Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Dạy báo chí phải gắn với báo chí

Tạp Chí Giáo Dục

“…Đội ngũ dạy báo chí (cả kỹ thuật và nội dung) phải luôn “gắn với báo chí” thì mới “lấy báo chí để dạy báo chí” được; tức là giảng viên và HSSV phải có cơ hội tham gia vào quy trình sản xuất của cơ quan truyền thông; hoặc có sản phẩm đăng trên phương tiện truyền thông; hoặc phải mời được những người đang làm báo chí, những chuyên gia giỏi về PT-TH tới tham gia vào quy trình đào tạo của trường…”. Đó là những nhận định của ông Kim Ngọc Anh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II nhân kỷ niệm 35 năm thành lập trường.




















http://vov.edu.vn/Data/Sites/1/GalleryImages/2/FullSizeImages/47987715-32ed-4638-bf9c-049a7bd17e84.jpg
Hiệu trưởng Kim Ngọc Anh
Xin ông cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với ngôi trường 35 năm tuổi của Đài Tiếng nói Việt Nam?
Bên cạnh sự phân công của tổ chức thì với tôi đó là việc được quay trở lại mảng công việc mình yêu thích. Năm 1997, tôi được Đài tuyển dụng sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi có 11 năm làm công tác ở bộ phận đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ công chức của Đài  trước khi chuyển sang làm Phó Giám đốc Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ phát thanh năm 2008. Thời gian làm việc ở đây được hơn 3 năm cho tới tháng 9.2011 thì được Lãnh đạo Đài phân công công tác tại trường.  
Ông đã có những cảm nhận và khó khăn ra sao khi mới về nhận công tác ở trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II?
Đây là môi trường làm việc đặc thù, có tính mô phạm. Ngôi trường như một xã hội thu nhỏ. Tôi hiểu công tác giáo dục, đào tạo nhưng đứng đầu một trường đào tạo chuyên nghiệp thì tôi chưa có kinh nghiệm. Rất may mắn là khi còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi có tham gia “khá sâu” vào công việc của 2 Trường trong thời gian dài nên cũng đỡ bỡ ngỡ. Mặt khác tôi nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của nhiều đồng nghiệp. 
Còn về khó khăn thì có nhiều, nhưng chúng tôi sẽ bàn xem “làm như thế nào”? Bởi nếu muốn bình yên thì con thuyền chỉ nên neo ở bến cảng, nhưng mục đích của những người đóng thuyền không phải như vậy. Mọi thứ chúng ta có được đều là kết quả của sự lao động với thái độ tích cực và đam mê nhất.
Chúng tôi đã cùng nhau nhìn thẳng vào vấn đề, tại sao các trường ngoài công lập, đi thuê đủ thứ, không được cấp ngân sách mà vẫn hoạt động được? Trong khi chúng ta có cơ sở vật chất, nhà nước vẫn cấp tới 70% ngân sách hoạt động (chưa kể các khoản đầu tư không thường xuyên) mà chưa phát triển được?
Tôi nhớ mãi phát biểu của nguyên Phó Tổng Giám đốc Đoàn Việt Trung dịp 20.11.2011 tại trường: Tôi rất buồn khi bước chân vào đây, cho dù trường có nhỏ bé, có cũ nhưng không thể để mọi thứ tạm bợ như thế này, trường không ra trường, lớp không ra lớp. Câu nói đó tác động tới tôi rất nhiều. Với sự chủ động và quyết tâm cao của trường và sự giúp đỡ của Đài, chỉ sau nửa năm trường đã có bộ mặt mới. Tôi rất vui khi sinh viên chụp ảnh trường và khoe trường trên Facebook.
Vấn đề nữa là thu nhập của cán bộ, giảng viên. Mức thu nhập bình quân của trường thấp khiến chính sách thu hút và giữ chân lao động gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi thu nhập cao cũng phải gắn với năng suất và chất lượng lao động. Không thể đòi hỏi thu nhập gấp 2, gấp 3 khi ta chỉ làm ở mức 1 hoặc dưới mức 1. Tôi khuyến khích các nhân tố tích cực bằng khen thưởng, bằng cách áp dụng chính sách thu nhập tăng thêm linh hoạt. Tôi luôn nói: Khuyết điểm lớn nhất của chúng ta là không làm gì và thấy việc tốt hơn mà không làm.
