồng đều”. Khi được hỏi về việc mở rộng diện tích trồng để xuất khẩu, chị Hải khẳng định điều đó nằm trong tính toán của không chỉ riêng gia đình mình mà còn của nhiều người dân khác, khi mà hợp đồng bao tiêu được nhà cung cấp cây giống thỏa thuận ký ngay từ lúc đầu…
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Bình luận (0)