Ông và Ban giám hiệu đã có những quyết sách gì trong việc phát triển trường?
Thương hiệu của một trường đào tạo ắt phải là chất lượng đào tạo. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Công tác tuyển sinh được nâng cao về số lượng và chất lượng đầu vào. Kế hoạch từ năm 2013, tôi đề nghị trích lập 2-5% nguồn thu cho R&D (nghiên cứu và phát triển), trong đó tập trung cho phát triển đội ngũ, đặc biệt là đối với đội ngũ dạy báo chí phải luôn “gắn với báo chí” thì mới “lấy báo chí để dạy báo chí” được. Dự án tăng cường năng lực đào tạo của trường cũng đã được Bộ Tài chính phê duyệt và cấp ngân sách thực hiện từ năm nay. Hy vọng giáo trình tài liệu, trang thiết bị thực tập sẽ được nâng cấp vào những năm tới.
Về dài hạn, bên cạnh công tác chuyên môn, trường phải có một cơ sở mới. Tôi rất mừng thông báo rằng, với quyết tâm của nhà trường và sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đài nên Dự án xây dựng cơ sở 2 của Trường tại Đài PSPT Quán Tre, Q12 sẽ được khởi công vào đầu quý 3 năm nay. Nếu được hoàn thành, đây là một ngôi trường đúng nghĩa với khu giảng đường, ký túc xá, nhà ăn, khu văn hóa thể thao, khuôn viên, thư viện, khu văn phòng…khang trang và rộng gấp 15 lần diện tích cơ sở ở 75 Trần Nhân Tôn.
Với sự chuẩn bị tích cực đó, tôi hy vọng trong giai đoạn sắp tới trường sẽ được Chính phủ cho phép nâng cấp lên bậc đại học cho đúng với vị thế của Đài TNVN.
Kỷ niệm đáng nhớ của ông khi công tác ở đây?
Đó là ngày 20/11/2011, tôi về nhận nhiệm vụ ở trường được hơn 2 tháng. Tôi nhớ hôm đó là thứ 7. Tôi đi làm như bình thường và nghĩ hôm nay trường sẽ rất đông vui như các ngôi trường ở Hà Nội hay như trường CĐ PTTH I mà tôi đã được chứng kiến. Nhưng tôi thực sự buồn vì trường vắng…hơn ngày thường. Tôi tìm hiểu thì được biết, trường không cho HSSV tặng hoa thầy cô ngày này vì sợ tiêu cực. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, nhà tôi rất nghèo nhưng Tết nào bố tôi cũng phải dành ra chai rượu Thăng Long, gói chè, bao thuốc để đưa tôi đi thăm thầy cô. Tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc ta mà ai cũng biết. Ngày 20/11/2012 không khí ở trường đã khác, sau nghi lễ chào cờ và hát quốc ca trang nghiêm, đại diện HSSV đã lên tặng hoa chúc mừng BGH và các Phòng/Khoa/Trung tâm trong trường, tình cảm thầy trò thật nồng ấm, trong sáng.
Một kỷ niệm mà tôi rất nhớ đó là bức chân dung học trò vẽ bằng bút chì mộc mạc gửi tặng sau một giờ giảng, hay bài hát “chúc mừng sinh nhật” của tập thể sinh viên hát tặng tôi qua điện thoại cũng khiến tôi bất ngờ và ấm lòng…
Ông suy nghĩ như thế nào về giáo dục – đào tạo và công việc của người thầy?
Alvin Tofler, nhà tương lai học người Mỹ có nói: Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại. Việc dạy và học ngày nay cũng phải thay đổi, tôi đã đọc được ở đâu đó rằng: Giáo dục không phải là đổ đầy một thùng nước mà là thắp sáng lên một ngọn lửa; kết quả của giáo dục là sự bao dung của con người; mục tiêu của nó là làm cho học trò thích nghi được với cuộc sống khi không có thầy. Theo tôi, dạy học là khơi gợi chứ không nên giáo điều và truyền cho học trò mình mong muốn tự dạy bản thân.
     Xin cảm ơn ông.
Trương Thị Hoài Hương 

Bình luận (0)